Vụ tự xưng đàn em Lê Văn Luyện: Nhận khinh ghét để nổi tiếng

24/11/2011 06:47
Thảo Lăng
(GDVN) -Dù đó là ý tưởng của một số cá nhân, nhưng suy cho cùng chính là sản phẩm của xã hội, hay nói cách khác xã hội phải chịu trách nhiệm về điều này. 
Vụ thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang sắp sửa khép lại khi mà tới đây hung thủ sẽ bị mang ra xét xử. Nhưng dường như dư chấn kinh hoàng của vụ thảm án vẫn còn đọng lại rất rõ, rất sâu trong xã hội, đặc biệt là đời sống của những người Việt trẻ.

Trong thế giới ảo, khi mà không ít người thể hiện sự căm hận với tội ác tột cùng của Luyện thì cũng có hàng loạt game mới dùng Lê Văn Luyện làm hình ảnh đại diện, trở thành “cảm hứng” cho một loạt các ca khúc, những bài thơ… . 
Gần đây nhất, ở Điện Bàn (Quảng Nam) xuất hiện một nhóm thanh niên mua máy mài tự chế vũ khí là mã tấu và túyp sắt để “hoạt động” và tự xưng là đàn em của Lê Văn Luyện. 

Lê Văn Luyện trở thành “hiện tượng mới” trong thế giới của một bộ phận người Việt trẻ.
Lê Văn Luyện trở thành “hiện tượng mới” trong thế giới của một bộ phận người Việt trẻ.
Nhóm thanh niên tự xưng là em của Lê Văn Luyện ở Điện Bàn, Quảng Nam
Nhóm thanh niên tự xưng là em của Lê Văn Luyện ở Điện Bàn, Quảng Nam

Trong hoàn cảnh đó, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có được nhận được những bình luận và lý giải sắc xảo của nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam) về vấn đề này. 
Người trẻ chấp nhận sự khinh ghét để được nổi tiếng
Nói về “dư chấn” Lê Văn Luyện trong thế giới của bộ phận người Việt trẻ hiện nay, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng: Dư chấn này thể hiện cách hành xử lệch lạc, chống lại những chuẩn mực chung về đạo đức và giá trị sống của cả một xã hội.

Điều này không khó hiểu bởi nhìn chung những người trẻ đều có tâm lý chơi chội, thích gây sự chú ý, thích được nổi tiếng. Do đó, ở mức độ thái quá, một bộ phận không nhỏ sẵn sàng đưa ra những chiêu thức, những “sự sáng tạo” riêng để được “nể phục” cho dù có thể vấp phải sự khinh ghét của xã hội.
Điều đáng nói ở đây là sự “lệch chuẩn” này thông thường chỉ xảy ra ở thế giới ảo (game, thơ, nhạc…), ở phát ngôn hàng ngày theo kiểu “vãi Luyện”, ở cái cách tôn thờ thần tượng,…nhưng nay lại phát triển lên mức “mài gương, sắm giáo”, tôn thờ bạo lực, thích đề cao mình theo hướng độc đáo, dị thường thì đó thực sự là một lời thách thức cộng đồng. Vì lúc này, nó không phải là tâm lý thông thường mà là một thứ bệnh hoạn, một cách sống và suy nghĩ đã bị băng hoại về mặt giá trị.

Ở đây không phải một cá nhân, mà là một nhóm. Có ai chắc rằng, đó là nhóm thanh niên duy nhất sùng bái cái ác, cái xấu (Lê Văn Luyện). Những người tôn sùng Lê Văn Luyện là những người có tâm hồn méo mó, lý tưởng sống lệch lạc. Họ không đi theo những giá trị Chân – Thiện – Mỹ thông thường mà bám vào cái ác, cái xấu, thách thức với giá trị tốt đẹp của cả một xã hội.
Việc tôn thờ cái xấu, tôn thờ giá trị ngoại lai, phản lại những giá trị hiện tồn trong giới trẻ là hiện tượng u nhọt của bất kì xã hội, chế độ nào. Do dó, cuộc chiến giữa cái Thiện và cái Ác, cái Tốt với cái Xấu là cuộc chiến không bao giờ kết thúc. Vấn đề ở chỗ, làm sao để hạn chế được cái xấu, khiến nó không lây lan.
Truyền thông gián tiếp làm cái ác, cái xấu ngày càng phát triển
Lý giả việc vì sao cái Ác, cái Xấu ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của một bộ phận người trẻ nước ta hiện nay, ông Bình cho rằng: Dù đó là ý tưởng, hành động của một số cá nhân, nhưng suy cho cùng chính là sản phẩm của xã hội, hay nói cách khác xã hội phải chịu trách nhiệm về điều này.
Vì nói “trắng” ra là trong xã hội của ta hiện nay giá trị sống tốt đẹp chưa phải giá trị trung tâm, âm hưởng chủ đạo. Đây là điều hiển nhiên và là u nhọt của xã hội đang trong thời kỳ chuyển đổi, với hàng loạt những giá trị bị đứt gãy trong suy nghĩ và hành vi ứng xử của người trẻ.
Ông Bình khẳng định: Muốn tăng cái Đẹp, giảm cái Xấu, cái Ác thì thế hệ trẻ cần được giáo dục ngay trong gia đình. Ở tầm vĩ mô, cần đẩy mạnh việc xây dựng một xã hội lành mạnh, hình thành lối sống tốt đẹp như một áp lực của đời sống cộng đồng. 
Ông nhấn mạnh, truyền thông chính là một trong những nguyên nhân gián tiếp, vô tình làm cho cái Ác, cái Xấu ngày càng phát triển mạnh hơn. Xã hội ta không thiếu những tấm gương tốt để giáo dục, như trường hợp người lái tàu trên chuyến tàu Thống Nhất Bắc Nam đã hi sinh cánh tay của mình để cứu 300 hành khách là một ví dụ điển hình. Hay gần đây nhất là vụ một thai phụ đã không nề hà nguy hiểm để cứu một em nhỏ. Những tấm gương như thế được tuyên truyền ít hơn nhiều so với những thông tin mà người ta thường quen gọi là “Cướp, giết, hiếp” trên báo chí. 
Khi mà giá trị cốt lõi bị đảo lộn, giá trị trung tâm không được tôn thờ thì một bộ phận người trẻ ngày càng quậy phá và “sáng tạo” ra những giá trị lệch lạc là chuyện thường tình.
Thảo Lăng