Năm mới, mong Bộ giải quyết dứt điểm bất cập thăng hạng CDNN và mẫu giáo án 5512

27/01/2023 06:38
Cao Nguyên
GDVN- Mong Bộ Giáo dục lắng nghe tiếng nói của giáo viên về những bất cập của mẫu giáo án 5512, thăng hạng chức danh nghề nghiệp và dạy học môn "tích hợp".

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (quy định mẫu kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV), chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (thăng hạng chức danh nghề nghiệp) và việc triển khai dạy học các môn tích hợp (bậc trung học cơ sở) khiến giáo viên các bậc học "than" vì nhiều có quá nhiều bất cập.

Giáo viên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh các điểm bất cập của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, nhanh chóng ban hành Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và xem xét lại các môn "tích hợp".

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án) dài dòng vô bổ

Việc soạn giáo án theo phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH yêu cầu xác định năng lực, phẩm chất chung và đặc thù theo từng môn học.

Mỗi tiết học phải soạn thành 4 hoạt động: 1. Xác định vấn đề; 2. Hình thành kiến thức mới; 3. Luyện tập; 4. Vận dụng.

Mỗi hoạt động phải thể hiện đầy đủ: mục tiêu, nội dung, sản phẩm và tổ chức thực hiện. Vì vậy, giáo án của một tiết dạy (45 phút) dài hàng chục trang giấy. Giáo viên vừa mất công soạn vừa tốn tiền in và hiệu quả dạy học chẳng thấy đâu.

Người viết đề xuất mẫu giáo án như sau: I. Mục tiêu (yêu cầu cần đạt; năng lực; phẩm chất); II. Thiết bị dạy học và học liệu; III. Tiến trình dạy học (giáo viên chuyển giao nhiệm vụ học tập; học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập); IV. Củng cố; V. Dặn dò.

Nếu soạn giáo án theo mẫu này, một tiết học giáo viên chỉ cần soạn một vài trang giấy, tùy theo kinh nghiệm giảng dạy của mỗi người.

Giáo viên thực hiện nhiệm vụ giống nhau, thăng hạng là vô lí

Có thể liệt kê một số bất cập về quy định thăng hạng của giáo viên các bậc như sau (*):

1. Giáo viên mầm non đã được bổ nhiệm vào các hạng theo Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BDGĐT-BNV nay chuyển hạng theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT.

Hạng IV cũ (Mã số V.07.02.06) sang hạng III mới (Mã số V.07.02.26): Không chuyển hạng, giữ nguyên hạng cũ cho đến khi nghỉ hưu nếu chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên và không thuộc đối tượng phải đi học để nâng chuẩn đạo tạo. (Khoản 1 Điều 9 Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT).

2. Giáo viên tiểu học đã được bổ nhiệm vào các hạng theo Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BDGĐT-BNV nay chuyển hạng theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT.

Hạng IV cũ (mã số V.07.03.09) sang hạng hạng III mới (mã số V.07.03.29): Không chuyển hạng, giữ nguyên hạng cũ cho đến khi nghỉ hưu nếu chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Hạng III cũ (mã số V.07.03.08) sang hạng III mới (mã số V.07.03.29): Không chuyển hạng, giữ nguyên hạng cũ cho đến khi nghỉ hưu nếu chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

3. Giáo viên trung học cơ sở đã được bổ nhiệm vào các hạng theo Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BDGĐT-BNV nay chuyển hạng theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Hạng III (mã số V.07.04.12 cũ sang hạng III mới (mã số V.07.04.32): Không chuyển hạng, giữ nguyên hạng cũ cho đến khi nghỉ hưu nếu chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

4. Giáo viên trung học phổ thông đã được bổ nhiệm vào các hạng theo Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BDGĐT-BNV nay chuyển hạng theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT.

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Giáo viên có chứng chỉ chưa chắc dạy được môn “tích hợp”

Với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT, trong đó quy định giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học phải bắt buộc bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Thực tế, số giáo viên đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý rất ít. Vì đào tạo cấp tốc nên nhiều giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn tích hợp - cho dù thầy cô đã có chứng chỉ “tích hợp”.

Thực tế đào tạo cho thấy, chương trình bồi dưỡng giáo viên “tích hợp” khó cung cấp đủ kiến thức, kĩ năng cho giáo viên đơn môn.

Theo phản ánh của giáo viên, việc tập huấn sách giáo khoa lớp 6 và lớp 7 mà các nhà xuất bản triển khai vừa qua chỉ có một vài ngày học online (trực tuyến) nên nhiều thầy cô cảm thấy còn mơ hồ, mông lung khi đối mặt với nhiều kiến thức mới.

Thế nhưng, nhiều địa phương đã vội vàng yêu cầu giáo viên đơn môn tự học, tự nghiên cứu, rồi phân công thầy cô dạy “tích hợp”.

Chương trình mới đã và đang thực hiện ở lớp 6 và lớp 7, điều đó có nghĩa là không ít cơ sở giáo dục phân công chuyên môn cho giáo viên chưa đúng quy định – theo kiểu “chữa cháy”, vì thiếu nhân sự. Kéo theo việc giảng dạy của giáo viên bộ môn cũng khó đảm bảo chất lượng.

Với lực lượng nhân sự hiện tại- nhất là những giáo viên đã ra trường trên dưới 20 năm thì việc bồi dưỡng thêm kiến thức phân môn khác để dạy cả môn học “tích hợp” như môn Khoa học tự nhiên là nan giải.

Bởi, kiến thức phổ thông thì giáo viên đã bỏ quá lâu, chỉ riêng học lại các khái niệm, công thức, kí hiệu của phân môn khác là cả một quá trình dài.

Thời khóa biểu nhiều trường vắng bóng môn “tích hợp”. Do tình hình thực tế chưa có giáo viên giảng dạy môn “tích hợp” nên môn học này bị “xóa” khỏi thời khóa biểu lớp 6, lớp 7.

Để thuận tiện cho việc tổ chức dạy học, một số cơ sở giáo dục đã “xóa” môn tích hợp ra khỏi thời khóa biểu lớp 6, lớp 7 khi phân công chuyên môn giáo viên.

Các môn “tích hợp” đã bị “xóa”, thay vào đó là các môn học truyền thống: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Môn Nghệ thuật cũng do 2 giáo viên là Âm nhạc và Mỹ thuật dạy.

Thực tế, các kiến thức trình bày trong các sách giáo khoa chỉ mang tính “ghép môn” là chủ yếu, tính “tích hợp” rất ít.

Vậy nên, việc phân công giáo viên dạy theo từng môn học có ưu điểm rõ ràng: kiến thức bộ môn của giáo viên vững vàng, chất lượng giảng dạy sẽ tốt hơn so với khi dạy môn “tích hợp”.

Ngoài ra, học sinh học theo môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý sẽ có thuận lợi khi lên bậc trung học phổ thông. Các em biết rõ từng môn học, thế mạnh của mình để chọn các môn tự chọn cho phù hợp.

Điều này sẽ giảm thiểu việc học sinh lớp 10 sau khi học xong một thời gian mới biết mình chọn… nhầm môn, việc chuyển đổi sẽ rất khó khăn. Và thực tế việc học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn cho thấy cần phải xem xét và để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người học.

Tài liệu tham khảo:

(*) https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/34604/huong-dan-chuyen-hang-giao-vien-tu-cu-sang-moi-tu-20-3-2021

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên