Không phân định kiến thức ở THCS, học sinh sao biết chọn tổ hợp môn lớp 10?

08/01/2023 06:36
Nguyễn Nhật Minh
GDVN- Khi học hết trung học cơ sở, học sinh không phân định được kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học, học sinh lấy cơ sở nào mà chọn tổ hợp môn ở lớp 10?

Chương trình 2018 ra đời, áp dụng, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận trong thời gian qua.

Thứ nhất, đó là "tích mà không hợp", phần lớn ý kiến giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học Chương trình 2006) đều nhận xét đây chỉ là vụ “cưỡng hôn” các môn học.

Rõ ràng nhất, môn Lịch sử và Địa lý là sự ghép môn chứ không phải môn tích hợp. Còn môn Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học Chương trình 2006) cũng chỉ là sắp xếp kiến thức các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học chương trình 2006 theo tuyến tính.

Tính “tích hợp” kiến thức các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học chương trình 2006 để thành một môn gần như không có.

Ảnh minh họa giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa giaoduc.net.vn

Thứ hai, môn học tích hợp thiếu giáo viên trầm trọng. Quả thật, hiện nay số giáo viên có chứng chỉ dạy môn tích hợp là “hàng hiếm” ở địa phương. Thậm chí, như nhiều giáo viên chia sẻ trên Tạp chí, có chứng chỉ rồi vẫn không thể dạy tốt môn tích hợp

Vì vậy, môn tích hợp vẫn làm “đau đầu” các cơ sở giáo dục, giáo viên vừa học vừa dạy, chất lượng sẽ như thế nào vẫn là điều gây nhiều dấu hỏi.

Thiếu giáo viên môn tích hợp, trong cái rủi có cái may

Đó là câu trả lời của thầy Nguyễn Hùng, Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở phía nam “Trường tôi không có giáo viên nào có bằng hay chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên nói riêng, môn tích hợp nói chung.

Phần lớn giáo viên trong trường có bằng đại học chính quy và trên đại học, thường chuyên sâu một môn đào tạo.

Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý là “con gà đẻ trứng vàng” của trường tôi trong các kì thi học sinh giỏi, nhờ đội ngũ giáo viên chuyên sâu môn đào tạo, nên dạy tốt, học sinh học tốt, mới có nhiều học sinh giỏi.

Thực hiện chương trình mới, khi dạy môn tích hợp, nếu giao cho một giáo viên đơn môn phụ trách, chẳng khác “bắt chạch leo cây, bắt khỉ sống dưới nước”, nên tôi buộc phải phân công giáo viên dạy theo môn, theo tuyến tính.

Chúng tôi nhận khó, nhận khổ về mình trong làm thời khóa biểu …, thế nhưng học sinh được học với giáo viên “tốt” nhất.

Trong cái rủi có cái may, cái rủi ở đây là thiếu giáo viên, cái may ở đây là học sinh phân định được kiến thức các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý rõ ràng.

Học sinh được học kiến thức các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý với giáo viên tốt nhất, nên khi thi học sinh giỏi môn môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, chắc chắn học sinh trường tôi sẽ làm tốt.

Thế nhưng, điều tôi quan tâm nhất không phải là kết quả thi học sinh giỏi môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, mà là cơ sở để cho các em chọn nghề nghiệp sau này.

Năm học 2022-2023, học sinh học lớp 9 học riêng biệt các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, vậy mà khi chọn tổ hợp môn lớp 10 còn sai;

Nay các em học Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, không biết đâu là kiến thức môn Vật lý, Hóa học, Sinh học để nhận ra phẩm chất, năng lực của mình, vậy học sinh lấy cơ sở nào để chọn tổ hợp môn khi tuyển sinh lớp 10 năm 2025-2026?

Nhìn tới thấy còn lâu, nhìn lại thì tuyển sinh lớp 10 năm 2025-2026 sẽ tới giờ đó. Trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh, nếu học sinh không phân biệt được kiến thức môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, thì chúng tôi làm sao hướng nghiệp đây? Làm sao phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đây?

Nỗi lo này đã được một số phụ huynh phản ánh, và đề nghị nhà trường phân công giáo viên dạy theo môn đào tạo khi phân công dạy môn Khoa học tự nhiên.”.

Không phân định kiến thức ở trung học cơ sở, học sinh sao biết chọn tổ hợp môn lớp 10?

Chuyện học sinh đã và đang loay hoay với chuyển đổi tổ hợp môn ở lớp 10 thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua, cho đến nay, Bộ vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về vấn đề này với giáo dục phổ thông.

Vấn đề đặt ra: Khi học hết trung học cơ sở, học sinh không phân định được kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học, học sinh lấy cơ sở nào mà chọn tổ hợp môn ở lớp 10?

Với môn Lịch sử và Địa lý, kiến thức phân môn tách bạch rõ ràng trên sách giáo khoa, đâu là Lịch sử, đâu là Địa lý, giáo viên không nói, học sinh cũng biết.

Vì thế lo lắng của phụ huynh và giáo viên khi môn tích hợp ở trung học cơ sở không phân định rõ kiến thức môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, học sinh làm sao biết và nhận ra phẩm chất, năng lực của mình, mạnh yếu thế nào về các môn học thức môn Vật lý, Hóa học, Sinh học để chọn tổ hợp môn là có cơ sở.

Vì thế, người viết đề nghị:

Thứ nhất, khi giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, cần chỉ rõ cho học sinh biết kiến thức môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Thứ hai, khi viết sách giáo khoa, các tác giả viết sách nên phân chia thành chủ đề lớn Vật lý, Hóa học, Sinh học cho học sinh dễ nhận ra năng lực, phẩm chất của mình, thích hợp với môn học nào, để có định hướng nghề nghiệp từ sớm.

Thứ ba, dù chuyển đổi số, vai trò của người thầy không thể xóa bỏ, hay hạ thấp, trong việc dạy và học. Vì thế, phân công giáo viên phụ trách bộ môn phải dựa vào năng lực của mỗi giáo viên.

Phân công giáo viên phụ trách bộ môn tích hợp phải lấy quyền lợi của người học là tiêu chí hàng đầu, không được vì bất cứ lý do gì để học sinh thiệt thòi, không được học với giáo viên tốt nhất.

Thứ tư, Bộ nên sớm có hướng dẫn tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh đại học với học sinh học chương trình mới, giúp học sinh, giáo viên lo lắng, đoán già đoán non.

Thứ năm, mô hình “biết 10 dạy 1” đã lạc hậu, ngành giáo dục cần tìm ra, chỉ ra, giới thiệu mô hình giáo dục tốt nhất khi thực hiện chương trình 2018, giúp giáo viên không phải “tự bơi” khi dạy chương trình mới.

(*) Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh