Đa dạng lựa chọn môn Giáo dục thể chất: Vẫn khó đáp ứng hết nguyện vọng của HS

16/11/2022 07:00
Hoài Linh
GDVN- Chương trình GDPT mới đem đến nhiều thay đổi cho môn Giáo dục thể chất, thu hút học sinh nhưng cũng mang lại nhiều thách thức cho thầy cô và nhà trường.

Đa dạng lựa chọn, học sinh hứng thú

Nếu như các năm trước, với môn Giáo dục thể chất, học sinh bắt buộc phải học các nội dung điền kinh theo phân phối chương trình nhà trường xây dựng sẵn, thì từ năm học 2022 - 2023, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 10 được tự lựa chọn các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu,... theo sở thích của mình.

Em Đặng Thu Trang - học sinh lớp 10 Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái tâm sự: “Em chọn học bóng rổ vì đã được tham gia vào lớp năng khiếu từ bé, môn này là một trong những thế mạnh của bản thân. Được học theo sở trường giúp em kết nối với các bạn cùng có niềm đam mê bóng rổ. Thêm vào đó, vì là sở thích nên em không cảm thấy nặng nề khi học”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành cùng nhau chia sẻ về kỹ năng chơi bóng rổ. (Ảnh: Hoài Linh)

Học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành cùng nhau chia sẻ về kỹ năng chơi bóng rổ. (Ảnh: Hoài Linh)

Một học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông Tiên Hưng, huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình hào hứng chia sẻ: “Em thích được học xuyên suốt một môn từ “vỡ lòng” đến nâng cao hơn là học nhiều môn thể thao mà nội dung chỉ lặp đi lặp lại theo các năm (kiểu các thao tác cơ bản). Chưa kể, những môn nhảy xa, nhảy cao là nỗi ám ảnh của nhiều bạn vì không có khả năng, không có năng khiếu. Năm nay, nhà trường xếp cả lớp em học đá cầu, lúc đầu em có hơi lo lắng. Nhưng sau nửa học kỳ, em đã thành thạo kỹ năng tâng cầu, chuyền cầu và thấy môn thể dục không còn nhàm chán, gò bó nữa”.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Bá Thái - Giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường Trung học phổ thông Tiên Hưng cho biết: “Nhiều năm giảng dạy môn Giáo dục thể chất, tôi xây dựng giáo án theo sách giáo khoa chung của cả năm học gồm 70 tiết trong đó đan xen dạy các kỹ năng như chạy, chạy bền kết hợp nhảy cao, nhảy xa. Theo giáo án cũ, một tiết học các em có thể phải học 2 - 3 môn thể thao. Năm nay, môn Giáo dục thể chất có sự thay đổi rất lớn. Mỗi môn thể thao lại có một sách giáo khoa riêng. Các em chỉ cần học chuyên sâu một bộ môn duy nhất tùy theo sức khỏe và năng khiếu của mình”.

Còn theo thầy Nguyễn Hồng Quân - Giáo viên môn Giáo dục thể chất, Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành: “Học sinh hào hứng là tín hiệu đáng mừng đầu tiên cho môn học luôn bị coi là nỗi ám ảnh của nhiều bạn, đặc biệt là học sinh nữ. Hiện tại, nhà trường đang triển khai dạy cho các em ba môn là bóng rổ, bóng đá và cầu lông. Vì số lượng học sinh lớp 10 năm nay khá đông nên mỗi môn chúng tôi tổ chức 1 - 2 lớp ghép. Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để các em giao lưu, kết bạn với những bạn lớp khác, tạo ra sự liên kết giữa các học sinh trong khối”.

Thầy cô nỗ lực vượt qua thách thức

Chương trình giáo dục mới chia môn Giáo dục thể chất thành hai giai đoạn chính: giai đoạn cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12). Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, học sinh được chọn môn thể thao theo nguyện vọng nhưng cần nằm trong phạm vi đáp ứng của nhà trường.

Thầy Nguyễn Bá Thái chia sẻ: “Trường chọn giảng dạy hai môn bóng rổ và đá cầu vì điều kiện vật chất không đáp ứng được các môn thể thao khác. Hiện nay, trường có 540 học sinh, số lượng đông mà nhà trường chỉ tổ chức dạy hai môn thể thao nên chưa thể cho các em đăng ký theo nhu cầu. Ngay từ đầu năm, thầy cô đã sắp xếp cho các em học theo lớp. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để các năm học sau, học sinh được đăng ký môn học theo thế mạnh của mình.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của chương trình học, các môn thể thao được xây dựng từ cơ bản đến nâng cao, vận dụng và đến khi kết thúc lớp 12, các em phải được trang bị tất cả các kỹ năng để có thể thi đấu. Tuy nhiên, hầu hết thầy cô không được đào tạo bài bản một môn thể thao cụ thể, có thể dạy tất cả các môn cơ bản nhưng để dạy chuyên sâu thì chính thầy cô cũng cần có thêm thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cũng như luyện tập”.

Một tiết học bóng rổ của các em học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (Ảnh: Hoài Linh)

Một tiết học bóng rổ của các em học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (Ảnh: Hoài Linh)

Gặp khó khăn tương tự thầy Thái, thầy Nguyễn Hồng Quân cho biết: “Chương trình học mới giúp khơi dậy hứng khởi của các em với môn Giáo dục thể chất nhưng cũng là nỗi lo của các thầy cô. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã gấp rút chuẩn bị các thiết bị, dụng cụ học tập cần thiết, cải tạo lại sân thể dục nhằm đảm bảo học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất.

Việc sắp xếp lớp ban đầu cũng gặp đôi chút khó khăn vì số lượng đăng ký học các môn thể thao không đồng đều, nhiều em còn e dè không chọn học bóng rổ (chủ yếu các em đăng ký học bóng đá và cầu lông). Vì thế, nhà trường tổ chức buổi định hướng giúp các em hiểu rõ hơn về ba môn học. Sau buổi chia sẻ, các bạn học sinh đều thấy thích thú, một số em đã thay đổi nguyện vọng nên số lượng học sinh đăng ký học ba môn đã khá cân bằng. Giáo viên chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Bên cạnh đó, vì dạy lớp ghép nên chúng tôi phải luôn tìm cách kết nối các bạn học sinh với nhau như chia ngẫu nhiên các em thành một đội để tránh tình trạng học sinh chỉ tập luyện với các bạn cùng lớp, không tương tác với các bạn lớp khác. Đến nay, việc dạy thể chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới cơ bản đã ổn định”.

Năm học 2022 - 2023 là năm học có nhiều đổi mới, chắc chắn thầy cô sẽ gặp những khó khăn nhất định trong quá trình giảng dạy. Nhưng vì niềm đam mê của học trò, các giáo viên đã và đang quyết tâm, nỗ lực vượt qua thách thức, để học sinh được tiếp cận tốt nhất với các môn thể dục, thể thao theo đúng sở trường và cũng là để tạo điều kiện cho các em phát huy những thế mạnh của riêng mình.

Hoài Linh