Lợi nhuận NXB hưởng, giáo viên phải góp ý SGK không công, sao vô lý thế!

24/11/2022 06:42
Lê Mai
GDVN- Bắt giáo viên góp ý sách giáo khoa không trả công, chỉ làm nặng thêm bệnh hình thức, gây áp lực lên thầy cô.

Thực hiện Công văn số 5708/BGDĐT-GDTrH ngày 31/10/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lấy ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa lớp 8,Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn 3782/SGDDT-GDThTX gửi công văn chỉ đạo các nhà trường góp ý sách giáo khoa lớp 8.[1]

Theo đó, chỉ đạo các nhà trường giao tài khoản và hướng dẫn tất cả giáo viên được phân công dạy lớp 8 năm học 2022-2023 vào website để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa (dạng PDF); tổng hợp góp ý, gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo; đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu sách giáo khoa vào sinh hoạt tổ chuyên môn để chuẩn bị đề xuất lựa chọn sách giáo khoa.

Thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa (dạng PDF) đã được các tổ chức biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện sau góp ý tại website của các Nhà xuất bản trước khi in và phát hành.

Giáo viên góp ý sách giáo khoa mới như thế nào

Thầy giáo Văn Trang đang dạy Ngữ văn 8, năm học 2022-2023 ở một tỉnh phía nam, được nhà trường phân công dạy Ngữ văn 8 năm học 2023-2024, phải góp ý bản mẫu sách Ngữ văn 8, chia sẻ:

“Tháng 11 này tôi đang bù đầu với bao nhiêu là việc, vậy mà còn kêu góp ý bản mẫu sách giáo khoa không công nữa.

Nói thật, giờ ngồi đọc bản mẫu PDF hoa cả mắt, chẳng biết góp ý cái gì nữa, vì vậy, lãnh đạo có hỏi, cứ bảo tôi không có ý kiến gì cho xong chuyện.

Nếu ép quá, thì xin hoặc tải trên mạng “văn mẫu” góp ý về nộp cho xong. Tôi thấy việc góp ý bản mẫu sách giáo khoa chỉ mang tính hình thức”.

Ảnh chụp màn hình xin bản góp ý sách giáo khoa mới trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình xin bản góp ý sách giáo khoa mới trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Trên các trang mạng xã hội không thiếu chuyện xin bản góp ý sách giáo khoa lớp 4, 8, 11.

Có người còn nhiệt tình tải các đường link cung cấp bản “văn mẫu” góp ý sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 chương trình mới cho bạn bè tải về.

Ảnh chụp màn hình “văn mẫu” góp ý sách giáo khoa mới do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình “văn mẫu” góp ý sách giáo khoa mới do tác giả cung cấp

Thực trạng xin, cho, cắt dán bản góp ý sách giáo khoa mới của giáo viên "bất bình" viết trên mạng xã hội, đã nhận được nhiều sự đồng cảm của giáo viên.

Ý kiến góp ý của một giáo viên.

Ý kiến góp ý của một giáo viên.

Theo đó, người này viết:

"Tôi già rồi xin có ý kiến như sau.

1. Người ta đang cho thầy cô quyền lợi góp ý sách giáo khoa, sao thầy cô lại đi xin, đi copi.

2. Không đọc sách, đến lúc sách phát hành lại ầm ầm lên thế nọ thế kia, thầy cô tự làm mất quyền lợi của mình mà.

3. Thầy cô không đồng ý chỗ nào, không chọn chỗ nào, chỗ nào sai thì đưa lên cả trường cả tỉnh các hội nhóm mà thảo luận, để nhà xuất bản sửa chứ.

4. Sách giáo khoa mới là lộ trình ... giờ nếu có tâm thì thầy cô thảo luận để dùng nó thôi, ý kiến đi, nhà xuất bản vẫn chưa in hàng loạt mà.

