Câu hỏi đau đáu, bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

23/11/2022 06:44
THANH AN
GDVN- Bao giờ giáo viên có thể sống được bằng lương vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ suốt hàng chục năm qua và chưa biết bao giờ có đáp án cụ thể.

Chiều ngày 11/11 vừa qua, tại kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với 451/456 đại biểu tán thành (chiếm tỉ lệ 90,56%). Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ từ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, nếu áp dụng tăng lương từ ngày 1/1/2023 thì đúng vào thời điểm đầu năm gần với Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.

Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân”. [1]

Một bộ phận giáo viên hiện nay đang gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Một bộ phận giáo viên hiện nay đang gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đời sống của một bộ phận giáo viên hiện nay đã rất khó khăn

Nếu lấy mốc ngày 1/7/2023 sẽ tăng từ 1.490.000 hiện nay lên 1.800.000 đồng là chẵn 4 năm lương cơ sở đứng yên với rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cơ bản nhất là dịch bệnh Covid-19 đã có tác động lớn đến nền kinh tế đất nước.

Những thầy cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục là những trí thức của đất nước và có lẽ họ luôn hiểu và chia sẻ những khó khăn này. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với nhiều khó khăn hàng ngày, nhất là những thầy cô giáo có thâm niên ít, dạy các môn học được xem là môn phụ ở các nhà trường.

Chúng ta làm một phép tính đơn giản về mức lương giáo viên hiện nay như sau: những thầy cô giáo có trình độ đại học, có thâm niên công tác 5 năm sẽ hưởng lương bậc 2, hệ số 2,67.

Vì thế, thu nhập hàng tháng của giáo viên được tính như sau: hệ số 2,67 *1.490.000 (lương cơ sở) = 3.978.300 đồng* 30% (phụ cấp đứng lớp)= 1.193.490 đồng. Như vậy, lương 3.978.300+ phụ cấp đứng lớp 1.193.490 = 5.171.790 đồng.

Từ số tổng 5.171.790 đồng, kế toán nhà trường sẽ trừ đi số tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, công đoàn, đoàn thanh niên, đảng viên (14-15%) khoảng 724.050 đồng - 775.768 đồng, giáo viên còn thực lĩnh là 4,5- 4,6 triệu đồng. Những giáo viên có trình trình độ cao đẳng còn thấp hơn.

Những giáo viên có trình độ đại học, có thâm niên khoảng trên dưới 10 năm (hưởng lương bậc 3-4) đang có mức lương thực lĩnh hằng tháng khoảng 5-6 triệu đồng.

Số lương này, nếu dạy ở thành phố phải thuê trọ và nuôi thêm đứa con nhỏ đang ăn học thì giáo viên gần như đã hết thu nhập. Vì thế, những thầy cô giáo dạy những môn học mà không thể dạy thêm phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi phải tính toán việc chi tiêu hàng ngày.

Bởi, đồng lương hàng tháng còn phải đóng nhiều khoản bắt buộc khi ngành, địa phương phát động một số loại quỹ khác nhau, rồi trong đơn vị có đồng nghiệp tân gia, gia đình có đám hiếu, hỷ. Lúc gia đình mình có người ốm đau, bệnh tật.

Những tháng năm qua, giá cả thị trường đã và đang tăng cao hơn thời điểm tăng lương cơ sở gần nhất là ngày 01/7/2019 dẫn đến chi phí của người dân ngày một tăng lên.

Tới đây, dịp Tết Nguyên đán cũng là dịp các mặt hàng có thể tiếp tục tăng cao và mức lương của giáo viên gần như vẫn đang cố định suốt gần 4 năm nay nên chắc chắn một điều một bộ phận giáo viên đang đối mặt với nhiều thách thức. Đây có lẽ cũng là một trong nguyên nhân chính dẫn đến 16.000 giáo viên đã bỏ việc trong năm học vừa qua.

Bao giờ tất cả giáo viên có thể sống được bằng lương dạy học của mình?

Bên cạnh việc giá cả leo thang, mấy năm nay các thầy cô giáo phải đầu tư một số tiền lớn cho công việc của mình, một phần do hướng dẫn của ngành Giáo dục, một phần do tác động của dịch bệnh.

Đầu tiên phải kể đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông vào ngày 02/2/2021 khiến cho gần như tất cả giáo viên trên cả nước phải đi học chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Mỗi chứng chỉ có giá dao động từ 2- 2,5 triệu đồng, cùng với việc chuẩn bị hồ sơ, văn bằng để xét, chuyển hạng mới nhưng từ đó cho đến nay mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu.

Lương giáo viên vẫn vậy, chỉ có điều giáo viên phải chi ra mấy triệu đồng, làm lợi cho nhiều trường đại học sư phạm, các trung tâm, trường học liên kết bồi dưỡng chứng chỉ.

Thứ hai: Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/20220 khiến cho nhiều thầy cô giáo chưa đủ chuẩn trình độ, hoặc chưa có văn bằng phù hợp phải đi học nâng chuẩn, học đúng chuyên ngành mình đang giảng dạy.

Có những thầy cô may mắn được địa phương, nhà trường hỗ trợ chi trả kinh phí nhưng cũng có rất nhiều giáo viên đi học nâng chuẩn bằng kinh phí tự túc. Tất nhiên, học xong văn bằng đại học cũng tốn kém mấy chục triệu đồng.

Thứ ba: Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, việc giảng dạy trực tiếp phải chuyển sang trực tuyến dẫn đến việc giáo viên phải đầu tư mua laptop để giảng dạy.

Nhiều thầy cô đã có máy tính bàn nhưng vì không di chuyển được, hoặc đã có laptop cũ, có cấu hình thấp nên bắt buộc phải đầu tư mua máy mới để đáp ứng công việc dạy trực tuyến của mình. Những phát sinh như vậy, chắc chắn phải lấy từ đồng lương của mình để mua sắm, sửa chữa.

Cuối cùng là việc Bộ đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến cho các thầy cô giáo phải đầu tư thêm rất nhiều tài liệu, sách tham khảo để giảng dạy vì có nhiều môn học, phương pháp dạy mới.

Đặc biệt, một bộ phận giáo viên phải mua giáo án để giảng dạy vì Bộ hướng dẫn soạn kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 dài lê thê, giáo viên không có thời gian, hoặc không có khả năng để soạn mỗi tiết học có đến hàng chục trang A4 nên những môn học nhiều tiết có đến hàng ngàn trang giáo án mỗi năm.

Bên cạnh đó, hàng loạt môn học tích hợp ra đời, bắt buộc giáo viên phải tham gia bồi dưỡng như môn Tin học và Công nghệ (tiểu học); Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (trung học cơ sở) theo Quyết định 2453, 2454, 2454/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 21/7/2021.

Cho dù giáo viên đi bồi dưỡng để về dạy môn tích hợp được ngân sách nhà trường, địa phương hỗ trợ học phí nhưng giáo viên đi bồi dưỡng phải đầu tư tiền đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi (đối với giáo viên từ các huyện xa) nên cũng rất tốn kém.

Từ ngày 01/7/2019- 01/7/2023 là tròn 4 năm lương giáo viên đứng yên, không được điều chỉnh nhưng 4 năm ấy với biết bao những đổi thay, tác động từ chính sách của ngành, từ việc giá cả thị trường tăng cao khiến cho phần lớn giáo viên đã và đang đối mặt với bài toán chi tiêu của gia đình mình.

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ suốt hàng chục năm qua và chưa biết bao giờ có đáp án. Một số giáo viên hiện nay có thâm niên nhiều hoặc đang dạy thêm thì đời sống tạm ổn định- nhưng số lượng này không nhiều.

Phần lớn giáo viên chỉ có thu nhập từ đồng lương giáo viên hàng tháng đang rất khó khăn bởi lương 5-6 triệu đồng (đối với giáo viên có 10 năm công tác) trong lúc này không hề đơn giản chút nào.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://danviet.vn/quyet-tang-luong-co-so-len-18-trieu-dong-tu-1-7-2023-chuyen-gia-ban-khoan-co-so-khoa-hoc-o-dau-2022111122592792.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN