Dạy ĐH trong thời đại số, người thầy đứng trước lựa chọn: thay đổi hay là chết

28/11/2022 06:43
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tứ Thành - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
GDVN- Người thầy không dạy tuần tự một giáo trình như cách dạy truyền thống. Thay vào đó, thầy hướng dẫn sinh viên tự học theo từng phân đoạn, từng chủ đề. 

Mô hình người thầy: biết 10, nhớ 10 dạy 1 không còn phù hợp

Trong thời đại số, trách nhiệm nhớ dữ liệu, nhớ thông tin để dạy không phải là nhiệm vụ của người thầy, vì giảng viên dù tài giỏi thông minh đến đâu cũng không có khả năng nhớ được hàng tỷ dữ liệu như bộ nhớ máy tính. “Người trần mắt thịt” không thể truy xuất dữ liệu nhanh và phong phú như công cụ Google. Ngày nay, khi cần tìm hiểu kiến thức nào đó, chỉ bật máy tính lên, đưa từ khóa cần tìm vào Google sẽ có ngay kết quả.

Ngoài công cụ Google, trách nhiệm nhớ thông tin, phối hợp thông tin không nằm trong não người mà ở các phương tiện hỗ trợ khác, đó là người máy, các thiết bị thông minh… Điển hình là người máy Sophia với bộ nhớ và khả năng xử lý thông tin tuyệt vời. Sophia có thể trao đổi bất kỳ lĩnh vực nào từ chính trị, triết học, nghệ thuật… một cách thông minh, sắc sảo. Sophia thông minh vì dữ liệu của Sophia nhiều hơn con người và Sophia đã học được cách xử lý thông tin thông qua máy học, trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhờ AI có trong “não” của Sophia, nên trong quá trình giao tiếp với con người, dữ liệu và tri thức của Sophia ngày càng tăng lên theo thời gian. Đối với thiết bị điện tử viễn thông hay các cỗ máy cơ khí… càng dùng càng xuống cấp, giá thành ngày càng hạ. Nhưng đối với các thiết bị thông minh, người máy, …càng cho hoạt động, giá trị sử dụng và giá thành càng tăng lên.

Robot Sophia tại triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra ở Hà Nội năm 2018. Ảnh: toquoc.vn

Robot Sophia tại triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra ở Hà Nội năm 2018. Ảnh: toquoc.vn

Con người chế tạo ra các thiết bị điện tử thông minh để thay đổi công việc nói chung, thay đổi giáo dục nói riêng. Do đó, thời đại số, nơi mà lượng tri thức nhân loại bùng nổ theo cấp số nhân, mô hình người thầy: biết 10 nhớ 10 dạy 1 đã không còn phù hợp.

Công nghệ thay đổi, người thầy đứng trước lựa chọn: thay đổi hay là chết

Người thầy truyền thống vốn quen thuộc với cách dạy riêng của mình và không thích thay đổi. Giảng viên lớn tuổi thường tâm sự: "Giáo án của tôi 5 năm nay dạy quen rồi, bảo tôi xóa làm cái mới, ai tính giờ dạy cho tôi?”

Nhiều sinh viên nói rằng họ đã phí 5 năm đại học vì khi ra trường những kiến thức đã học chẳng liên quan gì mấy với công việc! Thật vậy, trong thời đại số, bùng nổ thông tin, những kiến thức dạy cho sinh viên năm thứ nhất, thứ hai thì đến năm thứ 5 có thể đã trở thành lạc hậu.

Con người đang sống với những robot siêu thông minh trên nền tảng AI. Nếu cho một robot nghe tất cả các loại nhạc, nó có thể phối lại bài nhạc mới ngẫu nhiên từ những trí tuệ AI và thói quen của các dòng nhạc mà nó học được. Hoặc cho robot xem một loạt tác phẩm hội họa thuộc một thể loại nào đó, robot sẽ phối lại một bức tranh mới theo thể loại đó. Như vậy, khả năng sáng tạo của robot là có trên một khía cạnh cụ thể nào đó. Vì vậy, trong tương lai nếu họa sĩ, nhạc sĩ không đổi mới sáng tạo, chắc chắn sẽ... thất nghiệp. Các sinh viên trường nghệ thuật nếu chỉ học những kiến thức hàn lâm kinh điển, ra trường sẽ khó cạnh tranh với robot.

Cũng thông qua robot, AI, mà chương trình đào tạo sinh viên đại học ngành cơ khí động lực, ngành ô tô… luôn “lỡ nhịp” với hiện trạng công nghệ. 5 năm đại học với một mớ kiến thức hàn lâm về nguyên lý chế tạo ô tô, nhưng khi các em tốt nghiệp đại học thì các kiến thức đó đã lạc hậu.

Vì ô tô thế hệ mới đã biết tự lái, toàn bộ nội thất, phụ tùng bên trong đã được điện tử hóa gắn AI, mui xe, cửa xe, bánh xe được gắn cảm biến, camera …nên ô tô có thể thu phát tín hiệu về trung tâm dữ liệu để xử lý, có thể nhận dạng và tri giác được các vật thể xung quanh nên tránh được mọi va chạm. Chiếc ô tô không đơn thuần thuộc nghành cơ khí chế tạo mà là tổ hợp liên ngành cơ - điện – điện tử - tự động hóa - khoa học nhận dạng. Kỹ sư tốt nghiệp nếu không cập nhật kiến thức mới liên ngành sẽ chỉ làm thợ bảo dưỡng hoặc làm quảng cáo bán xe….

Vì vậy để giải quyết bất cập này, gần đây Google đã ứng dụng công nghệ số và công bố: “Google Career Certificates” hay còn gọi là “Chứng chỉ nghề nghiệp của Google” với mục tiêu:

- Chương trình dạy 6 tháng trực tuyến (online), đào tạo cơ bản nhanh, dạy những công nghệ mới nhất, không lạc hậu, chuẩn đầu ra tương đương với chương trình đại học truyền thống 5 năm.

- Đối tượng học là tất cả các sinh viên quốc tịch khác nhau trên thế giới, các khóa học được cung cấp dựa trên nền tảng số.

- Tập trung vào các kỹ năng mới phù hợp cách mạng công nghiệp 4.0 như: AI, Bigdata, UI, UX

- Người học được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Chương trình Hỗ trợ phát triển nhân tài số - Google Career Certitifcates và Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp công nghệ - Google for Startups: Startup Academy đã chính thức được ra mắt tại Việt Nam vào tháng 7/2022. Ảnh: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)

Chương trình Hỗ trợ phát triển nhân tài số - Google Career Certitifcates và Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp công nghệ - Google for Startups: Startup Academy đã chính thức được ra mắt tại Việt Nam vào tháng 7/2022. Ảnh: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)

Chương trình này của Google đang “phá vỡ” nhiều lý luận vốn có của bằng đại học truyền thống. Đặc biệt, sinh viên vui mừng vì nếu học theo chương trình, sẽ không phải “gánh nợ học phí” như 5 năm đại học truyền thống.

“Google Career Certificates” được dự báo là một trong những phương án thay đổi tương lai của đào tạo đại học truyền thống trong lĩnh vực công nghệ.

Vậy các trường đại học nghệ thuật, đại học kỹ thuật sẽ phải đổi mới, phải dạy cái gì để sinh viên tốt nghiệp không bị robot đào thải? Nếu chúng ta không thay đổi, sinh viên sẽ là người chịu thiệt nhất và người thầy không chịu đổi mới, suốt ngày “ôm” bài giảng, giáo án truyền thống sẽ khó tồn tại trong thời đại số.

Một vài giải pháp đổi mới sáng tạo giáo dục trong thời đại số

Đổi mới sáng tạo giáo dục trong thời đại số là đề tài tầm vĩ mô, đòi hỏi có sự nghiên cứu nghiêm túc, kết hợp của “hai nhà khoa học”: chuyên gia số và chuyên gia giáo dục. Do khuôn khổ bài báo, tác giả chỉ khiêm tốn trình bày 3 giải pháp cơ bản.

Giải pháp 1: Áp dụng AI đổi mới cách quản lý và cách đánh giá giáo dục

Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển trên cơ sở bắt chước cách hoạt động và học tập của não người. Ở cấp độ thứ nhất, AI học cách phân loại như đứa trẻ 3 - 4 tuổi. Cấp độ thứ hai, AI bắt đầu thí nghiệm theo cách thử rồi học như đứa trẻ 5 - 6 tuổi… Khi áp dụng thuyết lượng tử, với bộ nhớ khổng lồ và tốc độ tính toán lượng tử, AI sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn não người. Lúc này chỉ cần chiếc điện thoại thông minh đời mới được “nhúng” vào AI, sinh viên có thể tra cứu để trả lời các câu hỏi nhanh hơn bất cứ giáo sư nào.

Trước khi triển khai AI vào giáo dục, trong tiềm thức của người giảng viên luôn cho rằng học tập trực tiếp “face to face” sẽ tồn tại vĩnh cửu mà không có hình thức dạy học nào thay thế và dạy trực tuyến chỉ là hỗ trợ dạy học trực tiếp. Nhưng các kết quả nghiên cứu gần đây nhất đã chứng minh: nhờ ứng dụng AI, hệ thống dạy và quản lý lớp học trực tuyến đang trở thành một công cụ hỗ trợ giảng viên đào tạo tốt hơn mong đợi và trong một số trường hợp có thể là công cụ thay thế dạy học trực tiếp. Giảng viên có thể linh hoạt chọn lựa dạy trực tiếp hoặc trực tuyến tùy nội dung môn học.

Nhờ tích hợp AI vào lớp học trực tuyến, mà số lượt sinh viên vào xem và đánh giá đều biểu hiện công khai, minh bạch trên hệ thống. Ảnh minh họa: nguồn Tạp chí Quản lý nhà nước

Nhờ tích hợp AI vào lớp học trực tuyến, mà số lượt sinh viên vào xem và đánh giá đều biểu hiện công khai, minh bạch trên hệ thống. Ảnh minh họa: nguồn Tạp chí Quản lý nhà nước

Trong bối cảnh như vậy, giảng viên không được ép sinh viên của mình phải nhớ, đồng nghĩa giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, không dạy cho người học kỹ năng ghi nhớ như phương pháp truyền thống. Lúc này, các trường đại học bắt buộc tất cả các giảng viên đang cùng giảng dạy một môn học phải đưa toàn bộ bài giảng riêng của họ lên hệ thống đào tạo trực tuyến. Như vậy, sinh viên của giáo sư A có thể đồng thời vừa tiếp cận được tư liệu giảng dạy của giáo sư A lẫn của các giảng viên khác ngay trên hệ thống. Không còn chuyện bài giảng của giảng viên A thì giảng viên A cất riêng để dạy. Sinh viên sẽ vào xem tất cả video bài giảng của giảng viên A lẫn các giảng viên khác dạy môn đó. Từ đó nảy sinh tình trạng sinh viên sẽ vào xem video của thầy cô họ thích, chứ chưa chắc đã tham dự các buổi dạy online của giảng viên phụ trách, họ sẽ chọn bài giảng hay hơn.

Nhờ tích hợp AI vào lớp học trực tuyến, mà số lượt sinh viên vào xem và đánh giá đều biểu hiện công khai, minh bạch trên hệ thống. Nhờ AI, cách đánh giá năng lực sư phạm của các giảng viên dạy ở lớp học online sẽ thay đổi về chất. Không thể đánh giá tốt giảng viên A, khi giảng viên này dạy lớp 100 sinh viên mà 100 sinh viên không xem video, học liệu của giảng viên, không vào lớp online của giảng viên A mà vào lớp của giảng viên khác để học.