5. Còn nếu đã ký đồng ý nội dung, hoặc copy ý kiến người khác thì sau này có gì dạy nấy thôi".

Để góp ý sách giáo khoa, đòi hỏi giáo viên phải đối chiếu nội dung mỗi bài học trong bản mẫu sách giáo khoa với yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để góp ý chỉnh sửa, bảo đảm nội dung không vượt quá yêu cầu của Chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Xem xét tính chính xác, khoa học và sự phù hợp của các ngữ liệu/hình ảnh trong bản mẫu sách giáo khoa với đối tượng học sinh, đề xuất cách chỉnh sửa cụ thể đối với từng ngữ liệu/hình ảnh chưa phù hợp (nếu có).

Xem xét các câu hỏi, câu lệnh, nhiệm vụ học tập trong các bài học bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kết quả hoạt động (đọc/xem/viết/nghe/nói/làm) của học sinh; bảo đảm cho giáo viên và học sinh khai thác hiệu quả nội dung, hình ảnh, ngữ liệu trong sách giáo khoa để tổ chức hoạt động dạy học.

Việc góp ý sách giáo khoa là việc thật sự vất vả, bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết, ngoài ra giáo viên phải có tầm, đam mê nghề nghiệp, vì học sinh thân yêu thật sự mới nhìn thấy “sạn”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có trên 1.600 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa mới, trong đó có khoảng 70% có trình độ tiến sĩ trở lên, vậy có cần giáo viên góp ý? Góp ý của giáo viên liệu có người đọc, có chỉnh sửa?[2]

Trong khi đó, thực tế lợi nhuận từ xuất bản và bán sách giáo khoa nhà xuất bản hưởng, sao lại bắt giáo viên góp ý? Sách giáo khoa là sản phẩm của nhà xuất bản, nhà xuất bản và tác giả, phải chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm của mình.

Hội đồng kiểm duyệt sách giáo khoa được nhà nước cấp kinh phí, giao nhiệm vụ "gác cửa" chất lượng sản phẩm, phải chịu trách nhiệm về nội dung đã kiểm duyệt.

Việc góp ý bản mẫu sách giáo khoa trong thời gian ngắn, không có trả phí cho người góp ý, chỉ mang tính hình thức, theo người viết, nên bỏ yêu cầu bắt giáo viên góp ý sách giáo khoa mới.

Nên chăng, các nhà xuất bản cần công khai bản mẫu sách sớm, đa dạng hình thức tổ chức phản biện, kể cả có trả phí cho những góp ý chính xác các sai sót của sách giáo khoa.

Phát hành sách giáo khoa là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận của nhà xuất bản, giáo viên nào muốn góp ý thì cứ gửi cho nhà xuất bản, các cơ sở giáo dục không nên tổ chức góp ý, giáo viên không có nhiệm vụ này.

Bắt giáo viên góp ý sách giáo khoa không trả công, chỉ làm nặng thêm bệnh hình thức, gây áp lực lên thầy cô.

Để có “sạn” trong sách giáo khoa làm mất uy tín của Nhà xuất bản, tác giả viết sách, nhưng nguy hại hơn chính là làm mất niềm tin của xã hội với giáo dục.

Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế thích hợp để chế tài, quản lý chất lượng kiến thức, khoa học, ... của nội dung sách giáo khoa.

Nếu sách giáo khoa nào có sai sót vượt mức cho phép, nên có hình thức xử lý thích đáng, chắc chắn nhà xuất bản, tác giả, người kiểm duyệt sẽ cẩn thận, trách nhiệm hơn, chắc chắn sẽ có sách giáo khoa sạch, không có "sạn".

Tài liệu tham khảo:

[1]http://bariavungtau.edu.vn/Default.aspx?sname=SoGDDT&sid=4&pageid=3048&p_steering=34975

[2]https://tuoitre.vn/tai-sao-sach-giao-khoa-co-1-600-tac-gia-70-la-tien-si-20221001080902172.htm

Lê Mai