Với tôi, được luân chuyển lên vùng cao giảng dạy là một điều may mắn

29/01/2023 06:39
Phạm Linh
GDVN- Sau những câu chuyện tại xã Kỳ Thượng, phóng viên tiếp tục hành trình tới ngôi trường vùng cao ở xã Đồng Sơn (Quảng Ninh).

Rời Trường Mầm non Kỳ Thượng, phóng viên tiếp tục hành trình tới Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Sơn, ngôi trường vùng cao thuộc thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) để thấu hiểu hơn những khó khăn, vất vả và những câu chuyện “khắc cốt ghi tâm” của những cô giáo khi luân chuyển lên miền núi.

Dù hai xã Kỳ Thượng và Đồng Sơn nằm sát nhau nhưng để di chuyển đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Sơn vẫn cần gần 2 tiếng lái xe do cung đường lên trường đang sửa chữa, nhiều đoạn công trình còn ngổn ngang đất, đá.

Ở đây, phóng viên có cơ hội được gặp gỡ cô giáo Bùi Thị Lệ (sinh năm 1988), tấm gương giáo viên nhiệt huyết “bám bản, bám trường” và cô giáo Vũ Mai Quỳnh cùng câu chuyện luân chuyển lên vùng cao ngay sau khi tân hôn.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Sơn (Ảnh: VP)

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Sơn (Ảnh: VP)

Cô giáo tình nguyện bám bản, bám trường

Tình nguyện viết đơn đăng ký lên vùng cao, năm học 2022 – 2023 là năm thứ 2 cô Bùi Thị Lệ gắn bó với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Sơn.

Trải qua những ngày bỡ ngỡ làm quen môi trường sống ở khu vực xa nhất, khó khăn nhất của thành phố Hạ Long, cô giáo Lệ từng bước mang đến những phương pháp giảng dạy mới, độc đáo khiến những đứa trẻ vùng cao mỗi ngày đều háo hức được gặp “mẹ Lệ”.

Cô giáo Lệ tình nguyện viết đơn đăng ký luân chuyển lên điểm trường vùng cao (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Lệ tình nguyện viết đơn đăng ký luân chuyển lên điểm trường vùng cao (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ cảm xúc khi là một trong những giáo viên thực hiện luân chuyển trong đợt đầu tiên, cô giáo Lệ cho biết: “Trước khi luân chuyển lên đây tôi công tác ở trường Tiểu học Việt Hưng (phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long).

Bản thân là người trong ngành giáo dục, với trách nhiệm của một giáo viên, tôi rất ủng hộ việc giúp học sinh dù ở vùng thuận lợi hay khó khăn cũng có quyền được học tập trong điều kiện tốt, thầy cô tốt.

Theo đó, ngay khi có thông báo đợt luân chuyển, gia đình chính là hậu phương vững chắc động viên tôi viết đơn tình nguyện đi lên vùng cao.

Thời điểm mới chuyển lên, điều tôi băn khoăn, lo lắng nhất là con út mới 3 tuổi, bạn lớn cũng mới học lớp 4.

Xa nhà cả tuần tôi vừa nhớ con lại vừa thương bố mẹ vất vả vì phải chăm sóc cháu nhỏ. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng những ngày đầu tiên gọi về nhà tôi không kìm được nước mắt”.

Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô giáo Bùi Thị Lệ được phân công làm Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 4-5 của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Sơn.

Học sinh gọi cô với cái tên thân mật "mẹ Lệ" (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh gọi cô với cái tên thân mật "mẹ Lệ" (Ảnh: Phạm Linh)

Bằng năng lực và kinh nghiệm của bản thân, mỗi tiết học của cô đều được học sinh yêu thích. Khi nhắc đến “mẹ Lệ”, các bạn nhỏ đều cười rạng rỡ nói :”Em rất yêu quý cô và coi cô như người mẹ thứ hai vậy.

Các tiết dạy của cô chúng em vừa hiểu bài nhanh vừa được chơi nhiều trò chơi và các hoạt động trải nghiệm”.

Khi được phóng viên hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất sau hơn 1 năm luân chuyển lên vùng cao, cô giáo Lệ chia sẻ: “Thời gian đầu chuyển lên đây, tôi rất ấn tượng bởi nỗ lực học tập của em Bàn Thị Hồng Nhung, một học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ em đã ly hôn nên đang sống cùng bà. Được đến trường mỗi ngày đối với Nhung chính là ước mơ xa xỉ nhất.

Mỗi đầu tuần và cuối tuần, do bà đã cao tuổi nên Nhung phải tự đi đến trường. May mắn thì đi nhờ được người trong thôn còn không thì em phải đi bộ quãng được khoảng 5 cây số để đến trường.

Ấy vậy mà dẫu ngày mưa hay ngày nắng, chỉ khi bất đắc dĩ có nước lũ không đi được thì em mới nghỉ ở nhà.

Hoàn cảnh khó khăn nhưng lực học của Nhung rất tốt, luôn ham học hỏi và được cô giáo giao nhiệm vụ làm lớp trưởng”.

Nhìn những học sinh dù nhà cách gần chục cây số vẫn kiên trì đi bộ đến trường, cô giáo Lệ càng quyết tâm nỗ lực hơn nữa (Ảnh: Phạm Linh)

Nhìn những học sinh dù nhà cách gần chục cây số vẫn kiên trì đi bộ đến trường, cô giáo Lệ càng quyết tâm nỗ lực hơn nữa (Ảnh: Phạm Linh)

Không riêng hoàn cảnh của em Nhung, cô còn ấn tượng bởi những bạn học sinh nhỏ mới lớp 1 đã phải xa gia đình học bán trú tuần.

Dù khó khăn, dù phải đi bộ cả tiếng đồng hồ để đến trường nhưng những đứa trẻ nơi đây rất nghị lực và yêu trường học, yêu các thầy cô giáo.

Đây cũng là động lực để cô giáo Lệ kiên trì và nỗ lực nhiều hơn nữa trong hành trình “gieo chữ lên non” của bản thân.

Có thử thách bản thân mới tiến bộ

Luân chuyển lên từ Trường Trung học cơ sở Kim Đồng (trường nằm ở trung tâm của thành phố Uông Bí), cô giáo Vũ Mai Quỳnh (sinh năm 1998) là một trong những giáo viên đặc biệt khi phải rời xa gia đình đi công tác ngay sau khi kết hôn được 2 tháng.

Cô giáo Vũ Mai Quỳnh (sinh năm 1998) luân chuyển lên vùng cao ngay sau khi kết hôn được 2 tháng (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Vũ Mai Quỳnh (sinh năm 1998) luân chuyển lên vùng cao ngay sau khi kết hôn được 2 tháng (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Quỳnh kể lại: “Có tên trong danh sách luân chuyển lên vùng cao, tôi khá bất ngờ vì mới thi đỗ viên chức vào năm ngoái và chưa hết thời gian tập sự.

Theo đó mới có câu chuyện buổi tối có quyết định đi luân chuyển, đến sáng hôm sau đi chụp ảnh cưới và vội vàng chuẩn bị các thủ tục cưới hỏi.

Khi đã chuẩn bị xong xuôi cho đám cưới mà biết trước ngay sau đó phải xa chồng, xa gia đình thực sự lúc ấy tôi khá sốc và buồn. Bố mẹ cùng chồng phải động viên đây có lẽ đây là cơ hội để tôi trưởng thành và học hỏi, nâng cao năng lực của bản thân”.

Cô giáo Quỳnh chia sẻ, chỉ sau một tháng lên vùng cao tôi thấy rằng được luân chuyển là một điều may mắn (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Quỳnh chia sẻ, chỉ sau một tháng lên vùng cao tôi thấy rằng được luân chuyển là một điều may mắn (Ảnh: Phạm Linh)

Sau một tháng luân chuyển lên vùng cao, cô giáo Quỳnh chia sẻ: “Thực sự chỉ sau một tháng lên đây, tôi thấy rằng được luân chuyển là một điều may mắn. Ở đây tôi không chỉ có thêm kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn mà còn có cơ hội làm việc với những đồng nghiệp thân thiện, một gia đình ấm áp luôn quan tâm chia sẻ cùng nhau.

Tôi còn thấy được hình ảnh những em nhỏ chơi trò chơi chuyền, nhảy dây,…những trò chơi ấu thơ mà dần dần học sinh ở miền xuôi đã không còn yêu thích nữa.

Ấm áp hơn nữa khi thấy người anh chỉ hơn em 1 tuổi đã biết cách chăm sóc em, buổi trưa còn xin cô được ngủ cùng để chăm sóc cho em.

Chỉ là những câu chuyện rất giản dị nhưng tôi rất trân trọng và khắc ghi. Tôi đã tự đặt mục tiêu sẽ cống hiến hết mình để truyền thụ kiến thức cho các con.

Mong rằng sau này ra trường các con vẫn nhớ tới mình và sẽ có những cuộc gặp gỡ trong tương lai!”.

Phạm Linh