Kiến nghị hướng phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa HĐT và Ban giám hiệu

19/10/2022 09:45
Linh Hương
GDVN-Chưa đồng bộ giữa Luật 34 và một số Luật, Nghị định khác nên thẩm quyền tài chính, tài sản phần lớn do cơ quan quản lý cấp trên quyết định.

Ngày 6/10, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức toạ đàm trực tiếp với chủ đề "Phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học" với sự tham gia của các thành viên Câu lạc bộ là Chủ tịch Hội đồng trường các đại học, trường đại học, viện, học viện trong cả nước.

Với mục đích thúc đẩy và phát triển tự chủ đại học theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP, sau cuộc toạ đàm, Câu lạc bộ đã tổng hợp những khó khăn và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ.

Để rộng đường dư luận, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả thông tin nội dung tổng hợp này.

Những khó khăn khi thực hiện phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng

Một là, chưa có sự không đồng bộ giữa Luật 34 và Luật ngân sách (2015), Luật đầu tư công (2019), Luật quản lý sử dụng sản công (2017), các nghị định…nên thẩm quyền tài chính, tài sản phần lớn vẫn do cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt, quyết định. Do vậy, vai trò Hội đồng trường thường là chỉ xem xét cho ý kiến, thông qua trước khi Hiệu trưởng báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên, không phải Hội đồng trường quyết định một số nội dung như Luật 34;

Ngày 6/10, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức toạ đàm trực tiếp với chủ đề "Phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học" (ảnh: Ngân Chi)

Ngày 6/10, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức toạ đàm trực tiếp với chủ đề "Phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học" (ảnh: Ngân Chi)

Hai là, một số thông tư của một số cơ quan quản lý cấp trên lại phân cấp thẩm quyền quyết định về tài chính, tài sản, nhất là các dự án đầu tư cho Hiệu trưởng, do đó Hiệu trưởng ra quyết định mà không thông qua ở Hội đồng trường;

Ba là, cơ quan quản lý cấp trên thường xem xét, phê duyệt các đề án, dự án do Hiệu trưởng trình lên mà không quan tâm đến việc đề án, dự án đó đã thông qua Hội đồng trường hay chưa, mặc dù trong Quy chế của cơ sở giáo dục đại học đã ghi rõ là phải thông qua Hội đồng trường trước khi báo cáo cấp thẩm quyền;

Bốn là, theo Luật 34, các quy chế, quy định (kể cả về tài chính, tài sản) đều do Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng dự thảo. Ban soạn thảo thường chưa nắm rõ Luật 34, hoặc chưa thực sự quan tâm đến vai trò thẩm quyền của Hội đồng trường, nên khi trình dự thảo ra Hội đồng trường thiếu sự thống nhất, thiếu rõ ràng về thẩm quyền Hội đồng trường, khó đạt được sự đồng thuận.

Năm là, khi có sự bất đồng về quan điểm phân cấp thẩm quyền giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, Luật 34 hướng dẫn Chủ tịch Hội đồng trường báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên, song thực thế, khi hỏi cơ quan quản lý cấp trên thì cấp thẩm quyền thường lúng túng, chậm hoặc không phản hồi, hoặc coi đó là việc cơ sở phải tự giải quyết;

Sáu là, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan vẫn còn lúng túng trong xác định Người đứng đầu trong cơ sở giáo dục đại học, trong khi Nghị quyết 19/NQ-TW năm 2017 của Đảng đã định hướng đổi mới quản trị đơn vị sự nghiệp công lập theo mô hình quản trị doanh nghiệp, hội đồng trường là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong Nhà trường.

Bảy là, năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình xã hội chưa hiệu quả;

Tám là, cơ sở pháp lý, năng lực giám sát, mô hình triển khai hoạt động giám sát của Hội đồng trường trong thực tế còn hạn chế, nhất là việc giám sát về tài chính, tài sản.

