Một chút tản mạn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

20/11/2022 06:52
Phan Thế Hoài
GDVN- Giáo viên cần nâng cao quyền uy bằng cách luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phải biết ứng xử sư phạm hợp tình hợp lí trong mọi tình huống.

Nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), là một giáo viên công tác trong ngành giáo dục đã gần 20 năm, trải qua nhiều thay đổi của giáo dục, người viết xin có đôi điều cùng chia sẻ.

“Càng yêu người bao nhiêu, thì càng yêu nghề bấy nhiêu” - Tổng Bí thư Lê Duẩn. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

“Càng yêu người bao nhiêu, thì càng yêu nghề bấy nhiêu” - Tổng Bí thư Lê Duẩn. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhớ mãi tháng lương đầu tiên 539 400 đồng

Tốt nghiệp đại học ở một tỉnh phía Nam năm 2004, tôi trở về quê Quảng Trị dạy hợp đồng cho một trường trung học cơ sở với mức lương 539 400 đồng. Mức lương này không đủ cho tôi chi tiêu trong một tháng nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc với nghề dạy học.

Tôi may mắn được gặp thầy hiệu trưởng và các đồng nghiệp luôn hết lòng với công việc, tất cả vì học sinh thân yêu nên cả thầy và trò "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" đúng nghĩa. Chưa bao giờ giáo viên chúng tôi bị lãnh đạo hay phụ huynh phàn nàn điều gì.

Hai năm đầu dạy trường công lập, kỉ niệm đọng lại trong tôi nhiều nhất đó chính là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trước lễ kỉ niệm khoảng 2-3 tuần là thầy và trò cùng bắt tay thực hiện một số việc như làm báo tường, tập văn nghệ.

Thời bấy giờ, Internet chưa phổ biến nên tôi được đọc nhiều bài văn, bài thơ do học sinh sáng tác dẫu còn mộc mạc nhưng tình cảm thì đong đầy yêu thương. Lớp nào cũng chuẩn bị vài ba tiết mục văn nghệ, trang phục chỉ là "cây nhà lá vườn" nhưng sao niềm vui quá đỗi.

Ở quê tôi có truyền thống cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là tất cả học sinh đều đến nhà thăm thầy cô. Học sinh ghé thăm nhà giáo viên chủ nhiệm trước, sau đó đến thăm thầy cô hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên bộ môn. Học sinh đạp xe đi từ sáng sớm đến tối mờ mịt mới về nhà nhưng các em rất hân hoan với ngày vui trọng đại của thầy cô.

Theo ghi nhận của tôi, thời điểm đó, phụ huynh học sinh không bao giờ tặng "phong bì" cho giáo viên vì đa phần ai cũng nghèo khó. Học sinh góp nhau tặng quà cho giáo viên chủ nhiệm thường là bộ ấm chén uống trà hay xấp vải may quần áo là sang lắm rồi.

Với giáo viên bộ môn (bao gồm ban giám hiệu), học sinh chỉ tặng thầy cô cuốn sổ hay bó hoa mà thôi. Tuy vậy, giáo viên chúng tôi chưa bao giờ bàn tán chuyện học sinh tặng quà gì, đơn giản chúng tôi chọn nghề giáo vì lí tưởng, vì lẽ sống.

Nghề giáo ngày càng áp lực?

Từ năm 2007, tôi rời quê hương Quảng Trị vào sinh sống và dạy học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đồng nghiệp của tôi nói rằng, họ ngày càng gặp áp lực với nghề giáo, bởi học sinh ngày càng có xu hướng khó dạy bảo, còn phụ huynh thì lại bênh vực con cái, trong khi đó thầy cô không còn được mọi quyền quyết định dạy dỗ học sinh như trước đây.

Cá nhân tôi cho rằng, bất cứ ngành nghề nào cũng có những áp lực nhất định, kể cả công việc lao động bằng chân tay chứ không riêng gì nghề giáo viên. Tôi đang dạy cả hai hệ công lập và tư thục thì thấy rằng, giáo viên trường tư thục gặp áp lực hơn rất nhiều so với trường công lập.

Giáo viên trường tư thục có thể nhận lương gấp đôi, gấp ba so với giáo viên trường công lập nhưng thời gian họ làm việc nhiều hơn. Trung bình giáo viên trường tư thục làm việc khoảng 7 tiếng/ ngày, còn giáo viên trường công lập chỉ dạy 17 tiết/ tuần (bậc trung học phổ thông).

Giáo viên trường tư thục muốn nhận lương cao thì yếu tố tiên quyết là họ phải giỏi chuyên môn, quản lí lớp học tốt, thu hút được nhiều học sinh theo học, được sự tín nhiệm của hội đồng quản trị, học sinh và phụ huynh học sinh. Họ có thể bị cắt hợp đồng giảng dạy bất cứ lúc nào nếu không đáp ứng được những yêu cầu đó.

Còn giáo viên trường công lập thì dạy học theo định mức và hưởng lương theo hệ số, kèm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Rất khó để cho một giáo viên công lập nghỉ việc, cho dù năng lực giảng dạy của người thầy chưa đảm bảo.

Thỉnh thoảng có xuất hiện tình trạng học sinh hư hỗn với giáo viên hay phụ huynh gây áp lực cho thầy cô. Tuy vậy, tôi cho rằng đây chỉ là một số trường hợp cá biệt, không mang tính phổ quát, vì xã hội ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo.

Tôi cho rằng, giáo viên cần nâng cao quyền uy bằng cách luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phải biết ứng xử sư phạm hợp tình hợp lí trong mọi tình huống. Ngoài ra, thầy cô phải am hiểu tâm lí lứa tuổi và đối xử thật công bằng với học sinh thì sẽ hóa giải được những khó khăn trong công việc dạy học, giáo dục học sinh.

Giáo viên không thay đổi sẽ tụt hậu

Đi dự giờ đồng nghiệp, tôi đã từng chứng kiến có trường hợp học sinh nói và thuyết trình lưu loát hơn thầy cô. Học sinh cũng phàn nàn với tôi rằng, vẫn có giáo viên dạy tiếng Anh nhưng phát âm thiếu chính xác khiến các em không nghe được.

Hàng năm tôi đều hướng dẫn học sinh thực hiện một số đề tài khoa học kĩ thuật dự thi cấp thành phố. Trong quá trình làm việc, tôi thấy khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của trò vượt xa thầy rất nhiều. Tôi thường nhờ học sinh chỉ thêm một số kĩ năng nhưng vẫn cảm thấy khó khăn do bản thân thay đổi nhưng chưa thích ứng được.

Có thể nhận thấy, trong thời đại ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật, sự bùng nổ của công nghệ, đòi hỏi người thầy phải làm chủ các thiết bị số và môi trường học tập số. Thiết bị số và môi trường số đã làm thay đổi phương thức giáo dục, tạo ra môi trường học tập trực tuyến (online) ở mọi lúc, mọi nơi.

Thời điểm nhiều địa phương triển khai dạy học online do dịch Covid-19, nhiều giáo viên gặp vô vàn khó khăn vì không rành về công nghệ, phải "đánh vật" với từng tiết học. Đặc biệt là những giáo viên đã lớn tuổi chưa làm chủ được công cụ giảng dạy nên không thể tự khắc phục các vấn đề kỹ thuật, các sự cố xảy ra trong quá trình dạy online.

Phải thừa nhận rằng, nhiều giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhưng lại được học sinh yêu thích, tín nhiệm. Bởi, thầy cô sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong việc soạn giáo án điện tử làm cho tiết học sinh động, học sinh dễ tiếp thu bài.

Ngược lại, giáo viên có dạy giỏi đến đâu nhưng chỉ quen với bảng đen phấn trắng thì rất khó dạy chương trình mới hiện nay. Giáo viên không rành công nghệ thông tin sẽ gặp rất nhiều khó khăn trở ngại trong việc hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị số để tham gia vào môi trường học tập số.

Ngoài ra, việc dạy học trong thời đại 4.0 đòi hỏi giáo viên phải cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp cho học sinh hơn như: vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức khoa học, có phong cách học tập sáng tạo, chủ động… Hay nói cách khác, giáo viên không phải là người chỉ truyền đạt một chiều mà phải biết cách khơi gợi khả năng nhận thức và tư duy của học sinh thì mới thành công.

Thay lời kết

Ngày 18/11/2022, trong cuộc gặp mặt với các nhà giáo tiêu biểu nhân ngày 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, trước yêu cầu mới của đất nước, của thời đại, khi đặt mình trong bối cảnh của giáo dục toàn thế giới thì thấy còn nhiều việc phải phấn đấu, nhiều việc phải nỗ lực, cố gắng...

“Chính chúng ta sẽ là những người làm thay đổi nền giáo dục của đất nước. Đất nước, Nhân dân đang đặt kỳ vọng vào nhà giáo chúng ta. Mỗi thầy cô đều có sứ mạng tiên phong với tương lai giáo dục đất nước. Không thể chỉ ngồi than vãn về sự tụt hậu so với thế giới, chờ thời cơ đến mà phải chủ động đón trước thời cơ và tìm giải pháp để hành động. Sự đồng hành giữa tư tưởng và giải pháp là chìa khóa của thành công”, Bộ trưởng Sơn nói, theo VietNamNet. [1]

Nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin mượn mấy lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn để tôn vinh người thầy:

"Nghề thầy giáo là nghề nhiều bạn nhất, là nghề có đời sống tình cảm dồi dào và phong phú nhất". "Công việc của người thầy giáo cũng chẳng khác gì với công việc của người làm vườn; đối với hạt giống, những mầm non, phải chăm chút từng ly, từng tý, hết sức kiên nhẫn thận trọng”. “Càng yêu người bao nhiêu, thì càng yêu nghề bấy nhiêu”. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/bo-truong-giao-duc-khong-the-chi-ngoi-than-van-ve-su-tut-hau-so-voi-the-gioi-2082236.html

[2] Viện Văn hoá: Lê Duẩn về văn hoá, văn nghệ, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 1997, trang 197, 298 (https://susta.vn/bai-viet-Cng-yeu-nguoi-bao-nhieu-cng-yeu-nghe-by-nhieu-1686.html)

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài