Thiết bị dạy học cho chương trình mới: Chờ đợi gần 2 năm vẫn không thấy đâu!

22/11/2022 06:36
Bắc Sơn
GDVN-“Dạy chay, học chay”, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học là những thách thức lớn với giáo dục cả nước ta hiện nay.

Năm học 2022-2023, cả nước bước vào năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, khi thầy và trò đã đi qua chặng đường 1/3 thời gian năm học, vẫn còn rất nhiều địa phương đang phải đối mặt với các khó khăn: Thiếu thiết bị dạy học, thiếu giáo viên chuyên môn một số môn học mới, sắp xếp thời khóa biểu các môn học, cơ sở vật chất một số nơi còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, một số địa phương chậm trễ trong việc phát hành tài liệu…

Không rõ nguyên nhân vì sao việc cấp trang thiết bị lại lâu như vậy

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở ở tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường đang gặp rất nhiều khó khăn, cả thầy cô và học sinh lâm vào cảnh vừa dạy vừa “mò mẫm”.

Theo đó, vị Phó hiệu trưởng cho biết, hiện trang thiết bị phục vụ cho học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông mới đến nay đã hơn 1 năm rưỡi nhưng trường “vẫn chưa thấy đâu mặc dù đã đăng ký trang thiết bị từ sớm”.

Hơn 1 năm qua, nhiều trường học vẫn phải dạy chay, học chay vì trang thiết bị của chương trình mới chưa được cấp về dù đã đăng ký từ rất lâu. Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa

Hơn 1 năm qua, nhiều trường học vẫn phải dạy chay, học chay vì trang thiết bị của chương trình mới chưa được cấp về dù đã đăng ký từ rất lâu. Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa

Liên hệ với ban giám hiệu của các trường học khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cũng ghi nhận thực trạng thiếu thiết bị dạy học tương tự. Trao đổi với phóng viên, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, phòng cũng như các cơ sở giáo dục địa phương đều không rõ nguyên nhân vì sao các thiết bị lại chậm trễ như hiện nay.

“Năm học 2021-2022, các trang thiết bị không được cấp. Đến thời điểm hiện tại là năm học 2022-2023, chúng tôi cũng chưa thấy có phản hồi gì. Về nguyên nhân cụ thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng không nắm được”, vị này cho hay.

Trên tinh thần là cơ quan chỉ đạo chuyên môn, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn cho biết, trong điều kiện thiếu trang thiết bị dạy học, phòng chỉ đạo các đơn vị tranh thủ tận dụng các thiết bị dạy học từ chương trình cũ. Đối với những thiết bị cấp thiết buộc phải có, phòng khuyến khích các thầy cô giáo tự sáng tạo để đảm bảo điều kiện dạy học.

Ngoài ra, các trường học tận dụng thiết bị là tivi thông minh để cho học sinh trải nghiệm thông qua kênh hình, các thí nghiệm ảo từ kho dữ liệu của nhà xuất bản.

“Mặc dù biết hiệu quả sẽ không thể bằng việc học sinh được thực hành, trải nghiệm thực tế, tuy nhiên trong điều kiện thiếu trang thiết bị như hiện nay, các trường đành phải tận dụng trên tinh thần có gì dùng nấy nhằm đảm bảo chất lượng dạy học đạt tối ưu nhất”, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn chia sẻ.

Thiếu giáo viên, tài liệu môn học chưa được hoàn thiện đầy đủ

Ngoài thiếu trang thiết bị, hiện nay việc triển khai dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những môn học, nội dung mới khi thiếu giáo viên, tài liệu dạy học cũng chưa được hoàn thiện đầy đủ.

Cụ thể, chia sẻ với phóng viên, vị Phó hiệu trưởng cho hay: hiện việc dạy và học các môn tích hợp, nội dung Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp đang gặp rất nhiều bất cập.

Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa

Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa

Theo vị Phó hiệu trưởng, hiện tại, tài liệu cho nội dung Giáo dục địa phương mới chỉ được xây dựng các chủ đề, nội dung chi tiết hiện vẫn chưa có. Do đó, các thầy cô giáo được phân công dạy phải tự mình tìm hiểu nội dung. Vị này chia sẻ điểm khó khi thực hiện:

“Có nhiều chủ đề ngay cả thầy cô giáo được phân công dạy cũng không hiểu tường tận, chi tiết các nội dung. Ví dụ như trường chúng tôi ở khu vực biển, tuy nhiên nội dung giáo dục địa phương lại có chủ đề giới thiệu về một lễ hội ở trên rừng. Như vậy làm sao để nói cho hay, giới thiệu tường tận tới học sinh khi chính các thầy cô cũng chưa được trải nghiệm, chưa hiểu rõ về lễ hội, địa danh đó”.

Do đó, vị Phó hiệu trưởng kiến nghị cần nhanh chóng có các tài liệu hướng dẫn chi tiết về những chủ đề trong nội dung Giáo dục địa phương để thầy cô giáo có thêm cơ sở giới thiệu kỹ hơn tới các học sinh.

Với Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh sẽ được tham gia hoạt động thực tế ở địa phương như tham gia sản xuất, tham quan các khu tưởng niệm, khu di tích, khu văn hóa các làng nghề,...

Tuy nhiên, năm học 2021-2022, hoạt động này chưa được triển khai do tình hình dịch bệnh Covid-19. Tới thời điểm hiện tại, theo vị Phó hiệu trưởng, hiện nhà trường đang lên kế hoạch để triển khai thực hiện trong năm học này.

“Học sinh lớp 6 năm ngoái, năm nay đã lên lớp 7 tuy nhiên vẫn chưa được tham gia trải nghiệm chủ đề nào về làng nghề, khu văn hóa của địa phương cả nên đây là một thiệt thòi với các em”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Các môn học khác cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà trường chính là môn tích hợp: Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên (xây dựng và phát triển trên nền tảng của Vật lý, Hoá học, Sinh học).

Các môn học này được xây dựng cho một giáo viên giảng dạy, tuy nhiên, đội ngũ giáo viên hiện nay có rất ít người đủ năng lực để dạy được đầy đủ các phân môn trong môn tích hợp. Với môn Lịch sử và Địa lý, trường phân công 2 giáo viên dạy, đảm nhận từng phân môn riêng. Điều này dẫn đến khó khăn lớn trong việc xếp thời khóa biểu cho các thầy cô.

Về môn Khoa học tự nhiên, trường vận động các thầy cô giáo trẻ tự bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, giáo viên Sinh học dạy sẽ dạy thêm các môn Vật lý và Hóa học (và có thể ngược lại).

Vị Phó hiệu trưởng cho rằng việc phân công giáo viên kiêm nhiệm như hiện nay không chỉ gây khó cho thầy cô mà còn ảnh hưởng tới học sinh, khi các em không được hướng dẫn bởi các thầy cô giáo có trình độ chuyên môn đầy đủ ở các phân môn kiêm nhiệm.

Do vậy, lãnh đạo trường trung học cơ sở kiến nghị cần sớm có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp kịp thời, đặc biệt với môn tích hợp Khoa học tự nhiên.

“Hiện nay hầu hết mỗi tỉnh, thành phố đều có các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Do vậy theo tôi, việc đào tạo giáo viên tích hợp theo nhu cầu của từng địa phương có thể thực hiện được ngay. Về phần kinh phí, tôi cho rằng cần có sự hỗ trợ từ phía Ủy ban nhân dân các tỉnh, chi trả chi phí cho các thầy cô giáo khi tham gia học chứng chỉ tích hợp để góp phần động viên, khích lệ họ", vị Phó hiệu trưởng nêu kiến nghị.

Bên cạnh đó, cần đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho các nhà trường để đảm bảo được chất lượng giảng dạy theo yêu cầu của chương trình mới.

Bắc Sơn