Ước vọng trong dịp 20/11 của thầy giáo mầm non duy nhất nơi cực Tây Tổ quốc

20/11/2022 06:43
Trần Phương
GDVN- “Dịp 20/11, tôi không mong gì cho bản thân, chỉ ước có một con đường đẹp cho học sinh đến trường, và các em có đủ áo ấm khi mùa đông lạnh về”.

Thầy giáo Bàn Văn Đức (Dân tộc Dao, sinh năm 1990, điểm trường Chuyên Gia 3, Trường Mầm non Nậm Kè, huyện Mường Nhé, Điện Biên) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những mong ước cho học sinh có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn.

Khi biết có khách, nhiều ánh mắt ngây thơ của học trò dõi theo, có lẽ từ lâu các em không gặp những “người lạ” đến trường. Các em chỉ quen gia đình, bạn cùng bản và thầy giáo Đức.

Tuy lạ, nhưng rất nhanh chóng, các em khoanh tay chào khách từ nơi xa đến. Học sinh ở vùng khó này được thầy Đức giảng dạy lễ phép và rất ngoan ngoãn.

Công việc hàng ngày của thầy Bàn Văn Đức bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, ra trung tâm mua thức ăn cho gần 50 học sinh rồi đi xe máy tới lớp đón học sinh. Điểm trường cách trường chính 17 km, đi lại khó khăn, hầu hết là đường đèo dốc quanh co. Ảnh: LC

Công việc hàng ngày của thầy Bàn Văn Đức bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, ra trung tâm mua thức ăn cho gần 50 học sinh rồi đi xe máy tới lớp đón học sinh. Điểm trường cách trường chính 17 km, đi lại khó khăn, hầu hết là đường đèo dốc quanh co. Ảnh: LC

Mới nhìn lần đầu, không mấy ai nghĩ người đàn ông có vẻ ngoài “xù xì, thô ráp” đó là một giáo viên mầm non. Đặc biệt, lại là thầy giáo mầm non duy nhất ở Mường Nhé.

Nhưng đến khi gặp gỡ thì ấn tượng của chúng tôi với thầy giáo - vẫn được gọi vui là “đẹp trai nhất cực Tây” - lại rất đặc biệt. Thầy Bàn Văn Đức hồ hởi, cởi mở, học sinh tíu tít vây quanh thầy.

Thầy Đức còn nhớ hồi năm 2012 được cử về địa phương công tác, ngày đầu tiên vào bản nhận việc, thầy bị dân làng nghi ngờ không phải là giáo viên vì từ trước đến nay ở bản Chuyên Gia 3 chưa từng có tiền lệ nào về một thầy giáo dạy bậc mầm non cả.

Thầy giáo Bàn Văn Đức cho học sinh ăn trưa. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Bàn Văn Đức cho học sinh ăn trưa. Ảnh: NVCC

“Ngày đầu nhận việc, tôi phải đối thoại nhiều với phụ huynh. Họ lo không biết thầy có chăm sóc được con họ được không. Cũng phải giải thích rất nhiều họ mới…tạm tin”, thầy Đức nhớ lại.

“Đến giờ thì bà con quý mến lắm, không cho thầy đi bản khác nữa ấy chứ. Học sinh của bản cũng ngoan, lớn lên, nhiều em đi học về vẫn nhớ và hỏi thăm thầy giáo mầm non”, thầy Đức chia sẻ.

Khi được hỏi vì sao lại chọn trở thành một thầy giáo mầm non, thầy Đức chỉ cười và cho rằng đó là cái duyên với nghề và nghề đã chọn người.

Vốn dĩ là dân thể dục thể thao, cũng từng theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, nhưng cuộc sống với nhiều thay đổi đã đưa thầy sang ngành sư phạm thể dục, cuối cùng, thầy Đức lại chọn thành một giáo viên mầm non.

“Nghề sư phạm đúng là tôi đã chọn, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ theo bậc học mầm non. Bản thân tôi cũng rất yêu mến trẻ, nên khi quyết định làm giáo viên mầm non cũng chỉ lăn tăn một chút thôi, việc ấy qua rất nhanh. Đến bây giờ tôi vẫn hạnh phúc với lựa chọn của mình”, thầy Đức chia sẻ thêm.

Thầy Đức chăm sóc trẻ vô cùng khéo léo. Ảnh: NVCC

Thầy Đức chăm sóc trẻ vô cùng khéo léo. Ảnh: NVCC

Đến nay, thầy Bàn Văn Đức đã có 11 năm công tác tại bản Chuyên Gia 3, dù mưa nắng, thầy vẫn có mặt tại trường đúng giờ để đón học sinh vào lớp.

Học sinh mầm non ở đây chủ yếu là con em đồng bào người Mông, từ 2 tuổi bắt đầu đến trường. Hiện lớp học của thầy ghép hai nhóm 4 và 5 tuổi, mỗi nhóm hơn 20 học sinh.

“Lúc lên bản nhận công tác, có 2 anh em (tôi và một thầy giáo nữa), nhưng một người không chịu được áp lực nên đã bỏ sang nghề khác, từ đó đến nay, còn một mình tôi ở Mường Nhé là giáo viên nam dạy mầm non”, thầy Đức nói.

Thầy Đức cũng cho biết thêm: “Lúc đầu, thầy - trò khác biệt ngôn ngữ nên tôi cũng phải vừa dạy, vừa đoán, vừa hướng dẫn các em từng bước một, khá vất vả. Nhưng rồi học giao tiếp dần nên thân quen hơn với học trò, từ đó công việc bớt khó khăn hơn".

Quê gốc của thầy ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, mấy năm thầy mới được về nhà một lần do đường xa, thời gian đi lại kéo dài và tốn kém kinh phí.

Ước mơ có bếp ga nấu ăn cho đỡ vất vả cũng còn khá "xa xôi" của thầy và trò điểm trường Chuyên Gia 3. Ảnh: NVCC

Ước mơ có bếp ga nấu ăn cho đỡ vất vả cũng còn khá "xa xôi" của thầy và trò điểm trường Chuyên Gia 3. Ảnh: NVCC

"Đầu mỗi năm học là lúc tôi thấy vất vả, trăn trở nhất, bởi các em về nghỉ hè ba tháng là không muốn quay lại trường. Những em mới đến tuổi đi học, lần đầu đến trường khóc rất nhiều khiến thầy cũng căng thẳng theo", thầy Bàn Văn Đức chia sẻ.

Trường Mầm non Nậm Kè có 12 điểm trường, 568 học sinh. Điểm bản mà thầy Đức dạy là xa trường trung tâm nhất.

Điểm trường Chuyên Gia 3 trước đây chỉ có lán tạm, sau đó được hỗ trợ dựng lớp từ vật liệu ghép. Thầy và các thế hệ học trò đã cùng nhau khắc phục điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn như vậy để hoàn thành việc dạy và học. Đến năm 2019, điểm trường được xây dựng mới.

Nhớ lại những khó khăn từ buổi đầu nhận lớp, bám bản, thầy Đức nói: “Những ngày ấy đã qua như một giấc mơ. Nếu so với ngày tôi mới đến nhận công tác, trường giờ đã khang trang hơn, tốt hơn. Thế nhưng vẫn còn nhiều vất vả lắm.

Các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non vẫn ngày ngày vượt lên chính mình, ở lại với học trò, với biên cương để gieo chữ".

Là thầy giáo mầm non nhưng những cử chỉ ân cần của thầy Đức khi chăm lo cho học sinh không thua kém bất kỳ một nữ giáo viên nào. Ảnh: NVCC

Là thầy giáo mầm non nhưng những cử chỉ ân cần của thầy Đức khi chăm lo cho học sinh không thua kém bất kỳ một nữ giáo viên nào. Ảnh: NVCC

Nói về ước mơ của mình, thầy Đức bảo, ước mơ thì nhiều, nhưng trước mắt vẫn là mong có con đường vào bản để các em đến lớp đỡ trơn trượt, đỡ bị ngã, mùa đông, các em có nhiều áo quần ấm hơn…

Về phần mình, thầy Đức bảo, thầy vẫn đang hạnh phúc với những gì mình đang có, và cũng chưa có ý nghĩ sẽ chuyển vùng thuận lợi hơn.

Trần Phương