Bố mẹ bận làm nương rẫy, nhiều địa phương mong sớm phổ cập cho trẻ 3-4 tuổi

26/11/2022 06:33
Trà My
GDVN- Hiện kể cả các vùng khó trên cả nước đều đang nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3-4 tuổi).

Một đề án lớn là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 4 tuổi và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm giúp cho trẻ em trên khắp mọi miền đất nước đều được nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Sửu, công tác tại Ban Phổ cập giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hầu hết mọi người đều ủng hộ và mong muốn sớm triển khai được việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi.

"Trước hết, theo tôi, đối với ngành giáo dục thì đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi nếu được triển khai sẽ giúp tác động phát triển giáo dục cũng như mở rộng quy mô giáo dục của các nhà trường. Bên cạnh đó, nhờ công tác phổ cập mà chất lượng nuôi dạy trẻ được tốt hơn, góp phần phát triển con người được sớm hơn.

Các em học sinh trong giờ học tại Trường Mầm non Krông Kmar, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk (Nguồn: Trường Mầm non Krông Kmar).

Các em học sinh trong giờ học tại Trường Mầm non Krông Kmar, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk (Nguồn: Trường Mầm non Krông Kmar).

Thứ hai, trẻ được đến lớp sớm sẽ được chăm sóc, giáo dục sớm, từ đó hình thành tính cách, kỹ năng cho trẻ, nhất là trong sinh hoạt như khả năng tự chăm sóc bản thân, điều này rất quan trọng đối với học sinh vùng khó khi bố mẹ thường bận làm nương, rẫy cả ngày. Ý thức của trẻ về môi trường xung quanh sau khi được phổ cập giáo dục cũng sẽ tốt và đúng đắn hơn.

Hơn nữa, so với những trẻ đến lúc 5 tuổi mới được phổ cập giáo dục, trẻ được phổ cập lúc 3 tuổi chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi hơn do được giáo dục sớm hơn, từ đó sẽ được chuẩn bị tốt hơn trước khi tham gia vào cấp tiểu học từ trình độ học tập đến các khả năng giao tiếp,...

Thứ ba, đối với phụ huynh thì khi thực hiện công tác phổ cập sẽ giúp họ đỡ vất vả hơn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Hơn nữa, việc chăm sóc, nuôi dạy theo chương trình của nhà trường sẽ đúng đắn hơn so với phụ huynh tự nuôi dạy, một phần vì phụ huynh không có thời gian, một phần vì nhiều phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí cũng chưa được cao", ông Sửu nói.

Mặt khác, theo ông Sửu, lý do khiến phụ huynh huyện Krông Bông ủng hộ việc phổ cập này là do từ khi triển khai Chương trình giáo dục mầm non theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều năm qua đều nhận được những phản hồi tích cực thì phía phụ huynh.

Theo đó, Chương trình đã tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm “chơi mà học, học mà chơi”. Chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm kích thích và tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ở các khu vực hoạt động một cách vui vẻ.

Tuy nhiên, khó khăn của huyện Krông Bông ở chỗ không có giáo viên để mở đủ lớp học cho lứa tuổi này dù hàng năm có giao chỉ tiêu biên chế nhưng cũng tinh giản nên vẫn gặp nhiều bất cập.

Cũng bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Dụng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang chia sẻ:

“Là một huyện nghèo của tỉnh Bắc Giang, huyện Sơn Động luôn được tỉnh chú trọng, quan tâm đầu tư, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên. Theo tôi được biết, thì hiện ở tỉnh Bắc Giang chỉ có huyện Sơn Động là đảm bảo đủ các điều kiện theo các tiêu chí để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi. Do đó, nếu triển khai đề án sẽ không gặp vấn đề gì khó khăn mà không thể khắc phục được”.

Các em học sinh Trường Mầm non Thị trấn Tây Yên Tử số 1, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang tham gia hoạt động trải nghiệm "Bé với sân chơi giao thông" (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động)

Các em học sinh Trường Mầm non Thị trấn Tây Yên Tử số 1, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang tham gia hoạt động trải nghiệm "Bé với sân chơi giao thông" (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động)

Theo ông Dụng, hiện nay, cơ bản các trường mầm non trên địa bàn đã có tivi để sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ vào chương trình học cho các em. Ví dụ như phía huyện Sơn Động đang có định hướng sẽ cho trẻ mẫu giáo học chương trình tiếng Anh với giáo viên nước ngoài thông qua ứng dụng công nghệ thông tin hoặc qua băng đĩa để giúp trẻ được phát âm chuẩn cũng như hứng thú hơn với chương trình học. Vừa qua, huyện cũng được giới thiệu một số bộ sách tiếng Anh mới cho các em học sinh cấp mầm non và có thể áp dụng vào chương trình dạy học sắp tới.

Bên cạnh đó, trên 90% số giáo viên trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Các thầy cô giáo cũng đều được tập huấn về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cũng như giáo dục giới tính trong môi trường giáo dục mầm non.

Do đó, ông Dụng cũng mong đề án này sớm được triển khai, bởi khi đó, tất cả các cấp, ngành sẽ vào cuộc, dẫn đến công tác xã hội hóa giáo dục được diễn ra tốt hơn; các danh mục hỗ trợ cũng sẽ nhiều hơn, mang lại thuận lợi đối với nhà trường, đối với trẻ và đối với cả phụ huynh.

Cũng theo Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động, khó khăn lớn nhất hiện nay trong giáo dục mầm non của huyện là chưa có giáo viên dạy tiếng Anh có nghiệp vụ sư phạm mầm non.

Hầu hết các giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn đều là giáo viên có nghiệp vụ sư phạm tiểu học, trung học cơ sở nên vẫn chưa thể thực hiện được việc giảng dạy tiếng Anh cho cấp mầm non. Trong các buổi học, gần như các cô giáo đứng lớp chỉ là tạo môi trường cho các em qua các tranh vẽ, hình ảnh, trò chơi,...

Huyện Sơn Động cũng mong muốn liên kết với các trung tâm tiếng Anh để có giáo viên dạy tại các trường. Tuy nhiên, các trung tâm của địa phương cũng hạn chế và qua đánh giá, một số đơn vị tiểu học đã áp dụng việc này nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả.

Để đề án được diễn ra thuận lợi, ông Dụng cho rằng, ngành giáo dục cần phải có lộ trình, kế hoạch xây dựng, triển khai cụ thể, cũng như phải có sự đồng tình từ tất cả các cấp, các ngành và cả người dân.

Trà My