Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Một bộ sách giáo khoa thì việc dạy học sẽ khuôn cứng

01/10/2022 06:32
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo; quochoi.vn
GDVN- Ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội đã dự Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại địa bàn huyện Thanh Oai và quận Hà Đông.

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tại Hội nghị, các vấn đề cử tri huyện Thanh Oai và quận Hà Đông gửi đến đại biểu Quốc hội tập trung vào các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vấn đề ô nhiễm môi trường; tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn; công tác xây dựng luật, đất đai, phòng chống tham nhũng; chế độ chính sách với y bác sĩ, giáo viên; chế độ chính sách cho cán bộ Hội người cao tuổi, Hội nạn nhân chất độc da cam, cán bộ cấp xã; một số vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo…

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri để chuyển đến các đơn vị chức năng có trách nhiệm để giải đáp, xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã phản hồi cử tri về một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo như việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông - thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có vấn đề xã hội biên soạn sách giáo khoa, sự đáp ứng của đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình; vấn đề thiếu giáo viên, chính sách cho nhà giáo…

Riêng với những ý kiến liên quan đến giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp phản hồi cử tri. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh giáo dục - đào tạo đang trong thời điểm chuyển đổi - nói như Nghị quyết 29 là đổi mới căn bản, toàn diện. Với giáo dục phổ thông, toàn ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội; được Quốc hội chỉ đạo qua Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 và Kế hoạch của Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối, các tỉnh/thành trực tiếp triển khai trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

Khẳng định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương lớn, Bộ trưởng chia sẻ điểm khác biệt so với trước đây: Chương trình được biên soạn một cách chi tiết và lấy đó làm chỗ dựa cho giáo viên triển khai dạy - học, thi cử; sách giáo khoa chỉ là tài liệu, học liệu giúp giáo viên triển khai chương trình. Khác về bản chất so với trước đây, chương trình có tính chất khung, còn sách giáo khoa là chỗ dựa căn bản có tính pháp định giáo viên phải dạy theo, học sinh phải học theo.

Bộ trưởng nhận định và cho rằng: Khi chỉ có một bộ sách giáo khoa, việc dạy học sẽ khuôn cứng trong đó và không có gì so sánh. Còn làm nhiều bộ sách, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, nhiều nhóm tác giả, nhà xuất bản... cạnh tranh trong biên soạn nên sẽ cố gắng thể hiện tốt nhất cả về nội dung, hình thức. Cạnh tranh là quy luật thị trường, thúc đẩy đầu tư cho chất lượng.

Triển khai chương trình mới, giáo viên có kinh nghiệm, năng lực tốt sẽ tương đối thuận lợi, nhưng cũng có một số giáo viên thấy khó khăn. Do đó, theo Bộ trưởng, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phát huy giáo viên thích ứng tốt, hỗ trợ những người còn khó khăn. Thực tế, triển khai năm lớp 1, lớp 2 vừa qua, nhiều giáo viên rất hào hứng. Trong các cuộc khảo sát, giáo viên cũng ghi nhận những đổi mới cực của chương trình.

Bày tỏ cảm ơn và ghi nhận ý kiến của cử tri, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng lòng, phối hợp của mọi người dân với ngành giáo dục.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào 18/11/2022. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác… Trong đó, 2 luật có tác động lớn đến đời sống nhân dân, đời sống xã hội được Bộ trưởng nhấn mạnh là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo; quochoi.vn