Khu đô thị ĐH ở VN chưa có sự đồng bộ, cách làm vẫn là gom sinh viên vào

30/12/2022 06:33
Mạnh Đoàn
GDVN- Theo chuyên gia, việc xây dựng khu đô thị đại học vẫn chưa có sự đồng bộ như một khu đô thị, cách làm vẫn là gom sinh viên về đây.

Dự án đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, khu đại học phố Hiến (Hưng Yên), khu đại học Nam Cao (Hà Nam), hay Đại học Quốc gia tại Láng - Hòa Lạc là những dự án khu đô thị đại học được đầu tư xây dựng nhằm di dời các trường đại học ra khỏi khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên đến nay các dự án chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, khi nhiều trường đại học "ngại" dời đến.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có những chia sẻ xoay quanh nội dung này.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc các trường đại học riêng lẻ sẽ tạo sự không tập trung, từ đó hiệu quả, hiệu suất thấp. Các khu đô thị đại học tập trung giải quyết các vấn đề về liên kết hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo giữa các trường với nhau, cung ứng dịch vụ cho các cơ sở đào tạo, cũng như quy về một đầu mối, hoạt động hiệu quả hơn. Việc sử dụng tài nguyên như phòng thí nghiệm có thể sử dụng cho nhiều trường khác nhau.

Ở Việt Nam, ý định xây dựng khu đô thị đại học tập trung có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Việc xây dựng khu đại học sẽ có ý nghĩa tránh được việc tập trung các trường đại học chen chúc nhau ở trong thành phố.

Đánh giá về các dự án khu đô thị đại học của nước ta hiện nay, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, việc thành lập khu đô thị đại học chưa có sự đồng bộ, trong cách làm vẫn chỉ có định hướng là gom sinh viên về nơi đây. Trong khi đó, việc phát triển thành một thành phố đô thị ở nơi đây lại không có, chưa nói đến phương tiện đi lại.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Ảnh: MĐ)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Ảnh: MĐ)

Ví dụ như việc hình thành khu đô thị đại học tập trung ở Láng Hòa Lạc với diện tích 1.200 hecta, cho hàng trăm nghìn sinh viên thì hệ thống hạ tầng phục vụ phải đầy đủ từ phương tiện đi lại, điều kiện sống, ăn ở....

"Trong khi khu vực lân cận có đường buýt nhanh BRT, đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội, nhưng không có sự kết nối với khu Láng - Hòa Lạc. Về tầm nhìn lâu dài, khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Láng - Hòa Lạc phải có đường sắt cao tốc để kết nối giữa nơi đây với trung tâm thành phố.

Năm nay, một số trường thuộc Đại học Quốc gia đã lên học tập tại khu Láng - Hòa Lạc nhưng tôi cho rằng vẫn khó để thành công, bởi nơi đây chưa thực sự hấp dẫn để quy tập các nhà khoa học, giảng viên... ", Tiến sĩ Khuyến nêu quan điểm.

Tương tự như khu đại học Quốc gia tại Láng - Hòa Lạc, khu đại học phố Hiến (Hưng Yên) được xây dưng để các trường đại học ở trung tâm Hà Nội di dời về đó, nhưng có rất ít trường đại học về đây. Trong khi đó, theo đề án có 10 trường đại học được xây dựng tại đây gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Nông nghiệp 1, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học tư thục Mỹ thuật công nghiệp Việt Á Châu, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Giao thông vận tải, Viện đại học Mở Hà Nội.

Trong quá trình triển khai đề án những năm qua, có thêm một số trường, nhà đầu tư khảo sát đầu tư xây dựng cơ sở mới tại khu đại học Phố Hiến như Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, các trường: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Ngoại giao, Trường Đại học FPT, Đại học Kyungpook, Đại học Suwon và Trung tâm sáng tạo khoa học Hàn Quốc.

Tuy nhiên, đến nay, khu đại học này mới chỉ thu hút được Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An về xây dựng cơ sở đào tạo.

Khác với những khu đại học ngoài Bắc, Tiến sĩ Khuyến đánh giá Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh được quy hoạch rõ ràng, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại đến nơi đây rất thuận lợi.

Chia sẻ về giải pháp cho những khu đô thị đại học, Tiến sĩ Khuyến cho hay, về mặt nhà nước phải có quyết tâm rất cao nhưng phải có sự đầu tư cho khu đô thị đại học tương xứng, mới có sự thành công.

"Khu đô thị đại học phố Hiến, Nam Cao (Hà Nam), Láng Hòa Lạc, nếu không có chính sách đầu tư tổng thể toàn diện, cũng khó để thành công", Tiến sĩ Khuyến chia sẻ.

Tiến sĩ Khuyến cũng cho hay, bên cạnh việc quy hoạch tổng thể các khu đô thị đại học là rất quan trọng về tầm nhìn dài hạn và quyết tâm cao để có sự phát triển bền vững, lâu dài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho hay, dự án xây dựng khu đô thị đại học là chủ trương đúng nhưng việc thực hiện đang có bất cập.

"Xây dựng các khu đô thị đại học các nước làm nhiều chứ không chỉ có Việt Nam làm. Dự án khu đại học phố Hiến là chủ trương đúng nhưng việc chưa đồng bộ về giao thông, mức sống.... nên khó thu hút được các trường.

Bên cạnh đó, việc di dời và xây dựng các trường cần một nguồn vốn lớn cần Nhà nước đầu tư.

Chúng ta chưa đồng bộ khu đại học như một khu đô thị nên các trường đại học ngại di dời", Phó Giáo sư Nhĩ nói.

Mạnh Đoàn