Sắp có bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của cơ sở GD

20/12/2022 14:36
Bắc Sơn
GDVN-Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục”.

Chủ trì hội thảo gồm có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.

Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có đại diện Tổ giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin - Truyền thông; đại diện lãnh đạo và chuyên viên 63 sở Giáo dục và Đào tạo; một số nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin; các doanh nghiệp có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong Giáo dục và Đào tạo.

3 quan điểm chính khi thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục được tổ chức nhằm mục đích đánh giá thực trạng triển khai công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, nhất là việc thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ);Quán triệt phương hướng triển khai nhiệm vụ công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục trong thời gian tới;

Đồng thời đề ra những giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình triển khai; Hội thảo cũng tập trung thảo luận, thống nhất triển khai một số phần mềm, học liệu dùng chung trong ngành.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu mở đầu tại buổi hội thảo. Ảnh: DN

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu mở đầu tại buổi hội thảo. Ảnh: DN

Từ quan điểm của Đảng, Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ xác định có 3 quan điểm chính trong thực hiện chuyển đổi số:

Thứ nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số góp phần tạo ra một bước đột phá trong đổi mới Giáo dục và Đào tạo cả đại học, cả phổ thông.

Thứ hai, lấy người học và người dạy là trung tâm của chuyển đổi số. “Đối tượng này mà không chuyển đổi thì không thể chuyển đổi số được".

Thứ ba, muốn chuyển đổi số được thì phải đổi mới mạnh mẽ, nhất là ở các cấp quản lý, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, các đối tượng chịu tác động - người dạy, người học.

Tại hội thảo, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin cũng đã có báo cáo về kết quả thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.

Gần 24 triệu hồ sơ của học sinh đã được số hóa

Báo cáo về kết quả chuyển đổi số của ngành Giáo dục, ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin cho biết: Thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng và ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin. Ảnh: DN

Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin. Ảnh: DN

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính,...) và đã tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở Giáo dục và Đào tạo, 710 phòng Giáo dục và Đào tạo.

Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe …), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được tăng cường triển khai trong toàn ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng (hơn 4.000 bài giảng thuộc chương trình giáo dục phổ thông, hơn 1.000 bài thuộc chủ đề Dư địa chí Việt Nam) hơn 2000 bài giảng trên truyền hình.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Đánh giá tích cực những kết quả đổi mới đã đạt được, tuy nhiên, theo ông Sơn Hải, việc chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức lớn.

Cụ thể, ông Nguyễn Sơn Hải cho biết, hiện hành lang pháp lý còn chưa đầy đủ; thiếu cơ chế cho phép, hướng dẫn thử nghiệm các mô hình mới; Nhận thức đúng về vị trí, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và việc trang bị kiến thức, kỹ năng số chưa đến được tất cả cán bộ quản lý giáo dục, người dạy, người học.

Tài nguyên số dùng chung chưa hoàn thiện, chất lượng nhiều tài nguyên số chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia đóng góp, khai thác sử dụng của nhà trường, cán bộ quản lý, người dạy, người học; chưa tạo ra nhiều lợi ích mới, giá trị mới; Cơ sở dữ liệu bước đầu đưa vào khai thác có hiệu quả, tuy nhiên phạm vi dữ liệu số hóa còn hạn chế; Nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục còn hạn hẹp; Khó khăn về điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến,...

6 nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: DN

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: DN

Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải cho biết, hiện có 6 nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chuyển đổi số đã và đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục (phổ thông, mầm non): phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của Bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các Sở, Phòng với Bộ Giáo dục và Đào tạo phục vụ quản lý điều hành giáo dục trên môi trường số; cung cấp trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP) trong ngành giáo dục đảm bảo kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành.

Thứ ba, đưa vào triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành về giáo dục đại học (2022).

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến (LMS) dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông.

Thứ năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có kế hoạch xây dựng Kho học liệu số dùng chung (bao gồm bài giảng điện tử từ lớp 1 đến lớp 12 – do các trường Đại học sư phạm xây dựng) nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục tới tất cả học sinh, đặc biệt học sinh ở khu vực còn khó khăn và đổi mới phương pháp dạy học.

Thứ sáu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm thủ tục để ban hành bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tham luận "Mô hình, giải pháp triển khai chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế". Ảnh: DN

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tham luận "Mô hình, giải pháp triển khai chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế". Ảnh: DN

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT trình bày tham luận "Mô hình chuyển đổi số trong giáo dục ở một địa phương". Ảnh: DN

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT trình bày tham luận "Mô hình chuyển đổi số trong giáo dục ở một địa phương". Ảnh: DN

Đại diện Tập đoàn Quảng Ích trình bày tham luận "Giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số trong kết nối gia đình với nhà trường". Ảnh: DN

Đại diện Tập đoàn Quảng Ích trình bày tham luận "Giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số trong kết nối gia đình với nhà trường". Ảnh: DN

Ngoài ra, hội thảo còn có 7 tham luận của các đại biểu tham dự là các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương về thực trạng, thuận lợi, khó khăn, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất từ phía cơ sở các; Hội thảo còn có tham luận của các chuyên gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp triển khai chuyển đổi số ứng dụng trong Giáo dục và Đào tạo.

Đề xuất giải pháp triển khai chuyển đổi số ứng dụng trong giáo dục, Thạc sĩ Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA tại buổi hội thảo đã giới thiệu nền tảng giáo dục MISA EMIS. Đây là hệ sinh thái hợp nhất mọi nghiệp vụ giáo dục trên một nền tảng: Tuyển sinh, Quản lý hồ sơ học sinh, Thời khóa biểu, Học trực tuyến, Thi kiểm tra, Dinh dưỡng, Cán bộ-Công chức viên chức, Thiết bị, Thư viện, Khoản thu, Tài liệu, Văn bản,…

Thạc sĩ Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA. Ảnh: DN

Thạc sĩ Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA. Ảnh: DN

Bà Thúy kỳ vọng nền tảng Giáo dục MISA EMIS với các tính năng thông minh sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội, xây dựng nền giáo dục thông mình và góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Bắc Sơn