Giao bài tập Tết như thế nào để học sinh, phụ huynh và giáo viên đều hào hứng?

16/01/2023 06:45
Anh Trang
GDVN-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B cho rằng, giáo viên không nên giao bài tập theo kiểu truyền thống cho học sinh.

Trong những năm qua, bài tập Tết như một phương tiện để giáo viên duy trì nhịp học tập của học sinh, tránh việc các em quên kiến thức trong kỷ nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi về việc nên hay không nên giao bài tập Tết cho học sinh, nếu giao thì như thế nào cho hợp lý.

Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nên theo thầy giáo Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), giáo viên không nên giao bài tập theo kiểu truyền thống cho học sinh.

“Nếu giáo viên cứng nhắc giao bài theo dạng yêu cầu học sinh giải đề, in tập đề rồi phát cho từng học sinh làm trong khoảng thời gian 1-2 tuần nghỉ Tết thì sẽ tạo áp lực, làm các em không thể tận hưởng một mùa Tết ý nghĩa và trọn vẹn.

Thông thường, trong khoảng thời gian nghỉ Tết, số lượng bài tập giáo viên giao khá nhiều. Sau Tết, thầy cô sẽ phải dành thời gian để chữa, giải đề. Nhiều thầy cô không có thời gian chữa hết bài vì phải dạy bài mới; còn nếu chữa hết, dồn dập thì học sinh khó mà tiếp thu hết được”, thầy Đào Chí Mạnh nêu quan điểm.

Thầy giáo Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B. Ảnh: NVCC

Tết là khoảng thời gian hiệu quả để giáo dục học sinh thông qua trải nghiệm, đặc biệt là học sinh tiểu học, giúp các em thể hiện và nâng cao năng lực tư duy, ứng xử, phẩm chất. Vì vậy, không giao các bài tập truyền thống nhưng giáo viên có để gợi ý các nhiệm vụ học sinh cần làm trong những ngày nghỉ Tết.

Riêng đối với Trường Tiểu học Hội Hợp B, thầy Đào Chí Mạnh đã sớm yêu cầu các khối trưởng, tổ trưởng lên kế hoạch nhiệm vụ giao cho học sinh dịp nghỉ Tết. Sau khi hoàn thành sẽ qua ban giám hiệu duyệt.

“Giáo viên lập danh sách, trong đó liệt kê một số nhiệm vụ học sinh có thể làm vào dịp Tết. Từ đó, học sinh sẽ lựa chọn tùy vào sở thích, năng lực và điều kiện của các em. Tất nhiên, ban giám hiệu sẽ tôn trọng sự sáng tạo của thầy cô nhưng bên cạnh đó cũng sẽ có những góp ý phù hợp”, thầy Đào Chí Mạnh nói.

Cụ thể, giáo viên sẽ chia khoảng thời gian nghỉ Tết làm hai giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn sẽ có những nhiệm vụ khác nhau.

Giai đoạn một, từ lúc bắt đầu nghỉ Tết đến ngày 30 Tết, giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho học sinh kể về công tác chuẩn bị đón Tết của gia đình như mua sắm đồ Tết, dọn dẹp và trang trí nhà cửa, miêu tả hoạt động gói bánh chưng.

Giai đoạn hai, trong những ngày Tết, nhiệm vụ của học sinh có thể là kể về những hoạt động trong 3 ngày Tết của mình; ghi lại những video chúc Tết ông bà, người thân hoặc nêu cảm xúc, mong muốn của bản thân khi bước sang năm mới.

“Với dạng bài giao nhiệm vụ này, tôi thường khuyến khích học sinh thực hiện bằng hình thức viết hoặc quay lại những video, clip trình bày. Việc này vừa nâng cao kiến thức về Tiếng Việt vừa nâng cao kỹ năng thuyết trình, giúp các em tự tin, sáng tạo hơn. Tùy vào năng lực, điều kiện, học sinh có thể thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Để học sinh có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, giáo viên cần tuyên truyền, thông báo, phổ biến tới phụ huynh. Với các học sinh có các video, clip có thể gửi trực tiếp vào nhóm Zalo của lớp để tạo động lực cho những em còn lại.

Sau Tết, giáo viên có trách nhiệm lựa chọn những sản phẩm xuất sắc nhất để đăng trên trang thông tin của nhà trường. Trong buổi gặp mặt đầu năm, nhà trường sẽ tuyên dương, lì xì cho các em học sinh này”, thầy Đào Chí Mạnh nói.

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong số ít các tỉnh/thành ra văn bản yêu cầu các trường không được giao bài tập trong thời gian nghỉ Tết.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trực - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết. Do đó, các nhà trường, thầy cô giáo cần tạo điều kiện để học sinh có khoảng thời gian nghỉ Tết thực sự, sum họp bên gia đình, vui chơi, đảm bảo sức khỏe.

“Hiện nay, học sinh tiểu học đều học 2 buổi/ngày nên trường học dễ dàng tăng cường, củng cố kiến thức cho học sinh khi các em đi học trở lại. Bên cạnh đó, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, triển khai dạy học trực tuyến nên công nghệ thông tin rất phát triển. Vì vậy, hai ngày trước khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, giáo viên có thể phối hợp với phụ huynh dặn dò, cùng con ôn lại kiến thức trong sách giáo khoa, chuẩn bị kỹ bài trước khi đến lớp sau thời gian nghỉ Tết.

Còn đối với lớp 12, đây cũng là khoảng thời gian các em có thể tận dụng để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Giáo viên không giao bài nhưng cần khuyến khích, tạo điều kiện để em nào có nhu cầu sẽ có tài liệu ôn tập", ông Nguyễn Văn Trực nói.

Mặc dù đã có văn bản của Sở nhưng các Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng quán triệt hiệu trưởng rõ ràng để tạo sự thống nhất trong việc hướng dẫn học sinh nghỉ Tết.

Anh Trang