Thầy cô không mong được tặng quà, phong bì ngày 20/11, phụ huynh chớ lo

19/11/2022 06:46
Sơn Quang Huyến
GDVN- Phụ huynh tôn trọng giáo viên, tôn trọng nhà trường, hiểu và chia sẻ khó khăn với giáo viên khi giáo dục học sinh, đó là món quà vô giá tặng thầy cô ngày 20/11.

Hơn 40 năm trước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình trao đổi tìm ra cách gì để giáo viên trụ vững để vượt qua khó khăn.

Với cương vị là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ đã tìm hiểu lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, thấy rằng đây là nguồn cội động lực tinh thần mà ngành giáo dục nên tận dụng và phát huy.

Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ chủ trì trao đổi với các bộ, ngành liên quan, với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đề xuất lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức như Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng nhất trí và đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tôi còn nhớ ngày 20/11/1982, khi ấy tôi học lớp 9 (lớp 11 bây giờ) ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được Trường Trung học phổ thông Hương Sơn, Hà Tĩnh, long trọng tổ chức.

Thầy hiệu trưởng Trần Trọng Chương đã lý giải cho học sinh chúng tôi “Ngày 20/11 trước đây là ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, từ nay trở thành ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam đến với học sinh và thầy cô giáo giáo của chúng tôi thật bình dị, không hoa và chẳng có quà, chỉ có thi đua dạy thật tốt, học thật tốt.

Đời sống nhân dân ngày ấy nói chung, thầy cô nói riêng, rất khó khăn, nhưng tất cả giáo viên đều cố gắng hết sức để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Những tiết học với cô giáo Hồ Thị Việt, Nguyễn Thị Bích, thầy Trần Trọng Chấm, thầy Đào Văn Thành, thầy Đinh Nho Qùy, thầy Phạm Văn Chữ, … là hành trang của cuộc đời tôi và bạn bè.

Đến nay, tình cảm thầy trò vẫn nồng ấm, chan chứa yêu thương, vô tư, trong sáng, qua những dòng tin nhắn trên mạng xã hội.

Thay mặt bạn bè, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, lời tri ân đến quý thầy cô giáo cũ, quý thầy cô vẫn sống mãi trong ký ức yêu thương của chúng em.

Thầy cô không mong học sinh tặng quà ngày 20/11, phụ huynh chớ lo

Sự phát triển kinh tế xã hội theo cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ thầy - trò. Ở đâu đó, có chuyện phụ huynh quà cáp biếu xén thầy cô để con mình được "ưu tiên" điểm chác cũng khiến cái nhìn của học sinh với giáo viên lệch lạc. Ngày 20/11 hàng năm cũng là dịp để phụ huynh “tặng quà” cho thầy cô giáo để “tri ân” thầy cô. Hai năm vừa qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, học sinh phải học online, “Phụ huynh đau đầu "có nên tặng quà 20/11 khi học online?". [1]

Vậy thực sự giáo viên chúng tôi có mong học sinh tặng quà ngày 20/11 không?

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Câu hỏi này cũng thu hút nhiều sự tranh luận của giáo viên và qua một khảo sát nho nhỏ trên mạng xã hội, phần lớn ý kiến giáo viên bình luận đều không mong học sinh tặng quà ngày 20/11.

Thầy cô chỉ mong phụ huynh tôn trọng, chia sẻ khó khăn với thầy cô trong giáo dục học sinh; học sinh ý thức học tập tốt, đi học đầy đủ, tự giác học tập, kết quả học tập tốt là món quà 20/11 vô giá với thầy cô giáo.

Có phụ huynh, là giáo viên, đã viết nói hộ lòng thầy cô giáo chúng tôi. Từng có giáo viên gửi tâm thư đến Tạp chí chia sẻ: "Xưa nay chúng ta đang hiểu sai ý nghĩa của sự tri ân. Vì thế, cứ vào ngày này phụ huynh lại mua quà, bỏ phong bì cho học sinh đến trường tặng thầy cô. Có phụ huynh còn đích thân chở con đến nhà thầy cô để biếu quà, biếu phong bì.

Khi phụ huynh đã tặng, thầy cô không muốn nhận cũng khó lòng từ chối mà nhận thì không thanh thản chút nào. Có gia đình khá giả, món quà hay chiếc phong bì đôi khi cũng không là vấn đề gì nhưng với một số gia đình khó khăn lại là gánh nặng, là nỗi lo lắng khôn nguôi.

Nhận những món quà như thế, cô cũng chẳng thể nào vui. Chưa nói đến việc cho con trẻ mang quà hay phong bì đi tặng sẽ gieo vào lòng các em hình ảnh không đẹp về thầy cô và còn tập cho chúng thói quen muốn được yêu thương, chăm sóc phải có quà cáp, có phong bì".

Ngày 20/11/2022 là tròn 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, là ngày vui của thầy cô, học sinh, xin đừng vì “quà cáp” mà trở thành "gánh nặng" cho phụ huynh học sinh.

Tri ân, biết ơn thầy cô giáo, giáo viên chúng tôi mong phụ huynh học sinh đừng “trăm sự nhờ thầy cô”, đừng đổ lỗi hoàn toàn cho thầy cô trước các hành vi sai của học sinh.

Phụ huynh học sinh tôn trọng giáo viên, tôn trọng nhà trường, hiểu và chia sẻ khó khăn với giáo viên khi giáo dục học sinh, đó là món quà vô giá tặng thầy cô ngày 20/11.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/giao-duc/phu-huynh-dau-dau-co-nen-tang-qua-20-11-khi-hoc-online-20211119060307482.htm

Sơn Quang Huyến