Năm mới, GV mong không còn bị mất tiền oan với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

23/01/2023 06:35
Cao Nguyên
GDVN- Bộ giáo dục cần chỉ đạo các Sở Giáo dục không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh của hạng được bổ nhiệm cho đến khi có quyết định mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021.

Theo đó, dự kiến sẽ quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của một trong các hạng theo cấp học thì được xác định là đạt yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khi bổ nhiệm, xếp lương.

Ảnh minh họa, nguồn: vov.vnẢnh minh họa, nguồn: vov.vn

Tuy vậy, ngành giáo dục một số địa phương vẫn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm.

Người viết kiến nghị Bộ Giáo dục cần chỉ đạo các Sở Giáo dục trên cả nước không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh của hạng được bổ nhiệm cho đến khi có quyết định mới vì những lí do như sau:

Thứ nhất, trên mạng xã hội Facebook có hiện tượng chèo kéo giáo viên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với thông tin trái chiều, nhiều thầy cô đành "cắn răng" nộp từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng để kiếm cái chứng chỉ phòng thân biết đâu dùng đến.

Mạng xã hội có tình trạng chèo kéo giáo viên học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. (Ảnh: Cao Nguyên)Mạng xã hội có tình trạng chèo kéo giáo viên học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. (Ảnh: Cao Nguyên)

Biết tôi cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III, tài khoản Facebook có tên H.P. nhắn tin cho biết sẽ hỗ trợ hết sức giúp tôi trong quá trình học (online). Khóa học có giá 2,4 triệu đồng, do một trường đại học sư phạm tại phía Bắc cấp chứng chỉ.

Tài khoản này thông tin, lớp học qua Google Meet nên cũng tiện, mỗi buổi học đều có điểm danh qua link. "Anh được nghỉ 20% số buổi, hôm nào bận thì cứ nhắn tin em điểm danh giúp. Nếu anh giới thiệu thêm người học thì em sẽ trích thù lao cho anh", người này nói thêm.

Thứ hai, Bộ Giáo dục đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Trong đó có nội dung "bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng", bởi Nghị định số 89/2021/NĐ-CP điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành: mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần.

Sau khi Bộ Giáo dục sửa đổi chùm Thông tư 01- 04/2021/TT-BGDĐT thì vẫn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh (còn 1 chứng chỉ dùng chung) vì Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc: “làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó”.

Khi Bộ Giáo dục ban hành Thông tư sửa đổi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT thì sẽ có những quy định, hướng dẫn cụ thể, lúc đó giáo viên đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng chưa muộn.

Thứ ba, hiện tại nhiều giáo viên ở các tỉnh thành trên cả nước cho biết, để học chứng chỉ chức danh họ phải đóng cho cơ sở đào tạo từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng, nhưng cũng có địa phương miễn phí cho thầy cô.

Việc làm này là đúng quy định của pháp luật, vì Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP đều có nội dung “Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước cấp”.

Nếu chùm Thông số 01-04/2021/TT-BGDĐT sửa đổi yêu cầu giáo viên các hạng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, lúc đó địa phương sẽ có phương án hợp tình hợp lí hỗ trợ kinh phí thầy cô trong quá trình học tập.

Nếu Bộ Giáo dục ra văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục trên cả nước không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh của hạng được bổ nhiệm cho đến khi có quyết định mới thì thầy cô sẽ không còn bị hành bởi chứng chỉ này nữa.

Liên quan đến chứng chỉ chức danh, ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thế nhưng, đến nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng và web của Bộ Bộ Giáo dục, người viết chưa thấy Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT ban hành. Điều này khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc chuyển hạng, xếp lương mới cho giáo viên vì vướng nhiều quy định có liên quan.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên