9 câu hỏi khó dành cho Bộ trưởng Cao Đức Phát

23/11/2011 19:59
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Chiều nay (23/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn về nhóm vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đăng đàn, trả lời việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; xây dựng nên nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu Việt Nam; sắp xếp đổi mới mô hình quản lý các công ty, nông, lâm trường; giải pháp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và việc giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2020.

Một loạt các câu hỏi đã được các đại biểu đưa ra, Báo GDVN xin trích đưa 9 câu hỏi của các ĐBQH và phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo – Tỉnh Vĩnh Phúc: Trong tình hình đất nước ta hiện nay đô thị nông thông phát triển mạnh, đất canh tấc ngày càng thu hẹp. Bộ NN đã có chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao thế nào để đáp ứng được yêu cầu phát triển?

ĐB Phạm Văn Tấn – Tỉnh Nghệ An: Chúng ta đã có đánh giá về tình trạng lạm dụng phân bón  vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật chưa đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Bộ trưởng có giải pháp gì nhằm làm cho đất nông nghiệp màu mỡ và tránh những tác động xấu từ thuốc bảo vệ thực vật, nhất là với diện tích đất trồng lúa hiện nay?

ĐB Dương Trung Quốc – Tỉnh Đồng Nai đưa ra câu hỏi mang tính cảnh báo: Sau con tê giác sẽ là con voi bị tuyệt chủng và con voi nó không phải là con tê giác bởi nó không chỉ là con vật hoang dã mà là một phần tâm thức của lịch sử dân tộc, gắn liền với các thời kỳ lịch sử của đất nước. Những gì Bộ trưởng đã trả lời cho chúng tôi thì không đảm bảo được việc bảo tồn voi và chắc chắn con voi sẽ chết, đây là cảnh báo của chúng tôi với Bộ NN&PTNT.

ĐB Phạm Thị Mỹ Lệ - Tỉnh Bình Phước: Nhiều loại cây nông nghiệp và cây công nghiệp đã được Nhà nước quan tâm và có chính sách đầu tư. Tuy nhiên, có một vấn đề hiện nay là cây Điều chưa được quan tâm đúng mức, dù trước năm 80 thì cây Điều là cây xóa đói giảm nghèo, cây Điều cũng giúp thu được hơn 1 tỷ USD. Đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách phát triển cây Điều trong thời gian tới?

ĐB Nguyễn Bá Thuyền – Tỉnh Lâm Đồng: Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta có thể phát huy được sự phối hợp của Nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp nông thôn không?

ĐB Điểu Huỳnh Sang – Tỉnh Bình Phước: Hiện nay việc đầu tư lưới điện cho các tỉnh vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn, tỉnh Bình Phước được hưởng cơ chế chính sách của 6 tỉnh giáp Tây Nguyên và UBND tỉnh Bình Phước đã trình đề án lên Chính phủ và các cơ quan chức năng từ lâu nhưng chưa được hưởng cơ chế chính sách này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Bộ trưởng Bộ Công thương có giải trình về vấn đề này?

ĐB Nguyễn Văn Tiên – Tỉnh Lai Châu: Tại sao khi các ĐBQH đề nghị có hỗ trợ bảo hiểm y tế cho nông, một vấn đề thiết thực như vậy nhưng các Bộ phát biểu thì gạt đi, đặc biệt Bộ NN&PTNT không bao giờ phát biểu ủng hộ vấn đề này? Thứ hai là hiện chúng ta là nước đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới, vậy thì chúng ta được lợi gì ở đó mà vẫn tiếp tục làm “an ninh lương thực cho thế giới”?

ĐB Nguyễn Hữu Hùng – Tiền Giang: Vấn đề chống xâm nhập mặn của các huyện phía Đông của tỉnh gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã triển khai một số công tác hỗ trợ nhưng chưa thay đổi được nhiều. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ khắc phục tình hình này thế nào để đáp ứng mong mỏi của cử tri?

ĐB Nguyễn Thanh Phương – Tỉnh Cần Thơ: Bộ trưởng có ủng hộ việc phát triển liên kết vùng không và sẽ làm gì để thúc đẩy vấn đề này, đặc biệt là với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long?

Sau khi nghe những câu hỏi của ĐBQH, Bộ trưởng Phát rất tươi tắn và cho biết có tới 3 trang câu hỏi mà các ĐBQH phản ánh, đây cũng là mong đợi của bà con nông dân và cử tri, nhưng vì thời gian không cho phép nên Bộ trưởng Phát sẽ trả lời tập trung vào các vấn đề chính, phần còn lại sẽ trả lời bằng văn bản cho các ĐBQH.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời thẳng thắn các câu hỏi của ĐBQH
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời thẳng thắn các câu hỏi của ĐBQH

Trướcc hết là về vấn đề bảo vệ lúa, nâng cao chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nên làm tới mức nào? Trên thực tế một mặt chúng tôi suy nghĩ để phát triển lúa gạo đảm bảo nhu cầu trong nước, nhưng mặt khác cây lúa là lợi thế của Việt Nam, đem lại lợi ích cho đất nước và người dân trồng lúa, không dễ gì tìm được cây gì khác có lợi hơn cây lúa, đây là sự sàng lọc của lịch sử. Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng trồng lúa tốt nhất thế giới, không phải ngẫu nhiên chúng ta là nước xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới dù diện tích trồng lúa hạn chế.

Chúng ta phát triển kinh tế và nên tiếp tục phát huy thế mạnh là trồng lúa, và nên gìn giữ mảnh đất màu mỡ ấy cho con cháu muôn đời mai sau. Chúng ta không xuất khẩu nhiều gạo để làm an ninh lương thực cho thế giới mà vì chính chúng ta. Ngoài cây lúa, chúng ta có các vùng đất khác có cây khác có lợi thế như cây Điều. Xuất khẩu Điều của Việt Nam đứng thứ nhất thế giới và sản xuất Điều đứng thứ 2 thế giới. Thời gian gần đây khi kỹ thuật và thị trường đang thuận lợi cho cao su, cà phê thì cây Điều có phần bị lấn át. Tuy nhiên, chúng tôi đã xin phép Chính phủ có chương trình đầu tư tiếp tục phát triển cây Điều, không để cho cây Điều mai một và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.

Chúng ta phát triển rừng vì ai? Rừng đem lai lợi ích chung cho đất nướcc, nhưng rừng chỉ phát triển bền vững khi nó đem lại cuộc sống tốt đẹp cho những người làm nghề rừng, chứ không thể đi theo chiều ngược lại. Vậy giải pháp là gì? Chúng ta phải đẩy mạnh giao đất giao rừng cho nông dân, trong 16 triệu hec-ta mà Quốc hội đã thông qua thì mới giao được 3 triệu hec-ta, chúng ta cũng phải hỗ trợ tốt về vốn, giống, quy hoạch phát triển ngành chế biến để tạo ra mặt bằng giá thuận lợi cho bà con nông dân.

Vấn đề phát triển công nghiệp chế biến thuộc các thành phần đầu tư vào nông nghiệp, cơ cấu đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua chủ yếu là Nhà nước và bà con nông dân, các thành phần khác rấ ít tham gia. Vì vậy, Chính phủ đã có Nghị quyết 61 với 9 chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong liên kết 4 nhà, thì suy đi tính lại doanh nghiệp phải là đầu vào, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề này để đạt được hiệu quả ở mức tốt nhất.

Chúng tôi cũng đã rà soát lại quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ và tới đây sẽ đề xuất lên Chính phủ phê duyệt những chính sách tạo điều kiện cho việc liên kết. Tôi ủng hộ liên kết vùng, rõ ràng chúng ta không thể thành công khi tỉnh nào cũng nuôi cá tra khi giá lên cao. Trong năm 2011 này, chúng ta đã đạt được những thành quả rất đáng mừng với kim ngach xuất khẩu cá tra đạt hơn 1 tỷ USD, nhưng nếu đua nhau nuôi cá tra thì nó không còn là lợi thế nữa, mà phải có sự phân bố thế mạnh cho từng địa phương.

Về đánh giá tác động sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, phát triển công nghệ cao, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: Công nghệ cao sẽ là hướng đột phá trong tương lai, ngoài cá tra thì có những doanh nghiệp trồng hoa lan, chăn nuôi heo, bò sữa, nuôi tôm thẻ chân trắng… áp dụng khoa học công nghệ đem lại năng suất cao, đạt được chất lượng ngang tầm quốc tế. Quốc hội đã ban hành luật, chúng tôi cũng đang cố gắng triển khai cùng các địa phương và coi đó là hướng đột phá trong thời gian tới.

Về vấn đề bảo tồn voi, từ năm 1960, Chính phủ đã có chỉ thị về vấn đề này, từ đó đến nay Chính phủ cũng có nhiều giải pháp, nhưng việc con tê giác vừa qua cũng là cảnh báo cho chúng ta. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc và sẽ có những hành động cụ thể trong thời gian tới.

Sau khi Bộ trưởng Cao Đức Phát kết thúc phần trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ trưởng Phát nói rõ về vấn đề nhập khẩu giống lúa và ngô tại một số tỉnh phía Bắc. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phát cho hay: Nhập khẩu giống lúa và ngô cho vùng miền núi phía Bắc, chúng tôi khuyến khích phát triển cây lúa lai và cây ngô phù hợp với điều kiện tại đây. Ở đó cần dùng giống lúa lai do phát triển bằng giống trong nước là chưa đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu, nên chúng ta đang nhập khẩu một phần, ngay cả giống ngô cũng đang có điều kiện đặc thù, giống của chúng ta không phù hợp hẳn với điều kiện đa dạng của khu vực miền núi, nên hàng năm phải nhập khẩu giống từ nước bạn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tốt hơn chương trình mà Chính phủ đã ban hành, còn các vấn đề khác thì chúng tôi xin trả lời trực tiếp tới các ĐBQH bằng văn bản.

Kết thúc phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Chúng ta đã dành cả buổi chiều chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nhưng nhiều ĐBQH vẫn còn muốn đặt câu hỏi và tranh luận với Bộ trưởng Cao Đức Phát và đó là điều đáng mừng. Đã có 34 ĐBQH đặt câu hỏi trực tiếp tới Bộ trưởng Cao Đức Phát, bốn Bộ trưởng điều hành các bộ có sự phối hợp với Bộ NN&PTNN đã trả lời thẳng thắn và đưa ra giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà, hiểu trên nghĩa rộng là bao gồm cả cây trồng trọt, cây công nghiệp, rừng, thủy hải sản.

Điều đáng mừng là Quốc hội đã thông qua đầu tư cho nông thôn, tốc độ tăng bình quân là 30% và theo dự toán năm 2012 cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn (chưa bao gồm đầu tư tín dụng) là hơn 40%, đây là thông tin rất đáng mừng. Ngành nông nghiệp của chúng ta đã phát triển, nhờ sự phát triển ấy nên đã vượt qua được suy thoái, dù có suy giảm. Tôi hy vọng rằng cuộc trả lời chất vấn hôm nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng như các Bộ trưởng khác có liên quan tới việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta… đảm bảo cho nền nông nghiệp phát triển cao, đảm bảo cho sản phẩm nông nghiệp của ta có giá trị cạnh tranh tốt hơn. Còn lại một số ý kiến cụ thể của các ĐBQH, đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời cụ thể bằng văn bản”.

Ngọc Quang (ghi)