Khi đó, đại học không còn là những giảng đường lớn với quy mô 500 – 1.000 sinh viên mà sẽ bị thay thế bởi các lớp học trực tuyến. Sinh viên sẽ học các lớp này ở những thời điểm thích hợp. Các nhà quản lý giáo dục phải thay đổi cách quản lý, cách đánh giá giảng viên. Sẽ không còn cảnh dự giờ, họp bộ môn để bỏ phiếu đánh giá giảng viên hàng năm như kiểu truyền thống. Lúc này, thông qua AI, các nhà quản lý sẽ biết sinh viên học với giảng viên nào, sinh viên học được những gì và biết cần học môn đó ở đâu là tốt nhất, có kết quả cao nhất.

Giải pháp 2: Hướng dẫn sinh viên tìm kiếm thông tin trở thành phương pháp dạy chủ đạo

Do công nghệ số phát triển với tốc độ phi mã, kỹ năng sử dụng ICT (tất cả phương tiện kỹ thuật dùng để xử lý thông tin và hỗ trợ liên lạc) của sinh viên Việt Nam ngày một đẳng cấp. Nhiều môn học cơ bản như Toán cao cấp, Vật lý đại cương, tiếng Anh … ở đại học Việt Nam tương đồng với đại học nước ngoài. Ngồi tại Hà Nội, sinh viên có thể truy cập các bài giảng online ở nhiều trường đại học để hiểu nội dung môn học mà không nhất thiết phải đến lớp, trực tiếp nghe giảng viên giảng.

Đây rõ ràng là cách học mới. Hoạt động dạy và học nhiều nơi giống nhau trên một vài khía cạnh vì cách dịch chuyển của luồng thông tin. Người học bây giờ có quá nhiều thông tin để tiếp cận và lựa chọn. Ngoài theo học trực tiếp và trực tuyến, sinh viên có thể tự học, tự nghiên cứu tài liệu có sẵn trên internet.

Cách đây 30 năm, sinh viên phải đến thư viện mới có sách đọc, còn sinh viên ngày nay có vô số công cụ như Google, Youtube, Facebook, hàng tá hệ thống hỗ trợ, sách online, video online, bài tập online… và mọi sách báo của con người đều được số hóa để đưa lên mạng như một thư viện số cực lớn. Nếu không biết khai thác, “sinh viên sẽ ngập tràn thông tin nhưng lại đói tri thức”. Các sinh viên cần tiếp cận thông tin nào hữu ích mà thôi.

Kỹ năng sử dụng ICT của sinh viên Việt nam đang ngày càng được nâng cao. Ảnh minh họa: nguồn Thời báo Ngân hàng

Kỹ năng sử dụng ICT của sinh viên Việt nam đang ngày càng được nâng cao. Ảnh minh họa: nguồn Thời báo Ngân hàng

Nhờ khả năng truy cập thông tin của sinh viên, là người đi trước, giảng viên cần suy nghĩ tìm ra phương pháp, giúp sinh viên tìm kiếm nội dung thông tin gì hữu ích phục vụ môn học mà giảng viên đảm nhiệm. Lúc này giảng viên không chỉ phải giỏi nghiệp vụ sư phạm truyền thống mà còn am hiểu AI để vận dụng nó nhằm hướng dẫn sinh viên tìm kiếm thông tin. Khi muốn tìm những tài liệu liên quan đến nội dung bài học, nếu dùng Google để tìm với các từ khóa, ta sẽ nhận được rất nhiều tài liệu không phải thứ muốn tìm, cũng như có nhiều tài liệu liên quan không được tìm ra. Có ít nhất hai cách để AI tham gia giải bài toán này:

- Một là hệ tìm kiếm cho phép đưa vào câu hỏi ở dạng ngôn ngữ tự nhiên, phân tích để hiểu nghĩa câu hỏi và có cơ chế tìm kiếm các văn bản trong thư viện theo nghĩa này.

- Hai là hệ tìm kiếm sẽ mô hình các từ ... Mỗi mô hình là một tập hợp nhiều từ khác kèm theo phân bố xác suất của chúng theo những quy luật thống kê. Thay vì tìm kiếm trên mạng hay trong thư viện với các từ khóa, hệ sẽ tìm kiếm với tập hợp từ. Với các phương pháp thông minh này, giảng viên sẽ giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm thông tin trong không gian internet mênh mông đầy bí ẩn.

Giải pháp 3: Thay đổi cách dạy theo module

Công nghệ là công cụ hỗ trợ cho chúng ta giảng dạy hiệu quả hơn chứ không bao giờ công nghệ có thể thay thế được mối quan hệ giữa thầy với trò. Vì vậy việc đào tạo sẽ tập trung vào khía cạnh quan hệ giữa con người và con người. Sinh viên đã có đủ nguồn thông tin để tham khảo nên giảng viên chỉ là người hỗ trợ, gợi ý. Thời gian giảng viên đứng lớp giảm đi nhưng thời gian giảng viên tư vấn lại tăng lên.

Người thầy không dạy tuần tự từ đầu tới cuối một giáo trình như cách dạy truyền thống. Thay vào đó, thầy hướng dẫn sinh viên tự học theo từng phân đoạn, từng chủ đề có trong giáo trình, như cách ghép lego. Sau khi tự học theo từng block, từng module, sinh viên cần kết nối chúng với nhau và lúc này vai trò của giảng viên chính là tư vấn để các em biết cách kết nối kiến thức này với kiến thức kia và tạo ra kiến thức riêng cho chính các sinh viên.

Nhiệm vụ của giảng viên chỉ là làm sao đảm bảo được module này có những kết nối tiêu biểu để các sinh viên học được cách kết nối giữa các module, hoặc lấy kiến thức từ module này áp dụng vào các khía cạnh khác. Trên cơ sở đó, giảng viên sẽ hướng dẫn sinh viên cách thiết kế môn học cho chính mình.

Cách dạy trên sẽ đáp ứng việc đào tạo các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng. Nhiều doanh nghiệp có khuynh hướng sử dụng nhân sự thành thạo một số kỹ năng nhất định, không cần tuyển dụng người có bằng kỹ sư, chỉ cần tìm những người có kỹ năng A và được trả lương tương đương kỹ sư. Điều này có nghĩa, trong tương lai sẽ tập trung vào cá nhân hóa đào tạo và không có ngành nghề nào là cố định.

Ví dụ, sinh viên A thích ứng dụng công nghệ trong loại hình nghệ thuật nào đó, sinh viên đó đi học một số chứng chỉ âm nhạc, một số chứng chỉ công nghệ thông tin, AI, viết phần mềm… Sau đó, tự thiết kế giải pháp cho riêng mình. Hoặc, sinh viên B muốn trở thành nhân sự quản lý bệnh viện, phòng khám sẽ đi học các chứng chỉ về ngành Tâm lý học, Quản trị kinh doanh và sau đó ứng tuyển vào công việc quản lý bệnh viên hoặc làm việc trong mảng sức khỏe cộng đồng. Những sinh viên học theo hướng này khi đi làm lương cao hơn hẳn những sinh viên chỉ có bằng Tâm lý học hoặc bằng Quản trị kinh doanh.

Kết luận

Người giảng viên đến lớp không cầm tài liệu nào trong tay chỉ cầm viên phấn, nhớ kiến thức trong đầu để viết kín bảng đen cho sinh viên chép không còn là biểu tượng đẹp; hình ảnh người thầy trong câu hát: "khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi” sẽ chỉ còn trong ký ức.

Những nội dung trong bài viết này cùng các giải pháp nêu trên có thể chưa được sự đồng tình và ủng hộ của tất cả các chuyên gia giáo dục và đội ngũ giảng viên đại học. Tuy nhiên một khi đã là quy luật phát triển của nhân loại, chúng ta không thể hoài niệm quá khứ mà phải chấp nhận mô hình đổi mới sáng tạo.

Tài liệu tham khảo

https://vietnamnet.vn/bo-truong-gd-dt-mo-hinh-bac-thay-uyen-bac-biet-10-day-1-khong-con-phu-hop-2082445.html

Giảm vai trò giảng dạy, tăng vai trò tư vấn của thầy cô giáo là xu hướng tất yếu của giáo dục trong thời đại số”, bản tin Đại học Huế số15, tháng 1/2022

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tứ Thành - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội