Đầu năm, lãnh đạo Sở Giáo dục Đắk Nông mong điều gì?

23/01/2023 06:34
Khánh An
GDVN- Dù là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước với khoảng 31% là đồng bào DTTS, Đắk Nông vẫn đang nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Giải quyết bài toán thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị học tập và nâng cao chất lượng giáo dục cho các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số luôn là mục tiêu mà tỉnh Đắk Nông hướng đến để phát triển giáo dục của địa phương.

Nhân dịp đầu năm mới Quý Mão 2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông về những thành tựu nổi bật mà tỉnh đã đạt được năm vừa qua cùng những kỳ vọng, mong muốn cho ngành giáo dục địa phương trong năm mới.

Phóng viên: Năm 2022 là một năm có nhiều đổi mới trong giáo dục và đào tạo trên cả nước, xin ông cho biết một số kết quả nổi bật mà ngành giáo dục tỉnh đã đạt được trong năm qua?

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông: Năm học 2022-2023 là năm thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây là năm học tiếp tục triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục mới ở cả 3 cấp học: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Mặc dù diễn ra trong bối cảnh cả nước cũng như tỉnh Đắk Nông đang trên tiến trình phục hồi bền vững và thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, song với sự nỗ lực, sự tâm huyết của toàn thể đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, ngành giáo dục Đắk Nông đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, ngành đã tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo". Quy mô giáo dục phát triển ổn định, chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao, kỷ cương, nền nếp dạy học được giữ vững; cơ bản triển khai có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình.

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông).

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông).

Thứ hai, mặc dù hiện nay biên chế giáo viên còn thiếu, nhất là ở bậc học mầm non và tiểu học, song ngành cũng đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền các cấp; phối hợp chặt với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có các giải pháp bố trí, sắp xếp đội ngũ, cơ bản giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên trên địa bàn, đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục nói chung và việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới nói riêng.

Thứ ba, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh và phương pháp dạy học được đổi mới mạnh mẽ. Công tác giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh đã được các trường đặc biệt quan tâm. Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn tỉnh nói chung và ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng được đẩy mạnh; công bằng xã hội trong giáo dục được bảo đảm tốt hơn, đặc biệt là các chính sách cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác giáo dục mũi nhọn cũng được ngành đặc biệt chú trọng đầu tư. Năm học 2021-2022, mặc dù điều kiện còn hết sức khó khăn do tình hình dịch Covid 19 gây ra, song với những nỗ lực và quyết tâm cao, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, Đắk Nông vinh dự có 18 em đạt học sinh giỏi Quốc gia (trong đó có 01 em đạt giải Ba và 17 em đạt giải Khuyến khích).

Thứ tư, trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được xây dựng theo lộ trình. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ của tỉnh được duy trì và nâng cao. Các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng được củng cố và phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho người dân tiếp tục tham gia học tập nâng cao trình độ.

Thứ năm, các cuộc vận động và các phong trào thi đua được ngành giáo dục Đắk Nông triển khai sâu rộng, đặc biệt là phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị trong đội ngũ nhà giáo. Vai trò của từng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên được khẳng định và phát huy, là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung của giáo dục, tạo được niềm tin đối với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và của cộng đồng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, xin ông chia sẻ những khó khăn, thách thức mà giáo dục tỉnh Đắk Nông đã gặp phải năm vừa qua?

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông: Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông với thay đổi lớn nhất là việc tăng cường dạy học các môn lựa chọn, giảm số môn học bắt buộc.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở cấp trung học phổ thông, theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn, học sinh bắt buộc phải chọn 4/9 môn đó (gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 được lựa chọn môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) để học tập.

Tuy nhiên, thực tế tại Đắk Nông, hầu hết các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh chưa có giáo viên để giảng dạy môn nghệ thuật nên rất ít trường đưa môn này vào nhóm các môn học sinh được phép lựa chọn.

Mặt khác, ở cấp tiểu học, việc giáo viên dạy môn Tin học của tỉnh cũng còn thiếu nhiều, việc tuyển dụng giáo viên dạy Tin học, tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn do không có giáo viên để tuyển dù có chỉ tiêu biên chế; những ưu đãi về chế độ chính sách không đủ để thu hút lực lượng giáo viên tham gia vào công tác giảng dạy; không có giáo viên đủ điều kiện về trình độ đào tạo – tốt nghiệp đại học theo quy định của Luật giáo dục 2019.

Trong khi đó, việc thực hiện xã hội hóa để huy động sự đóng góp của xã hội gặp khó khăn do năm học 2022-2023 môn Tin học và tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với lớp 3 nên nhà nước phải đảm bảo điều kiện thực hiện. Bên cạnh đó, một số trường có nhiều điểm trường và điểm lẻ cách xa nhau nên gặp khó khăn trong công tác bố trí giáo viên dạy học hai môn học này.

Ngoài ra, công tác phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Kế hoạch số 1094/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đến năm 2025, phấn đấu đạt 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Mục tiêu đặt ra như vậy song học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học lên tiếp trung học phổ thông trong năm học vừa qua vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi số học sinh theo học nghề lại quá ít.

Chất lượng giáo dục nhìn chung chuyển biến còn chậm, mức độ chênh lệch về chất lượng giữa các vùng, giữa các loại hình trường vẫn còn khá lớn, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn; điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp còn thấp so với toàn quốc.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. Nguyên nhân là do ở một số cơ sở giáo dục chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho học sinh; công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh chưa tốt.

Qua những khó khăn, thách thức mà ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đang gặp phải, ông có mong muốn, kỳ vọng gì cho ngành giáo dục địa phương trong năm mới, thưa ông?

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông: Bước vào năm 2023, Đắk Nông cũng như các tỉnh khác trên cả nước đang trên tiến trình phục hồi bền vững và thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh Covid-19. Trước những khăn và thách thức đó, trong năm 2023, tôi mong muốn rằng ngành giáo dục sẽ khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Công tác triển khai nhiệm vụ dạy học, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được triển khai mạnh mẽ ở các cấp học.

Khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông là tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề này, tôi mong muốn Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền các cấp ở địa phương tiếp tục có những cơ chế, chính sách, bổ sung biên chế cho ngành giáo dục để ngành triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Đắk Nông là tỉnh còn nhiều khó khăn, do đó, ngân sách của tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục còn nhiều hạn chế (trang thiết bị vừa thiếu, vừa không đồng bộ; một số thiết bị dạy học được cung cấp chủ yếu từ trước năm 2010 và từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia). Để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục Đắk Nông mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ ưu tiên phân bổ kinh phí, trang thiết bị từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án,… cho ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông.

Trân trọng cảm ơn Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông!

Khánh An