HT Trường Đại học Hồng Đức: Đào tạo thầy thuốc, thầy giáo có đặc thù riêng

06/11/2022 06:44
Lại Cường
GDVN- Các ngành sức khỏe, giáo viên cần những người thầy mẫu mực để làm gương; cơ sở vật chất và trang thiết bị để thực hành; các tình huống thực tế để trải nghiệm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Theo dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường chỉ đào tạo từ xa với các ngành đã tuyển sinh tối thiểu 3 khoá chính quy liên tục; không áp dụng hình thức này với những ngành thuộc nhóm sức khỏe, giáo viên. Đây là điểm mới của dự thảo so với quy định hiện hành tại Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức đã có trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về điểm mới của dự thảo lần này.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng: “Trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu học tập và học tập suốt đời, các cơ sở giáo dục đại học đã triển khai nhiều hình thức giáo dục và đào tạo như: chính quy, vừa làm vừa học, giáo dục từ xa.

Đặc biệt, từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ trong công tác mở ngành và quyết định hình thức giáo dục và đào tạo khi đủ các điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/1/2022 quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 28/3/2021 về việc ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học, là cơ sở để các trường đại học chủ động hơn trong việc thực hiện các quyền tự chủ về học thuật và sinh hoạt chuyên môn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với quan điểm không phân biệt các hình thức giáo dục và đào tạo, chúng tôi cho rằng để đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học phải có kinh nghiệm tổ chức triển khai đào tạo hình thức chính quy ít nhất 3 khóa liên tục. Qua các khóa tuyển sinh đó, có thể điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cho phù hợp trước khi thực hiện tổ chức đào tạo hình thức từ xa.

Khoảng thời gian này là cần thiết để cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về học liệu, đội ngũ giảng viên và cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo từ xa.

Riêng các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên không nên đào tạo từ xa. Vì các nhóm ngành này cần phải có sự tương tác, hướng dẫn trực tiếp để người học được học thêm các kỹ năng nghề nghiệp từ giảng viên. Đặc thù các ngành này cần những người thầy mẫu mực để làm gương; cơ sở vật chất và trang thiết bị để thực hành; các tình huống thực tế để trải nghiệm".

Do vậy, thầy Bùi Văn Dũng đồng tình với những điểm mới trong dự thảo Thông tư về quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến.

Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức cho rằng: "Báo cáo của UNESCO (các năm 1996, 2015) đã khẳng định:

'Xu hướng giáo dục toàn cầu đặt ra đối với các nền giáo dục đó là buộc phải chuyển dịch theo hướng mở và học tập suốt đời và các xã hội buộc phải phát triển theo hướng trở thành các xã hội học tập. Thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã trở thành một hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo một sự phát triển thịnh vượng, nhân văn và bền vững trong bối cảnh hiện nay'.

Với quan điểm đó, tôi cho rằng, ở bậc đại học, nếu chỉ yêu cầu đào tạo chính quy thì sẽ làm mất cơ hội của những người đang đi làm muốn học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đào tạo đại học cần đa dạng hình thức đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, từ xa).

Vấn đề là, cơ quan quản lý cần thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học; còn các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện đúng quy định của quy chế đối với các hình thức đào tạo của mình".

Sinh viên chất lượng cao ngành Sư phạm Vật lý của Trường Đại học Hồng Đức trong kỳ thi Olympic Vật lý toàn quốc lần thứ XXIII, năm 2021. (Ảnh: Trường Đại học Hồng Đức)

Sinh viên chất lượng cao ngành Sư phạm Vật lý của Trường Đại học Hồng Đức trong kỳ thi Olympic Vật lý toàn quốc lần thứ XXIII, năm 2021. (Ảnh: Trường Đại học Hồng Đức)

Riêng với hai ngành sư phạm và sức khỏe lại cần có đặc thù. Nói về vai trò của đào tạo chính quy để có được một thầy giáo, một thầy thuốc tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng cho biết: “Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học công lập, đa ngành, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với truyền thống 25 năm đào tạo trình độ đại học và trên 60 năm đào tạo trình độ cao đẳng các nhóm ngành, trong đó có nhóm ngành giáo viên, trong những năm qua Trường Đại học Hồng Đức không ngừng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế của nhà trường.

Bên cạnh những đổi mới của nhà trường để phù hợp với các chủ trương chính sách của Nhà nước, trong những năm gần đây, nhóm ngành đào tạo giáo viên của trường có điểm tuyển đầu vào cao so với các trường trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học đa ngành có đào tạo giáo viên.

Đây là yếu tố ban đầu để đào tạo ra những người thầy có chất lượng. Trong quá trình tổ chức đào tạo giáo viên ở các hình thức, nhà trường đều thực hiện đúng quy định của quy chế đào tạo như sử dụng cùng một chương trình đào tạo, một chuẩn đầu ra, một quy trình dạy học, kiểm tra, đánh giá".

"Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, tôi cho rằng đào tạo theo chính quy sẽ giúp tạo ra những người thầy tương lai có chất lượng. Vì ngoài những kiến thức, người học sẽ còn được học kỹ năng từ các giảng viên thực hiện trực tiếp ngay tại lớp học (trình bày bảng, xử lý tình huống, giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức học,…), rèn luyện thường xuyên các kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt, người học sử dụng toàn bộ thời gian tập trung cho việc học là chủ yếu", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng nói.

Lại Cường