Sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng đăng đàn đầu tiên

23/11/2011 07:10
Lê Uyên
(GDVN) - Sáng nay, 23/11 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ mở màn phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.
Dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 diễn ra từ ngày 23 đến hết sáng 25-11 (được truyền hình và phát thanh trực tiếp). Trước khi trả lời chất vấn, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền sẽ trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng

Sau Bộ trưởng Đinh La Thăng, 4 vị "Tư lệnh" ngành sẽ đăng đàn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Sau khi 4 bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐB tại hội trường trong buổi phiên chất vấn vào sáng 25/11.
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng tập trung vào 2 nhóm vấn đề: Các giải pháp hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông; biện pháp giải quyết tình trạng xuống cấp của các công trình giao thông trong điều kiện tiết giảm vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn về các vấn đề như chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2020... Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dự kiến sẽ cùng “đăng đàn” trong ngày 24-11.
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Phải làm rõ chất lượng GD-ĐT
Tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu rõ giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục đại học nói riêng. Đồng thời, có những giải pháp để giải tỏa những bức xúc của cử tri và dư luận xã hội về việc lạm thu đầu năm học, kiên cố hóa trường lớp, giáo dục mầm non. Đặc biệt là việc một số địa phương không tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp các trường tư thục, trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục là nhất quán.
Tôi cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về văn bản trả lời chất vấn không rõ ràng, thỏa đáng đối với việc cho nước ngoài thuê rừng, diện tích bao nhiêu, diện tích đất cho thuê nằm trong vùng “nhạy cảm” về quốc phòng, an ninh, rừng đầu nguồn...
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam):
Hiệu quả chống lạm phát 
Nếu các bộ trưởng trả lời không thỏa đáng, tôi sẽ chất vấn Thủ tướng về những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm, đó là tình hình lạm phát, giá cả tăng cao, biện pháp của Chính phủ dù rất quyết liệt nhưng hiệu quả tới đâu? Việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu theo thị trường là đúng nhưng lộ trình tăng phù hợp chưa. Trong quá trình thực hiện đã bảo đảm đúng quy định không? Những điều cử tri mong muốn là mọi sự phải minh bạch. 
Bộ Tài chính đặt ra việc đi kiểm tra, thanh tra một số doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xăng dầu thì phải công bố trước người dân, lỗ từ đâu, tại sao lỗ… chứ không thể nói lỗ mà lương cao, phúc lợi tăng lên, cái đó rất vô lý. Nếu để giá cả cứ tăng thì mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ không đạt yêu cầu.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên):
Mổ xẻ vấn đề xăng dầu
Tôi đã có câu hỏi chất vấn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Rất tiếc đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phản hồi. Điều tôi sẽ hỏi là vì sao bộ để doanh nghiệp này “diễn” việc báo lỗ khi cần bù lỗ nhưng thời điểm khác lại báo lãi? Việc này thể hiện khi Petrolimex phát hành cổ phiếu lần đầu hay một số công ty xăng dầu địa phương lập hồ sơ xin huân chương, khen thưởng thì đều báo lãi cả. Bộ Công Thương cần làm rõ bản chất thật của hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp này. Điều cử tri muốn là sự minh bạch.
Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH:
“Chấm điểm” các bộ trưởng
Quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cần nâng lên thành luật mới mong các bộ trưởng giữ đúng lời hứa. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc thông qua nghị quyết về chất vấn là thể hiện sự đánh giá của toàn thể Quốc hội (QH) đối với bộ trưởng. Vì vậy, QH cần phải bàn sao cho nghị quyết thể hiện rõ được việc “chấm điểm” các bộ trưởng, như việc bộ trưởng trả lời có thỏa đáng không? Thời gian qua bộ trưởng điều hành công việc hiệu quả đến đâu…?
Thông qua kiến nghị của cử tri, của đại biểu, QH cần giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ trưởng về thời gian thực hiện các lời hứa. Và như vậy đến kỳ sau, QH có thể căn cứ vào đó để đánh giá hoạt động của bộ trưởng. Đồng thời, cần thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ một cách thường kỳ qua việc chất vấn và trả lời chất vấn.
(Theo Người lao động)
Lê Uyên