Chín là, mô hình, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Hội đồng trường còn chưa có sự thống nhất giữa các trường. Mục tiêu Hội đồng trường hoạt động hiệu quả, đúng nhiệm vụ quyền hạn, đảm bảo sự hài hòa, tạo động lực phát triển chung của nhà trường, mà không tạo áp lực cho các bên liên quan đang là bài toán khó.

Mười là, thực tế tại Trường Đại học Lao động - Xã hội, mức độ tự chủ còn thấp (tự chủ một phần chi thường xuyên) và Nhà trường vẫn mong muốn hướng đến thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, Chính phủ đã quyết định sáp nhập Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Lao động- xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào Trường Đại học Lao động- Xã hội và trở thành trung tâm đào tạo công chức cho Bộ. Trung tâm này có nguồn kinh phí từ Nhà nước để đào tạo.

Thực tế đó đã đặt ra một khó khăn với trường Đại học Lao động - Xã hội khi tiến hành tự chủ, đó là “nếu thực hiện tự chủ hoàn toàn thì phải cắt giảm dần ngân sách chi thường xuyên, tuy nhiên với đặc thù trường như vậy thì rõ ràng phải có kinh phí phân bổ của Nhà nước, nên muốn tự chủ chi thường xuyên sẽ rất khó”. Vậy giải quyết như thế nào?

Mười một là, vai trò của Hội đồng trường chưa được như mong muốn, đặc biệt là trong các quyết định về tài chính. Hội đồng trường thông qua chủ trương, sau đó phải trình Bộ chủ quản cho phép thì mới được làm, hoặc phải giải trình chi tiết nhiều lần với Bộ chủ quản để được cho phép làm, đặc biệt đối với các trường có Bộ chủ quản không phải là Bộ Giáo dục & Đào tạo khi trình các chủ trương như thực hiện kiểm định đánh giá ngoài chương trình đào tạo.

Mười hai là, đối với những trường đặc thù khối ngành khoa học sức khỏe, có một vướng mắc đến từ cơ chế của những đơn vị của trường tham gia cung cấp dịch vụ khám chữa. Bệnh viện đại học phải thực hiện đồng thời hai chức năng quan trọng: trực tiếp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân và dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh; đồng thời bệnh viện đại học cũng thực hiện chức năng phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo thực hành cho cả một hệ thống khối ngành khoa học sức khỏe trên cả nước. Bệnh viện đại học như các bệnh viện khác trên cả nước, đều được quản lý theo các quy định pháp luật hiện hành, có tư cách pháp nhân, chịu sự điều tiết không chỉ của hệ thống đại học mà còn có cả hệ thống y tế.

Từ đó đặt ra thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt trong quản trị và quản lý. Cơ chế quản trị vừa phải đưa vào khuôn khổ quản trị đại học, vừa phải đưa vào khuôn khổ quản trị bệnh viện. Làm sao để quản trị tốt khi một đơn vị có hai tư cách pháp nhân? Mô hình như thế nào hiện nay vẫn chưa được thống nhất.

Vấn đề này tương tự đối với mô hình của các doanh nghiệp thuộc các trường ở lĩnh vực hoạt động khác.

Mười ba là, bên cạnh nguồn thu tài chính từ nguồn thu học phí, trường tự chủ phải tăng cường phát triển nguồn thu sang các mảng khác như hoạt động khoa học công nghệ, hiến tặng,… Tuy nhiên, hiện nay những cơ chế để trường tăng nguồn thu tài chính từ các hoạt động khác ngoài nguồn thu học phí còn nhiều bất cập, khó khăn. Ví dụ như nguồn hiến tặng: nguồn hiến tặng từ các cá nhân cho trường là rất lớn, tuy nhiên theo luật thì các cá nhân khi hiến tặng cho trường thì phải nộp thuế, như vậy rất khó để trường huy động nguồn này.

Mười bốn là, mô hình đại học 2 cấp giữa đại học và các trường đại học thành viên: luật chưa quy định rõ nên khi triển khai gặp vấn đề vướng mắc, bất cập cần phải hỏi lại Bộ chủ quản, dẫn đến mất nhiều thời gian, việc xử lý, giải quyết vấn đề bị chậm. Mặt khác, các văn bản yêu cầu báo cáo từ Bộ thường cho thời hạn rất gấp rút, khiến cho các đơn vị thực hiện báo cáo vô cùng áp lực.

Mười lăm là, việc phê duyệt báo cáo tài chính cuối năm của trường: ở cấp độ phòng ban chuyên môn thì việc thông qua báo cáo tài chính rất thuận lợi, nhưng khi đến Hội đồng trường thì hầu hết thành viên hội đồng không phải chuyên môn tài chính, rất e ngại khi phải phê duyệt các số liệu tài chính; cũng như đối với các chủ trương về mua sắm đầu tư, tài chính tài sản.

Mười sáu là, Luật Đất đai đang được sửa để trình lên Quốc hội. Hiện nay quy định là phải thu tiền thuê đất của các trường đại học. Năm 2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 13704 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc: “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”. Số tiền này rất lớn, nếu truy thu thì các trường đại học tự chủ sẽ phải nộp vào ngân sách số tiền khổng lồ.

Đây là một vấn đề thách thức rất lớn cho các trường bởi công văn đã được ban hành và hiện các địa phương đang thúc đẩy việc truy thu này.

Vấn đề nữa là không chỉ vì số tiền truy thu lớn đối với một trường đại học, mà việc này còn cho thấy nhận thức về tự chủ đại học phải chăng đang bị hiểu sai. Vấn đề tự chủ đại học không phải là tách giáo dục đại học ra khỏi hệ thống nhà nước, cơ sở giáo dục đại học tự chủ bị cắt hết các khoản đầu tư… mà nhà trường vẫn rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước để phát triển. Như vậy mới thể hiện được giáo dục là quốc sách hàng đầu, mới có thể có những quyết sách quan trọng để phát triển.

Đề xuất giải pháp, kiến nghị

Thứ nhất, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường tiếp tục có kế hoạch trong năm 2023 và các năm sau để tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về mô hình, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động hiệu quả của Hội đồng trường hiện nay, từ đó nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả, những cách làm hay trong các cơ sở giáo dục cả nước.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là Bộ chuyên ngành, vai trò là đơn vị chắp bút xây dựng Luật, Nghị định về giáo dục, đồng thời cũng là đơn vị đề xuất mô hình Hội đồng trường hiện nay, cần thiết có bộ phận (Ban chỉ đạo hoặc Tổ công tác) để giúp các cơ sở giáo dục đại học tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Luật 34 và các nghị định có liên quan đến tự chủ đại học.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là đơn vị thường trực chỉ đạo xây dựng 01 bộ Khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường - Ban giám hiệu - Cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng như Nghị quyết 19/NQ-TW năm 2017, tránh việc mỗi trường thực hiện 01 kiểu, mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Thứ ba, để tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản luật có liên quan đến tự chủ giáo dục đại học, Chính phủ cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học tự chủ, trong đó quy định về nhiệm vụ, quyền hạn từng phân cấp, cụ thể các cấp độ tự chủ nào thì Hội đồng trường/Hiệu trưởng được làm những gì. Khi đó, các Bộ ngành, địa phương phải thực hiện theo chứ không phải là vận dụng theo các văn bản pháp lý khác nhau khi chưa có sự nhất quán như hiện nay.

Thứ tư, Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia, hướng tới đẳng cấp quốc tế với chất lượng tốt hơn trước khi thực hiện tự chủ.

Thứ năm, đề xuất có những cơ chế thuận lợi hơn, tạo điều kiện nhiều hơn để giúp các cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở rộng, tăng nguồn thu tài chính từ các hoạt động khoa học công nghệ, từ các nguồn khác ngoài nguồn thu học phí, nhất là tự chủ tự chịu trách nhiệm trong sử dụng các tài sản, cơ sở vật chất hiện có của cơ sở giáo dục đại học.

Thứ sáu, kiến nghị đưa vấn đề quy định thu tiền thuế đất đai của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ ra khỏi Luật đất đai sửa đổi sắp tới.

Nội dung này đã được Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã gửi lên cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Linh Hương