BHXH Việt Nam triển khai 8 nhóm giải pháp trọng tâm năm 2023

11/01/2023 19:33
Nam Dương
GDVN- Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. 

Ngày 11/01/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 tại điểm cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 63 điểm cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, cùng 629 điểm cầu tại Bảo hiểm xã hội các quận, huyện. Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh - Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị: Tại điểm cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam có đồng chí Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội, cùng các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an Nhân dân. Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có: Giám đốc, Phó Giám đốc, lãnh đạo các phòng trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam các quận, huyện.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo kết quả công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam Việt Nam cho thấy, năm 2022 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là năm Ngành đạt được nhiều thành tích quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt công tác, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, người dân, doanh nghiệp tin tưởng, hài lòng.

Để đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp; đặc biệt là nhờ tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực vượt khó của mỗi công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.

Hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu

Năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam Việt Nam tiếp tục thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 và những thay đổi về chính sách đã ảnh hưởng đến khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế so với thời điểm cuối năm 2021.

Trước tình hình đó, với quan điểm xuyên suốt “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương linh hoạt triển khai nhiều giải pháp như: Tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn; Quyết liệt, linh hoạt thực hiện hiệu quả, tạo dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành; Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân, người lao động, doanh nghiệp theo quy định, nhất là trong bối cảnh khó khăn chịu tác động bởi đại dịch Covid-19- chưa từng có tiền lệ.

Một số kết quả nổi bật như sau:

- Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với khoảng 91,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04%dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021 và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch.

Khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng đồng nghĩa lưới an sinh xã hội được mở rộng, có thêm hàng chục triệu lượt người được thụ hưởng chế độ. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân của Đảng và Nhà nước.

- Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Trong năm 2022 toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam Việt Nam đã giải quyết cho: trên 95,6 nghìn hồ sơ hưởng mới và chi trả kịp thời đến 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội Việt Nam hàng tháng; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 977,6 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; 151,4 triệu lượt người hưởng bảo hiểm y tế; với tổng số tiền chi cho người hưởng lên đến 382 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 61% người hưởng qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTG trước 3 năm.

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế đề xuất và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo kinh phí kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam Việt Nam, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Với sự vào cuộc tích cực đó, nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được tháo gỡ kịp thời. Sự chủ động, quyết liệt của Ngành đã tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng dịch vụ y tế, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có, đẩy mạnh truyền thông sâu rộng để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ (theo đó, đã có 99,3% người nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).

Trong lúc khó khăn, việc chi trả tiền hỗ trợ nhanh gọn, chính xác đến tận tay người hưởng có ý nghĩa quan trọng: Giúp ổn định đời sống người lao động cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

- Công tác truyền thông chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hội, đoàn thể; các cơ quan thông tấn, báo chí triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc.

Qua đó, tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách (đó là tiền đề, là cơ sở để toàn Ngành phát triển được trên 1,4 triệu người (chủ yếu là nông dân, lao động tự do) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hơn 20 triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình); giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; giúp người dân hiểu giá trị, ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để chủ động tham gia lưới an sinh xã hội...

- Công tác cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy được triển khai hiệu quả, đã giảm từ 114 thủ tục, với 335 giờ thực hiện (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục với số giờ thực hiện chỉ còn trên 100 giờ; đồng thời đẩy mạnh giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, 100% dịch vụ công của Ngành được thực hiện ở mức độ 4; người dân có thể tương tác với cơ quan bảo hiểm xã hội ở nhiều kênh khác nhau như: Tổng đài hỗ trợ, Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của Ngành…

Trong năm đã có khoảng 18,3 triệu lượt người tương tác, tiếp cận với các thông tin về chính sách. Về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, toàn Ngành đã quyết liệt triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, tại Trung ương đã cắt giảm 03 đơn vị cấp Vụ, 13 đơn vị cấp phòng; tại 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đã cắt giảm 65 đơn vị cấp phòng, 64 Bảo hiểm xã hội cấp huyện. Sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã giảm 450 các chức danh lãnh đạo, quản lý trong toàn Ngành ở cả 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện và giảm 2.185 biên chế.

- Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Ngành tiếp tục được ưu tiên tập trung triển khai đồng bộ và có bước phát triển vượt bậc, góp phần đổi mới phương thức hoạt động của Ngành, xây dựng thành công Chính phủ số; phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Hiện kho cơ sở dữ liệu của Ngành đã có thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh; tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến trên Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành địa phương… Hoàn thiện, bổ sung ứng dụng "VssID- Bảo hiểm xã hội số", đến ngày 31/12/2022, toàn quốc có trên 28 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng.

Thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Ngành đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay đã có trên 12 nghìn cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (chiếm 93,8% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế).

Việc thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa”; tích hợp các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai và mang lại những kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người tham gia.

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng. Trong đó, chỉ qua thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị, số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.298 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỷ đồng (bằng 93%), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi chỉ chiếm 2,91% số phải thu - đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 là 6%). Những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi số tiền chậm đóng đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.

- Tiếp nối truyền thống "Thương người như thể thương thân", Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát động “Chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên toàn quốc. Kết quả, đã trao tặng trên 16 nghìn sổ bảo hiểm xã hội và trên 124 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho 140 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

Năm 2023, triển khai 8 giải pháp trọng tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã trình bày một số tham luận, chia sẻ về những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc còn gặp trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nhất là những vướng mắc về cơ chế, chính sách; khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động trong sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị cũng xác định, năm 2023, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo an sinh xã hội của Ngành.

Bối cảnh đó đặt ra những đòi hỏi phải đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là việc ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận và biểu dương tập thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích đáng ghi nhận nêu trên, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thực tiễn đòi hỏi toàn Ngành phải tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động, đặc biệt là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Phan Văn Mến trình bày tham luận tại hội nghị

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Phan Văn Mến trình bày tham luận tại hội nghị

Theo đó, với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Linh hoạt - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”, Tổng Giám đốc yêu cầu toàn Ngành, trong năm 2023 tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong toàn Ngành.

Thứ hai, nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ tư, đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đảm bảo giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tập trung đôn đốc thu, giảm nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ sáu, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Thứ bảy, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Ngành. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với các Bộ ngành; tiếp tục kết nối, liên thông hiệu quả các cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm; ...

Thứ tám, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Nam Dương