Ngành Logistics rất hót, điểm cao, cơ hội nghề nghiệp có rộng mở?

25/11/2022 13:26
Ngọc Mai
GDVN- Định hướng nghề ít ai gợi ý cho HS trong khi ta là công dân thời đại số. Điều cốt lõi, ta cần thay đổi tư duy để “sống” trong thời đại số.

Sáng ngày 25/11, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (tỉnh Bắc Giang) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tham dự hội thảo có tập thể cán bộ quản lý, giáo viên và 1.160 học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý.

Tại hội thảo, nhà văn, nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ, giải đáp thắc mắc, gỡ rối tâm lý học sinh. Diễn giả Hoàng Anh Tú tập trung diễn giải khái niệm cách mạng công nghệ 4.0, trách nhiệm công dân toàn cầu, đồng thời chỉ ra những thách thức và chuẩn bị của học sinh bước vào thời đại số.

Phải làm gì để trở thành “công dân toàn cầu”?

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú mong muốn: “Hội thảo giống như buổi chia sẻ thân tình, gần gũi, giúp cho học sinh phát hiện, có cảm hứng và tầm nhìn về tương lai.

Thế giới 8 tỷ dân khác thế giới 7 tỷ dân. Vấn đề định hướng nghề nghiệp ít ai nhắc đến với học sinh trong khi chúng ta là công dân của thời đại số. Điều cốt lõi là chúng ta cần thay đổi tư duy để “sống” trong thời đại số”.

Nhà văn, nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ tại Hội thảo.

Nhà văn, nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ tại Hội thảo.

Diễn giả Hoàng Anh Tú nhấn mạnh, học sinh hướng tới “công dân toàn cầu”, sẽ làm việc tại những công ty, tập đoàn, cơ quan toàn cầu (các nước khác nhau). Do đó, để trở thành “công dân toàn cầu”, diễn giả Hoàng Anh Tú cũng chỉ ra những yếu tố, điều kiện học sinh cần chuẩn bị.

Thứ nhất, học sinh chuẩn bị thành thạo ngoại ngữ. Nhấn mạnh vai trò của học ngoại ngữ, diễn giả Hoàng Anh Tú nói: “Học ngoại ngữ là yếu tố để trở thành “công dân toàn cầu”. Cụ thể, trong thế giới số, chúng ta làm việc online, có thể tiếp xúc với nhiều người trên toàn thế giới. Quan điểm không học ngoại ngữ là hoàn toàn sai, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta nên học ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành ngôn ngữ thứ 2 của riêng mình”.

Theo diễn giả Hoàng Anh Tú, nếu có ngoại ngữ, ví dụ như Tiếng Anh, kể cả không đỗ trường đại học, học sinh vẫn có cơ hội để tìm kiếm việc làm tốt và có những mối quan hệ bạn bè ở khắp nơi trên thế giới nhờ.

Thứ hai, học sinh cần có “trách nhiệm số” và trở thành chuyên gia giỏi.

Điều này xuất phát từ trách nhiệm với bản thân đầu tiên. Khi có trách nhiệm, các em sẽ biết trước và hình dung trước được tương lai của bản thân.

Đồng thời, với “trách nhiệm số”, diễn giả Hoàng Anh Tú cũng chỉ ra những rủi ro trong thời đại 4.0.

Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Bình dự Hội thảo.

Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Bình dự Hội thảo.

“Trăm năm bia đá vẫn mòn, những thứ ta chia sẻ trên mạng xã hội hôm nay, có thể là rủi ro khiến ta mất đi nhiều thứ trong tương lai, trong đó có cơ hội việc làm. Điều này rất quan trọng.

Nhiều công việc sẽ biến mất. Khi bước ra đời làm việc, chúng ta nỗ lực phải hơn trí tuệ IA, hơn công nghệ Robot.

Có học sinh chia sẻ rằng muốn trở thành đầu bếp. Vậy, khi IA làm được công việc bếp núc, thì các em này tương lai sẽ mất việc. Ở khía cạnh khác, có thể công việc đầu bếp sẽ mất đi nhưng người nấu ăn ngon không bao giờ mất. Do đó, để tồn tại được, các em phải là chuyên gia của một ngành nghề đó.

Khi đã là chuyên gia của bất cứ ngành nghề nào thì không một trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được con người. Để làm được, ngay từ bây giờ, chúng ta cần tập trung vào những công việc, thế mạnh của bản thân để làm việc tốt, trở thành chuyên gia giỏi”

Thứ ba, xây dựng chỉ số EQ và AQ.

Diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ, máy móc/IQs có thể sẽ bị thay thế, nhưng EQ và AQ của con người sẽ không bao giờ bị thay thế và là yếu tố mang tính quyết định thành công ở mỗi người.

Hơn 1.000 học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý tham gia hội thảo.

Hơn 1.000 học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý tham gia hội thảo.

Ở khía cạnh ngược lại, chỉ số EQ cao không phải là những người giả tạo, nịnh nọt, mà là những người biết được mình là ai, biết mình phải làm gì và biết điều chỉnh cảm xúc, hành động của bản thân. Những người có chỉ số EQ thấp sẽ có nguy cơ bị đào thải đầu tiên trong công việc, nhất là trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa.

Diễn giả Hoàng Anh Tú mong các em học sinh của nhà trường từ hôm nay hãy tìm hiểu nhiều hơn về kỹ năng xây dựng và nuôi dưỡng chỉ số cảm xúc, chỉ số sức chịu đựng của bản thân bên cạnh đầu tư chỉ số IQ.

Thứ tư, tập làm lãnh đạo và khả năng làm việc nhóm.

Chia nhỏ và làm việc theo nhóm tốt đồng nghĩa là học sinh từng bước đáp ứng yêu cầu “công dân toàn cầu” tốt.

“Tôi mong các em có thể nhớ và làm được điều này để thay đổi suy nghĩ, tư duy. Những em đang lắng nghe, được truyền cảm hứng từ tôi, từ thầy cô của trường, chắc chắn sẽ hiểu và có cách nhìn nhận khác về học tập, kỹ năng, nghề nghiệp và mối quan hệ trong cuộc sống”, diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Sôi nổi hoạt động giao lưu, giải đáp thắc mắc nghề nghiệp tương lai

Đặt mình vào vị trí, vai trò là người anh, người bạn, diễn giả, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đã có phần giao lưu, giải đáp những câu hỏi thắc mắc của học sinh trước định hướng nghề nghiệp tương lai.

Nhà văn, nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú - "Anh Chánh văn" đời thứ 2 của Báo Hoa Học Trò.

Nhà văn, nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú - "Anh Chánh văn" đời thứ 2 của Báo Hoa Học Trò.

Học sinh Nguyễn Việt Hà đặt câu hỏi, ngành Logistics rất hot, em muốn trở thành sinh viên và đi làm trong ngành này, nhưng chưa biết những năm tới ngành này còn hot không và cơ hội nghề nghiệp có rộng mở hay không.

Giải đáp câu hỏi này, diễn giả Hoàng Anh Tú cho biết: “Ngành Logistics, hay bất kể ngành nghề nào, không ai có thể chắc chắn sẽ biến mất hay phát triển vượt trội như thế nào trong tương lai.

Việc em cần làm đầu tiên là hãy chuẩn bị để trở thành “công dân toàn cầu”. Khi đã có những chuẩn bị, đến năm 2030, nếu công việc này ở Việt Nam không còn hot nữa thì em vẫn có thể làm việc tốt ở ngành nghề khác.

Đồng thời, em hãy tìm hiểu những công việc khác liên quan đến ngành Logistics. Nhân đây, các em học sinh khác cũng tìm hiểu dần những ngành mà các em mong được học và làm việc sẽ như thế nào vào năm 2030.

Cụ thể, những yếu tố nào ảnh hưởng đến ngành nghề mà các em mong muốn làm việc vào năm 2030. Làm được bước này chính là cách mà các em đã và đang suy nghĩ về công việc tương lai, nghề nghiệp của mình”.

Học sinh Nguyễn Việt Hà đặt câu hỏi tại Hội thảo.

Học sinh Nguyễn Việt Hà đặt câu hỏi tại Hội thảo.

Tương tự, mạnh dạn chia sẻ dự định của mình, học sinh Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, học sinh lớp 12A4, chia sẻ không học đại học mà muốn được đi du học Hàn Quốc 1 năm sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng vấn đề là em chưa biết sẽ học gì khi sang Hàn Quốc, đơn giản là em muốn trải nghiệm ở trên thế giới như thế nào rồi trở về quê hương tìm công việc nào đó để làm việc nào đó.

Diễn giả Hoàng Anh Tú giao lưu cùng học sinh.

Diễn giả Hoàng Anh Tú giao lưu cùng học sinh.

Trước trăn trở này của học sinh, diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Thế hệ 8X, 9X thường có tư tưởng sẽ tạm dừng học đại học 1 năm để đi du học nước ngoài. Ngày nay, tư tưởng này vẫn tồn tại, giống như chia sẻ của bạn Quỳnh. Tôi nghĩ, đây cũng là một lựa chọn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta xác định muốn trở thành ai và làm nghề gì trong tương lai. Với mục tiêu đặt ra, các em phải có lộ trình cho nó để thực hiện. Trước hết, nếu muốn đi du học Hàn Quốc, Nhật Bản, hay bất kỳ đất nước nào, trách nhiệm của các em là phải chuẩn bị học ngoại ngữ: Tiếng Anh và tiếng bản địa của đất nước đó”.

Tương tự, học sinh, Nguyễn Tiến Hoàn, lớp 11A5 chia sẻ, bố mẹ em muốn em học Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng em biết khả năng của mình sẽ không thể đỗ được. Theo bạn bè chia sẻ, em cũng muốn thi vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhưng để trả lời câu hỏi sẽ làm nghề gì trong tương lai thì em không lý giải được.

Diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ với học sinh tại Hội thảo.

Diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ với học sinh tại Hội thảo.

Diễn giả Hoàng Anh Tú đặt ra giả thiết, nếu chưa biết mình sẽ học trường nào mà chỉ biết đi học đại học thì trường hợp trượt đại học thì em sẽ làm thế nào?

Kể một câu chuyện tại hội thảo, học sinh Nguyễn Tiến Hoàn nói: “Ngày bà em mất, em đã rất thương và hy vọng mình có thể trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên, giữa rất nhiều yếu tố, em không biết sẽ phải làm thế nào để trở thành bác sĩ”.

Chia sẻ với câu chuyện của Hoàn, diễn giả Hoàng Anh Tú động viên, đưa ra lời khuyên, trước hết, Hoàn cần xác định ước mơ của bản thân, từ đó vạch ra lộ trình để thực hiện. Khi biết được bản thân muốn làm gì, trở thành người như thế nào thì tự khắc ta có thể vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được.

“Hy vọng trong năm 2030, ở ngoài xã hội, khi tôi gặp lại sẽ là Hoàn, cùng các em học sinh hôm nay với một vị trí, vai trò khác, thành công khác”, diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý phát biểu tại hội thảo.

Thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường mong muốn các em học sinh sẽ thu nạp được nhiều kiến thức bổ ích, có nhận thức, tư duy rộng mở để định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Hiệu trưởng nhà trường gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo hướng nghiệp cho hơn 1 nghìn học sinh của nhà trường.

Một số hình ảnh tại Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” tại Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý.

Ngọc Mai