Trưởng phòng GD huyện Sông Mã nêu kiến nghị trong triển khai CTGDPT 2018

03/02/2023 06:33
Lại Cường
GDVN- Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng GD&ĐT Sông Mã đề nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch đào tạo, đặt hàng đào tạo giáo viên

Năm học 2020-2021, ngành giáo dục bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lớp 1, đến năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai ở các khối: lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả. [1]

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng miền núi còn khó khăn thì quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp không ít thách thức.

Để tìm hiểu khó khăn từ thực tế địa phương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Viên - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa trưởng phòng, tính đến hết kỳ 1 năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục ở Sông Mã có gặp khó khăn gì về cơ sở vật chất, giáo viên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không?

Ông Nguyễn Công Viên: Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tập trung đầu tư xây dựng các phòng học thay thế các phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp; sửa chữa, xây dựng bổ sung các phòng học còn thiếu; bổ sung các phòng học bộ môn, phòng chức năng phục vụ học tập; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học các cấp theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa; mua sắm bổ sung thiết bị cho các phòng học bộ môn; mua sắm, bổ sung thiết bị dạy và học Ngoại ngữ, Tin học...

Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng bổ sung giáo viên còn thiếu đáp ứng công tác dạy và học.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La dạy học Tiếng Anh trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn - Ảnh: vov.vn

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La dạy học Tiếng Anh trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn - Ảnh: vov.vn

Tuy nhiên, do mạng lưới trường, lớp, số lượng điểm trường trên địa bàn huyện lớn, nhiều điểm trường cách xa trung tâm, trong khi nguồn lực còn hạn chế nên ngành Giáo dục và Đào tạo ở Sông Mã gặp không ít khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như:

Số phòng học tạm vẫn còn 47 phòng; vẫn thiếu các phòng học bộ môn theo quy định của Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT, như phòng: Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Đa chức năng, Khoa học xã hội (sử dụng chung cho các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí)...;

Ở một số trường, trang thiết bị hiện có đã hư hỏng nhiều, một số phòng học bộ môn còn thiếu máy tính, Smart TV phục vụ giảng dạy; một số phòng học tại các điểm trường vùng đặc biệt khó khăn được xây dựng khá lâu đã xuống cấp; một số điểm trường quỹ đất còn hạn chế,…

Về đội ngũ, số lượng giáo viên còn thiếu so với biên chế tỉnh giao gây khó khăn cho công tác dạy và học (bậc mầm non thiếu 51 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 19 giáo viên; bậc trung học cơ sở thiếu 25 giáo viên). Đặc biệt, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn đặc thù đang thiếu giáo viên cục bộ như: Tin học, Tiếng Anh; Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Nguồn tuyển dụng các giáo viên này khan hiếm, hoặc nếu có ứng viên thi tuyển thì chất lượng ứng viên lại chưa đảm bảo yêu cầu.

Phóng viên: Với các lớp học vùng cao được xây dựng trước năm 2018, có đáp ứng yêu cầu về diện tích theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; và Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông không, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Viên: Với diện tích lớp học vùng cao được đầu tư xây dựng trước 2018, phần lớn đáp ứng đủ yêu cầu theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT, còn lại với những phòng chưa đáp ứng yêu cầu, Phòng Giáo dục và Đào tạo có sự chỉ đạo khắc phục.

Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã yêu cầu các đơn vị trường học rà soát. Đối với những phòng học chưa đảm bảo diện tích theo quy định tại các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ bố trí số lượng học sinh phù hợp, từ 20 đến 25 học sinh (ít hơn số học sinh được quy định tối đa trong một lớp theo Điều lệ trường tiểu học - tối đa 35 học sinh và Điều lệ trường trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học - tối đa 45 học sinh/lớp);

Các lớp này trang bị đầy đủ: bàn, ghế đúng quy cách, đủ chỗ ngồi cho học sinh; bàn, ghế giáo viên; bảng lớp; hệ thống đèn và hệ thống quạt; hệ thống tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học khoa học, phù hợp...

Phòng cũng đề nghị và tiến hành xây mới, thay thế hoặc sửa chữa những phòng học đã xuống cấp.

Chỉ đạo các đơn vị trường học rà soát, dồn học sinh từ các điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm để học bán trú, tạo môi trường học tập, sinh hoạt tốt nhất cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Đứa Mòn, huyện Sông Mã tham gia lao động, cải tạo cơ sở vật chất nhà trường. Ảnh: Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã

Học sinh Trường Tiểu học Đứa Mòn, huyện Sông Mã tham gia lao động, cải tạo cơ sở vật chất nhà trường. Ảnh: Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã

Phóng viên: Vậy còn bài toán thiếu giáo viên, đến nay ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Viên: Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện trong những năm gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện thực hiện các giải pháp như:

Chỉ đạo các đơn vị trường học thường xuyên rà soát, báo cáo số lượng giáo viên còn thiếu so với biên chế tỉnh giao và nhu cầu thực tế của đơn vị từ đó chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành tuyển dụng giáo viên còn thiếu (2 lần/năm).

Cử đội ngũ giáo viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo văn bằng 2, bồi dưỡng cấp chứng chỉ giảng dạy các môn học mới đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật, Tin học và Công Nghệ.

Đối với việc giảng dạy tiếng Anh, Tin học lớp 3, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện xây dựng phương án và ban hành quyết định giao thêm nhiệm vụ cho giáo viên tiếng Anh, Tin học bậc trung học cơ sở xuống dạy bậc tiểu học trên cùng địa bàn xã.

Phóng viên: Thưa ông, ngành giáo dục địa phương có kiến nghị gì để khắc phục khó khăn nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Ông Nguyễn Công Viên: Từ thực tế địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.

Bên cạnh đó, cũng mong các cấp có thẩm quyền tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên, đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ nhằm chủ động chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Hợp tác với các trường đại học sư phạm có uy tín thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt ưu tiên đối với các chuyên ngành đang thiếu nguồn tuyển giáo viên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đến hết học kỳ 1, năm học 2022 - 2023 toàn huyện Sông Mã có có 53 đơn vị trường học trực thuộc (trong đó: mầm non: 19 trường; tiểu học: 15; tiểu học và trung học cơ sở: 07; trung học cơ sở: 12) và 04 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Toàn huyện có 1.447 lớp, nhóm lớp, với 44.430 học sinh (bậc mầm non: 447 nhóm lớp, với 12.153 cháu; bậc tiểu học: 709 lớp, với 20.108 học sinh; bậc trung học cơ sở: 291 lớp, với 12.169 học sinh); 100% xã, thị trấn có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Tổng số người làm việc tại các đơn vị trường học tính đến thời điểm tháng 12/2022 là 2.204 người. Trong đó: bậc mầm non có số người làm việc: 637 người (cán bộ quản lý: 49 người; giáo viên: 544; nhân viên: 44); bậc tiểu học có số người làm việc: 941 người (cán bộ quản lý: 52 người; giáo viên: 864; nhân viên: 25); bậc trung học cơ sở có số người làm việc: 626 người (cán bộ quản lý: 49 người; giáo viên: 524; nhân viên: 53).

Đến hết học kỳ 1, năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 1.592 phòng học. Trong đó: phòng học kiên cố: 1.012 phòng (chiếm 63,6%); bán kiên cố: 533 phòng (chiếm 33,5%); phòng học tạm: 47 phòng (chiếm 2,9%).

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8330

Lại Cường