Sở GD lo GV trình độ cao đẳng không được bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư 02

05/11/2022 06:40
Trà My
GDVN- Nếu cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sẽ rất khó khăn vì phải có cơ chế để giáo viên tự bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định.

Tại buổi làm việc với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng, sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Theo đó, việc tuyển bổ sung biên chế giáo viên vẫn gặp tình trạng khó tuyển dụng vì nhiều giáo viên tốt nghiệp cao đẳng, nhưng theo Luật Giáo dục 2019 quy định thì giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Quy định nâng chuẩn này khiến cho nhiều địa phương dù có chỉ tiêu cũng khó tìm nguồn tuyển.

Khó khăn khi tuyển giáo viên trình độ cao đẳng vì phải có cơ chế để giáo viên tự bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định

Chia sẻ về đề xuất cho phép tuyển dụng giáo viên cao đẳng tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Huỳnh Quốc Trung - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre nêu ý kiến:

“Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre rất đồng tình với đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và có lộ trình cụ thể khi tuyển dụng các giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ đào tạo theo quy định để tránh gây ồ ạt sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các em học sinh.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Việc cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030, sẽ tạo thuận lợi cho những đơn vị đang thiếu giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, nếu tuyển dụng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ cao đẳng thì sẽ rất khó khăn vì phải có cơ chế cho giáo viên tự bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định; các đối tượng này không bổ nhiệm được vào chức danh nghề nghiệp khi hết tập sự theo Quy định tại Thông tư số 02, 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre, việc thực hiện tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm, theo định mức biên chế được giao hàng năm và theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) công lập, do số biên chế giảm nên hàng năm chỉ tiêu tuyển dụng vào các cấp học của ngành rất ít".

Cũng theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre chia sẻ, hiện nay số lượng giáo viên trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 698/4600 giáo viên tiểu học, 211/3928 giáo viên trung học cơ sở có trình độ cao đẳng; 100% giáo viên trung học phổ thông có trình độ đại học. Đối với những giáo viên đang ở trình độ cao đẳng, phía cấp ủy, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã và đang quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ chuẩn như:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch số 1206/KH-UBND ngày 11/3/2021 về xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2020-2025.

Thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch 5679/KH-UBND ngày 28/ 10/2020 về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm 2020; Kế hoạch 267/KH-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2021 về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm 2021; Kế hoạch 8284/KH-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2021 về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm 2022.

Phối hợp với Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Cần Thơ và Học viện Quản lý giáo dục để bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý các cấp để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và chương trình bồi dưỡng thường xuyên giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Trung cho biết, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã tổ chức đào tạo cho 237 giáo viên (trong đó có 174 giáo viên cấp tiểu học, 149 giáo viên cấp trung học cơ sở và 14 giáo viên cấp mầm non). Dự kiến đến năm 2023, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện xong kế hoạch đưa đi đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo lộ trình của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng là rất cần thiết

Cũng chia sẻ về đề nghị cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết:

“Hiện ngành giáo dục toàn tỉnh Cà Mau còn thiếu 787 giáo viên (trong đó thiếu 367 giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao, và 420 giáo viên từ khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Theo đó, dù đã có chỉ tiêu biên chế nhưng khi tuyển dụng thì số người trúng tuyển chưa đạt đủ theo kế hoạch do những nguyên nhân sau: Một số vị trí không có người hoặc ít người đăng ký dự tuyển như Giáo dục thể chất, Giáo dục An ninh - Quốc phòng, Tiếng Anh, Tin học, nhân viên Văn thư, nhân viên Thư viện, nhân viên Y tế; Có những vị trí chỉ có một người dự thi nhưng không trúng tuyển; Có những vị trí có một người đăng ký dự thi và trúng tuyển nhưng không đến nhận việc và ký hợp đồng làm việc.

Bởi lẽ đó, theo tôi thì việc tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng với điều kiện tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 là hết sức cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng như hiện nay".

Tuy nhiên, theo ông Dự, nếu tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng đang trong quá trình tự bồi dưỡng để đạt chuẩn thì hiện tại khả năng giảng dạy của họ có thể dạy các học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở như những quy định trước khi Luật Giáo dục năm 2019 được ban hành chứ không nên áp dụng cho tất cả các cấp học phổ thông.

Hơn nữa, khi tuyển dụng thì nên có yêu cầu họ phải là giáo viên có trình độ cao đẳng chính quy. Mặt khác, còn cần đánh giá những giáo viên tốt nghiệp cao đẳng đang trong quá trình tự bồi dưỡng có đảm nhận giảng dạy tất cả các môn học tương tự giáo viên trình độ đại học hay không. Ví dụ như qua việc dự giờ để đánh giá được năng lực giảng dạy của họ và sắp xếp việc dạy môn học nào cho hợp lý.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, hiện Sở cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã thực hiện một số giải pháp như để khắc phục những khó khăn, thách thức khi thiếu một lượng lớn giáo viên trên địa bàn.

"Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện việc rà soát sắp xếp trường, lớp, giáo viên.

Bên cạnh đó, phía Sở đã đề xuất giải pháp chuẩn bị đội ngũ giáo viên như: bố trí, sắp xếp từ nơi thừa sang nơi thiếu, tổ chức dạy học 02 buổi/ngày ở những trường đủ điều kiện, xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên các môn học mới còn thiếu.

Các huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau đã bố trí điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tăng cường ở các trường thiếu; thỉnh giảng giáo viên, hợp đồng lao động giáo viên theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Không những vậy, hiện nay, các cơ quan, đơn vị cũng đang khẩn trương thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức năm 2022 ở các vị trí còn thiếu theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau (tại Công văn số 5670/UBND-NC ngày 29/8/2022 về việc khẩn trương thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, vị trí việc làm, dự kiến hoàn thành tuyển dụng trong năm 2022)", ông Dự nói.

Trà My