Gần như thiếu mọi thứ, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ đi về đâu?

04/12/2022 07:01
Mỹ Tiên
GDVN- Nếu ví việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là một trận đánh lớn, thì đoàn quân ra trận đang thiếu thốn đủ thứ.

Năm học 2022-2023 là năm thứ ba triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất, hướng đến sự tích cực của người học, tăng tính thực hành, trải nghiệm, hướng nghiệp,…

Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, việc thực hiện chương trình mới còn gặp rất nhiều bất cập, vướng mắc, điều kiện chuẩn bị còn thiếu thốn cả về nhân lực, vật lực, nhiều nội dung thiếu khả thi,…

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Theo đánh giá của người viết, qua nhiều lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì lần đổi mới lần này gặp khó khăn nhất, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất là việc xuất hiện các môn mới, các môn tích hợp, cũng như cách triển khai, vận hành chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa,…

Chương trình mới triển khai 3 năm nhưng thiếu đủ thứ

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về nhiều vấn đề dư luận bức xúc như thiếu giáo viên, thiếu sách giáo khoa, chương trình mới,...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Chúng ta đặt kỳ vọng vào chương trình giáo dục phổ thông mới giải quyết được mọi thứ trong khi chúng ta thiếu mọi thứ. Đó là một sự thật”.[1]

Đúng như trải lòng của Bộ trưởng hiện nay chúng ta làm “cách mạng”- đổi mới căn bản toàn diện giáo dục khi thiếu mọi thứ.

Thứ nhất, thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên các môn mới xuất hiện

Hiện nay theo thống kê ngành giáo dục thiếu hơn gần 100.000 giáo viên, sau nhiều lần kiến nghị năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì 2 năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.

Chưa kể những giáo viên nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi, bỏ việc trong thời gian tới,…nếu bổ sung đủ 27.850 giáo viên chưa giải quyết được bài toán thiếu giáo viên trong thời gian tới.

Các môn học mới Tin học, Ngoại ngữ (tiểu học); Ngoại ngữ 2, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (trung học cơ sở); Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngoại ngữ 2, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (trung học phổ thông),…ở nhiều địa phương gần như “trắng” giáo viên giảng dạy, cũng rất ít có nguồn tuyển.

Xuất hiện môn học mới, chương trình mới thiếu giáo viên thì rất khó có thể vận hành, thực hiện một cách tốt nhất.

Thực trạng này, có thể sẽ còn kéo dài khi thiếu giáo viên nhưng ngành giáo dục lại phải giảm 10% biên chế viên chức chung.

Có thể nói, giáo viên chính là một phần nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của việc đổi mới.

Dạy chương trình mới, các môn học mới, các môn tích hợp,…không có giáo viên giảng dạy, dự báo sắp tới khó có nguồn tuyển thì người viết không biết trong thời gian tới sẽ vận hành như thế nào?

Không thể lấy lực lượng giáo viên không đủ chuyên môn giảng dạy mà học sinh sẽ hiểu bài, chương trình mới sẽ thành công.

Thứ hai, thiếu sách giáo khoa, đồ dùng dạy học

Thực trạng thiếu, khó mua sách giáo khoa do việc lựa chọn sách hay thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa diễn ra ở nhiều nơi.

Hiện nay, lớp 3, 7, 10 nhiều địa phương còn chưa biết “mặt, mũi” sách giáo khoa Nội dung Giáo dục địa phương.

Bên cạnh đó, thực trạng thiếu rất nhiều đồ dùng dạy học chương trình mới, chương trình mới triển khai 3 năm nhưng gần như chưa có đồ dùng để triển khai dạy học.

Nhiều địa phương cũng thiếu máy tính, máy chiếu phục vụ dạy và học chương trình mới.

Chương trình mới phát huy năng lực, phẩm chất, trải nghiệm, sáng tạo,…như thế nào khi giáo viên và học sinh phải “dạy chay, học chay”.

Hai năm qua, các báo cáo của nhiều địa phương cho rằng chương trình mới thành công nhưng người viết cho rằng chưa chính xác, chương trình mới phải “dạy chay, học chay”, thiếu nhiều giáo viên đúng chuyên môn,…nhưng vẫn đánh giá thành công là khiên cưỡng, chưa đánh giá đúng tình hình.

Thứ ba, chương trình mới, tư duy cũ

Có thể nói không chỉ thực hiện chương trình thiếu đủ thứ về nhân lực, vật lực mà còn gặp vô số khó khăn, nhất là trong giai đoạn triển khai chương trình mới phải hứng chịu đợt dịch Covid phức tạp, thời gian dạy trực tuyến kéo dài chưa từng có.

Chương trình mới nhưng giáo viên gần như chỉ được tập huấn online, chưa kịp thời về phương pháp, cách thức triển khai, nhiều giáo viên lớn tuổi không nắm bắt kịp những đổi mới, chưa rõ cách vận hành,…

Điều quan trọng nhất là những năm qua, vì chạy theo bệnh ngụy thành tích, vì theo chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước,…nên gần như 100% học sinh lên lớp, nhiều học sinh khá, giỏi…

Do chạy theo chỉ tiêu, thành tích nên sẽ có học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Giáo viên cũng chuẩn bị đầy đủ bài bản các bước lên lớp chương trình mới nhưng khi giảng dạy giáo viên vô cùng thất vọng vì học sinh thiếu hợp tác, nhiều em không có kiến thức,…nếu tiếp tục triển khai cách mới sẽ có nhiều em tiếp tục bị bỏ lại ở phía sau, thiệt thòi cho các em.

Nếu dạy theo phương pháp mới, dạy theo nhóm chỉ có vài em làm việc, các em còn lại không học, không chép bài,…giáo viên còn khổ sở hơn.

Chưa dạy thật, học thật, còn chạy theo bệnh ngụy thành tích, còn nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”,…thì có triển khai phương pháp mới nào cũng khó thành công.

Thứ tư, thiếu tổng “chỉ huy” thực thụ, xuyên suốt

Chương trình Giáo dục phổ thông mới được giao cho Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên.

Đến giai đoạn này, chương trình mới xuất hiện vô số bất cập, rắc rối từ các môn tích hợp, các môn học mới không có giáo viên dạy, việc thiếu đồ dùng dạy học, triển khai phương pháp không hiệu quả, kiểm tra đánh giá các môn tích hợp, thiếu tính liên thông, khoa học khi học sinh học các môn tích hợp,…được phản ánh rất nhiều trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhưng không thấy Tổng chủ biên đăng đàn trả lời hay có các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trên.

Theo người viết, Tổng chủ biên chương trình mới phải chịu trách nhiệm về chương trình mới suốt quá trình thực hiện chương trình đến năm 2025 (thực hiện hết toàn bộ bậc học phổ thông) và phải có thời gian “bảo hành” vài năm mới hết được trách nhiệm.

Tuy nhiên, giờ Tổng chủ biên, các chủ biên, họ đang ở đâu, trách nhiệm ra sao, vẫn đang bỏ ngỏ.

Nên, Chương trình mới dù nhiều bất cập, vướng mắc,…nhưng tuyệt nhiên, không thấy Tổng chủ biên Chương trình 2018 và cộng sự lên tiếng và đương nhiên không thấy ai nhận trách nhiệm.

Nếu ví việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là một trận đánh lớn, quan trọng thì đoàn quân ra trận khi thiếu lính (nhân sự, giáo viên), không có đủ vũ khí (sách, thiết bị, đồ dùng dạy học) và khó khăn cả kinh phí triển khai đang là một thực tế.

Gần đây, qua các phát biểu, giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên khiến giáo viên cảm ơn, vui mừng và biết ơn sự quan tâm của Bộ trưởng đối với lực lượng giáo viên.

Sau nhiều năm chưa tăng lương, vật giá tăng cao, nếu tăng chậm trễ thì sẽ có thêm nhiều giáo viên bỏ việc và thực chất không chỉ giáo viên tiểu học, mầm non, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay đời sống còn rất nhiều khó khăn, cũng cần được quan tâm, cần được cải thiện thu nhập, yên tâm gắn bó với chương trình mới còn nhiều khó khăn ở phía trước.

Giáo viên rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Tổng chủ biên Chương trình mới và các cộng sự nhanh chóng có những giải pháp quyết liệt, căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng thực hiện chương trình mới đã 3 năm nhưng vẫn thiếu đủ thứ, trách nhiệm cụ thể các thành viên ra sao, các giải pháp tiếp theo như thế nào?

Giải quyết được các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình mới khiến giáo viên bớt áp lực, yên tâm, công tác, hạn chế phần nào giáo viên bỏ việc, nghỉ việc.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/bo-truong-giao-duc-trai-long-ve-vo-so-chu-phai-ap-den-trong-dau-2072169.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên