Muốn có chất lượng GD, đừng yêu cầu GV kiêm nhiệm việc hành chính, phong trào

23/01/2023 06:38
Trà My
GDVN- Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, ngành giáo dục nước ta vẫn đang gặp nhiều thách thức và cần nỗ lực đổi mới không ngừng.

Chia sẻ về những trăn trở với thực trạng của ngành giáo dục trong năm vừa qua, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ quan điểm:

“Đến nay, trình độ tiếng Anh của người Việt Nam nói chung, người trẻ Việt Nam nói riêng vẫn còn yếu dù đã có khá nhiều nỗ lực cải thiện thông qua các đề án khác nhau cũng như có số lượng giáo viên ngoại ngữ có bằng cấp cao (thạc sĩ, tiến sĩ) được đào tạo từ nước ngoài trong nhiều năm qua không hề ít”.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mở rộng năm 2022 (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mở rộng năm 2022 (Ảnh: NVCC)

Theo bà Phương Anh, ngành giáo dục nước ta còn đang bị tâm lý trọng bằng cấp cùng các quy định cứng nhắc về việc phải có chứng chỉ ngoại ngữ cho nhiều công việc khác nhau dẫn đến việc học chỉ để thi, để lấy được chứng chỉ dù không có cơ hội sử dụng.

Hệ lụy của tâm lý này đã dẫn đến các phương pháp giảng dạy cũng bị sơ cứng vì sự thành công của giáo viên chỉ được đánh giá qua kết quả của các kỳ thi.

Không những vậy, hiện nay, việc trao quyền cho giáo viên của ta vẫn còn bị hạn chế.

Thậm chí, các thầy cô dù đã đi học ở nước ngoài, mang theo nhiều phương pháp hay và có bổ sung, đổi mới trong quá trình giảng dạy nhưng khi học sinh đi thi thì bài vẫn nặng về lý thuyết nên vẫn phải dạy theo hướng của bài thi để đảm bảo kết quả học tập cho các em.

“Đương nhiên việc thi cử, kiểm tra đánh giá trong giáo dục luôn cần có sự chỉ đạo và kiểm soát của các cơ quan quản lý. Nhưng nếu kiểm soát quá sẽ gây ra tác dụng ngược như hạn chế năng lực quyết định về mặt chuyên môn của giáo viên.

Thay vào đó, ngành giáo dục cần tôn trọng quyết định về chuyên môn của giáo viên. Bởi, chỉ có giáo viên trực tiếp đứng lớp mới hiểu rõ người học cần gì và giáo viên có thể làm gì để đạt hiệu quả cao nhất trong từng bối cảnh cụ thể; các chỉ đạo và kiểm soát từ trên càng chi tiết thì càng dễ sai.

Mặt khác, nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, tại các nước phát triển giáo dục trên thế giới, có nhiều môn học không bắt buộc phải có đáp án đúng duy nhất, miễn là người học đưa ra lập luận có căn cứ và giải thích hợp lý. Cách làm như vậy sẽ khuyến khích khả năng sáng tạo, mở rộng tư duy cho người học”, bà Phương Anh nói.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Phương Anh, tư duy phản biện và hiểu biết về thế giới của nhiều người trẻ Việt Nam, kể cả những người đã tốt nghiệp đại học hoặc thậm chí cao hơn đang ở mức khá thấp so với thanh niên các nước có cùng mức độ phát triển.

Điều này xảy ra có thể có 2 nguyên nhân chính:

Thứ nhất là, người trẻ Việt Nam không được khuyến khích phản biện từ nhà trường (có thể do chính sự phản biện của giáo viên cũng không được tôn trọng) dẫn đến việc thiếu thói quen tư duy cho chính mình.

Học sinh, sinh viên, và người trẻ nói chung chỉ cần chấp nhận những thông tin, những ý kiến hoặc yêu cầu của người lớn (cha mẹ, thầy cô, cấp trên trong công việc);

Thứ hai là, người trẻ Việt Nam thiếu thói quen đọc sách báo, và đặc biệt là không đọc được bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) nên không tự theo dõi được tình hình thế giới.

Do vậy, Tiến sĩ Phương Anh mong rằng, mọi học sinh cấp trung học phổ thông và sinh viên Việt Nam đều có cơ hội được đi nước ngoài (ít nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á) để giao lưu, học hỏi, trao đổi tối thiểu là vài tháng 01 lần trong suốt thời gian học (03 năm cấp trung học phổ thông và 04 năm đại học).

Bởi, tiếng Anh là một môn học đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn là lý thuyết, nếu đi học tập ở nước ngoài, nơi không ai có thể nói được tiếng Việt, các em sẽ buộc bản thân phải làm bằng mọi cách để hiểu và từ đó trau dồi được thêm kỹ năng, phản xạ trong việc học tiếng Anh.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cũng đưa ra những mong muốn và kỳ vọng cho ngành giáo dục trong năm mới:

Đối với giáo dục phổ thông, bà mong rằng, ngành giáo dục cần nhìn nhận đúng mức vai trò quan trọng của giáo viên trong việc tạo ra chất lượng của nền giáo dục.

Trước hết, ngành giáo dục cần có chính sách về lương bổng chế độ đãi ngộ tương xứng với công việc, vì nghề giáo là một nghề đòi hỏi phải được đào tạo bài bản, công việc cũng khá nặng nhọc, đặc biệt là ở các cấp bên dưới, nhưng mức lương thậm chí còn kém cả lao động phổ thông;

Bên cạnh đó, cần tôn trọng lao động chuyên môn của giáo viên, tuyệt đối tránh yêu cầu giáo viên kiêm nhiệm những công việc hành chính hoặc thực hiện hoạt động phong trào không liên quan đến chuyên môn;

Không những vậy, cần phải tăng thêm quyền quyết định cho giáo viên trong việc chọn giáo trình và tài liệu giảng dạy phù hợp với đặc điểm của người học.

Theo bà Phương Anh, nếu không đồng thời thực hiện cả ba điều nêu trên thì giáo dục phổ thông của Việt Nam đang tự tụt hậu so với chính mình và thua kém các nước trong khu vực.

Điều này có thể nhận thấy qua số lượng người Việt Nam cho con em đi du học từ cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông ngày càng nhiều, hoặc nếu học trong nước thì cũng cố gắng học tại các trường có mác “quốc tế” để hy vọng có được chất lượng tốt hơn.

Đối với giáo dục đại học, cần tiếp tục tăng quyền tự chủ cho các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên tập trung vào những vấn đề lớn, những chính sách chung, đồng thời tập hợp đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện vai trò người thiết kế, kiến tạo hệ thống và dự phóng tương lai, chứ không nên quanh quẩn với những quy định cụ thể và đóng vai trò người kiểm soát vi mô hoạt động của các trường

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh là một chuyên gia giáo dục luôn có những cống hiến để giúp giáo dục nước nhà hội nhập và phát triển.

Bà tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp năm 1983. Năm 1991, bà học cao học ngành giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Canberra (Úc). Năm 1997, bà lấy bằng Tiến sĩ Giáo dục ngôn ngữ tại Đại học La Trobe (Úc), và là nữ tiến sĩ đầu tiên của ngành này tại Việt Nam sau năm 1975.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh từng là Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những người tham gia vào các hoạt động kiểm định chất lượng trong giai đoạn đầu tiên của cả nước. Đồng thời, bà cũng là người đưa các chương trình đầu tiên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đánh giá của AUN-QA năm 2007.

Sau khi chính thức nghỉ hưu vào năm 2015, bà vẫn tiếp tục cộng tác với nhiều trường đại học ở các vị trí khác nhau như: Trưởng khoa ngoại ngữ Trường Đại học Bình Dương (2017-2018); Trưởng ban đảm bảo chất lượng giáo dục của Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (2018-2021); Viện phó Viện khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên, thuộc Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (2021-2022). Hiện nay bà đang là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế thuộc Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Trà My