Trưởng bộ môn Địa lí, Trường ĐH Đồng Nai tiếp tục góp ý SGK Địa lí

23/11/2022 06:36
Sơn Quang Huyến (ghi)
GDVN-  Thầy Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai chỉ ra một số điểm cần xem lại trong sách giáo khoa Địa lí.

Thầy Nguyễn Văn Thuật - Trưởng bộ môn Địa lí, Trường ĐH Đồng Nai tiếp tục có một số góp ý về một số nội dung trong sách giáo khoa Địa lí lớp 10, sách Lịch Sử và Địa lý, bộ sách Cánh Diều, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai - Ảnh NVCC

Thầy Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai - Ảnh NVCC

Thứ nhất, trang 39, sách giáo khoa Địa lí lớp 10, bộ sách Cánh Diều, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, dòng13 từ trên xuống, tác giả viết: “Hồ là những khoảng nước đọng hình thành nơi có địa hình trũng, tương đối rộng và sâu trong đất liền.”

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, nếu viết như vậy sẽ khiến học sinh hiểu rằng chỉ trong đất liền mới có hồ, trên các đảo không thể có? Các nước như: Vương quốc Anh, Nhật Bản, Madagascar, Indonesia .... không có hồ.

Loch Ness tại cao nguyên Scotland; Biwa; Kasumigaura và Saroma tại nước Nhật rõ ràng đều được gọi là hồ.

Theo thầy Thuật, cách viết như trên là chưa chính xác.

Thứ 2, trang 45, sách giáo khoa Địa lí lớp 10, bộ sách Cánh Diều, dòng13 từ trên xuống, tác giả viết: “Đất là vật chất tơi xốp nằm trên cùng của bề mặt lục địa.”

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, viết khái niệm về Đất như thế là sai, không đúng thực tế, chẳng lẽ chỉ trên lục địa mới có đất, trên đảo không có đất?

Nếu học sinh hỏi, Philippines có đất không, giáo viên trả lời sao đây cho đúng?

Ảnh chụp màn hình sách Địa lý lớp 10 bộ Cánh Diều

Ảnh chụp màn hình sách Địa lý lớp 10 bộ Cánh Diều

Thứ ba, trang 75, sách giáo khoa Địa lí lớp 10, bộ sách Cánh Diều, dòng đầu tiên từ trên xuống, tác giả viết: “Cừu là vật nuôi ở vùng cận nhiệt của các nước như: Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ,...Dê là vật nuôi ở vùng khô khan của các nước như: Ấn Độ, Xu- Đăng, Trung Quốc,...”.

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, Vương quốc Anh có khí hậu ôn đới hải dương, Indonesia có khí hậu xích đạo - nóng ẩm quanh năm, những nơi này nuôi rất nhiều cừu.

Có tới 55% nông dân Indonesia chăn nuôi cừu ở các quy mô và phương thức khác nhau. Thậm chí khí hậu nóng khô như Ninh Thuận … nước ta là nơi nuôi rất nhiều cừu.

Thành thử, không phải cừu chỉ nuôi ở vùng cận nhiệt, như tác giả viết. Hiện nay cừu được nuôi suốt từ Bắc Âu tới tận các vùng nhiệt đới. Dê cũng thế! Không phải chỉ nuôi ở vùng khí hậu khô khan.

Dê và cừu thích nghi với nhiều kiểu khí hậu, nhiều kiểu địa hình; có thể nuôi miền khí hậu nóng khô ở châu Phi; nóng - ẩm ở khu vực nhiệt đới gió mùa và xích đạo hoặc lạnh khô ở châu Âu; có thể nuôi ở miền núi hoặc đồng bằng.

Thứ tư, tác giả viết tiếp “Chăn nuôi gia cầm chủ yếu là gà vịt,....phân bố rộng rãi ở nhiều nước.”.

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, trong đa dạng sinh học, có loài rộng sinh cảnh, có loài hẹp sinh cảnh; trái lại gia cầm là loài thế giới, thích nghi với mọi hoàn cảnh tự nhiên, chỗ nào nuôi cũng được.

Thứ 5, trang 84, sách giáo khoa Địa lí lớp 10, bộ sách Cánh Diều, dòng 13 từ dưới lên, tác giả viết: “Than được phân thành nhiều loại tùy vào khả năng sinh nhiệt, hàm lượng cacbon và độ tro như: than đá, than nâu, than bùn,..”

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, tác giả chưa hiểu đúng về than; than đá là một khái niệm chung, than đá chính là than mỏ, tùy thành phần cacbon mà than đá có các tên gọi khác nhau.

Than antraxit, than gầy, than mỡ, than nâu và than bùn đều là than đá.

Thứ 6, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 8 - Bản mẫu lấy ý kiến xã hội - Bộ Chân trời sáng tạo, trang 119 dòng 17 từ dưới lên tác giả viết: "Dọc bờ biển nước ta, cứ khoảng 20 km lại có một cửa sông."

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, có đường bờ biển khoảng 300 km, nhưng có vài cửa sông. Học sinh hỏi làm cách nào giải thích?

Thực ra, đây là sai lầm không nên có, tác giả cần sửa lại như sau: "Dọc bờ biển nước ta, trung bình 20 km lại có một cửa sông.".

Thứ 7, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 8 - Bản mẫu lấy ý kiến xã hội - Bộ Chân trời sáng tạo trang 163, tác giả thể hiện thảm thực vật rừng sú vẹt, rừng tràm tại khu vực ven biển các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang trên Lược đồ đồng bằng sông Cửu Long.

Hình ảnh minh họa do nhân vật cung cấp

Hình ảnh minh họa do nhân vật cung cấp

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, rừng ngập mặn tại châu thổ sông Cửu Long chỉ có mắm - đước không hề tồn tại sú - vẹt.

Điều cần nói thêm, rừng tràm không thích hợp đất nhiễm mặn mà chỉ thích nghi đất phèn. Chính vì thế, trong diễn thế sinh thái ngược, ven biển không thể có tràm.

Thứ 8, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 8 - Bản mẫu lấy ý kiến xã hội - Bộ Chân trời sáng tạo, trang 98, Bản đồ hành chính Việt Nam, quần đảo Côn Đảo được viết thành Côn Sơn.

Ảnh minh họa do nhân vật cung cấp

Ảnh minh họa do nhân vật cung cấp

Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, Côn Sơn chỉ là một hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Côn Đảo.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của thầy Nguyễn Văn Thuật (tác giả Sơn Quang Huyến ghi). Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Sơn Quang Huyến (ghi)