Hiệu trưởng, hiệu phó có nhất thiết phải tham gia thực hiện thao giảng, dạy mẫu?

07/02/2023 06:38
Khánh An
GDVN- Các chuyên gia cho rằng, sẽ rất tốt nếu hiệu trưởng, hiệu phó thực hiện được việc dạy mẫu, nhưng đó không phải là trách nhiệm bắt buộc của họ.

Theo Công văn 8499/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số tiết quy định của ban giám hiệu cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một quy định nào về tiết thao giảng, dạy mẫu hàng năm với ban giám hiệu.

Do đó, có ý kiến cho rằng cần quy định ban giám hiệu cũng phải dạy thao giảng để đảm bảo công bằng với giáo viên khác vì công tác chuẩn bị thao giảng tốn nhiều thời gian và áp lực. Hơn nữa, thành viên ban giám hiệu là những người đứng đầu nhà trường thì không chỉ làm tốt về công tác quản lý mà còn cần là tấm gương về công tác chuyên môn.

Bày tỏ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Nếu ban giám hiệu có thể thực hiện được thêm việc dạy mẫu thì tất nhiên sẽ tốt hơn bởi sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho nhà trường - khi ban lãnh đạo vừa có uy tín về mặt chuyên môn vừa có uy tín về mặt quản trị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Nếu đặt ra quy định ban giám hiệu phải thao giảng, dạy mẫu thì tôi nghĩ rằng họ cũng làm được thôi. Tuy nhiên, theo tôi thì không nhất thiết là hiệu trưởng, hiệu phó phải là người giảng mẫu cho những giáo viên khác".

Theo thầy Hồng, chúng ta không nên đặt vấn đề công bằng trong việc ban giám hiệu phải dạy thao giảng bởi trước khi làm hiệu trưởng, hiệu phó thì đa phần họ cũng đã có rất nhiều năm làm công tác chuyên môn giảng dạy, là những giáo viên giỏi hoặc cũng có thể là những người quản trị, kết nối giỏi trong nhà trường.

Hơn nữa, hiệu trưởng, hiệu phó cũng dạy ít tiết hơn so với các giáo viên thông thường, vì công việc chính của họ là quản trị nhà trường nên để so sánh và đối chiếu sự công bằng là rất khó.

"Việc thao giảng, dạy mẫu trong nhà trường đã có tổ trưởng của mỗi tổ bộ môn đáp ứng được. Về mặt nguyên tắc, họ phải là những nhà giáo chuyên môn giỏi mới có thể đứng đầu một bộ môn trong nhà trường.

Hiệu trưởng, hiệu phó là cán bộ quản lý trong trường học thì nghiêng về phía quản trị nhiều hơn. Ban giám hiệu của một cơ sở đào tạo nếu chỉ là giáo viên giỏi lên làm quản lý thì chưa chắc đã quản trị, điều hành để tạo ra một môi trường học tập tốt", thầy Hồng nói thêm.

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest nêu ý kiến:

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của ban giám hiệu là phát triển và quản lý nhà trường, do đó, theo tôi, nếu chưa hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng này thì những việc khác là không cần thiết”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Ngọc Ánh).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Ngọc Ánh).

Theo ông Minh, nhiệm vụ của ban giám hiệu là điều hành, định hướng và phát triển nhà trường, những nhiệm vụ quan trọng ấy, giáo viên thông thường không làm được. Đây là trách nhiệm cụ thể, ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng cần phải tập trung vào những nhiệm vụ này để phát triển nhà trường.

Ban giám hiệu đồng thời cũng phải là người có trách nhiệm giải quyết những sự cố trong nhà trường cũng như trao đổi với phụ huynh, học sinh trong những trường hợp cần thiết.

Không những vậy, ban giám hiệu còn là sợi dây kết nối với các cơ quan ban ngành có liên quan như sở giáo dục, phòng giáo dục để thực hiện những chính sách nhà nước ban hành nhằm mục đích phát triển cũng như lựa chọn các định hướng chương trình đào tạo cho nhà trường.

Cũng theo Tiến sĩ Đàm Quang Minh, nhiệm vụ làm bài giảng mẫu cũng có thể là trách nhiệm của hiệu trưởng, hiệu phó nhưng đó không phải trách nhiệm chính yếu quyết định một ban giám hiệu tốt và thành công.

Ví dụ, tại một trường có quy mô nhỏ như ở những khu vực vùng cao, miền núi, công việc quản lý không quá nặng và ít giáo viên thì việc ban giám hiệu bám sát hơn vào chuyên môn cũng như đi dạy mẫu là việc làm cần thiết và hết sức bình thường.

Tuy nhiên, đối với một trường có quy mô lớn, số lượng hàng nghìn học sinh thì việc ban giám hiệu dành nhiều thời gian vào việc dạy mẫu là hết sức lãng phí nguồn lực và thời gian.

Hiệu trưởng, hiệu phó không nhất thiết phải là một giáo viên dạy xuất sắc nhưng phải là một người điều phối, dẫn dắt được nhà trường đến thành công, tức là họ phải là một nhà quản lý giỏi.

“Mọi người thường hay đồng nhất quan niệm: những người chuyên môn giỏi là những người quản lý giỏi nhưng thực tế đã chỉ ra rằng không phải như vậy. Những người giỏi chuyên môn chưa chắc đã quản lý giỏi. Và nếu chúng ta đẩy một người như vậy lên làm quản lý nhà trường thì sẽ vô tình vừa mất cán bộ chuyên môn giỏi vừa phải chịu một nhà quản lý tồi”, ông Minh bày tỏ quan điểm.

Mặt khác, đối với ý kiến cho rằng cán bộ quản lý cũng phải là người có chuyên môn giỏi thì mới đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Minh cho rằng: thường thì ban giám hiệu là những người đã có nhiều năm ở vị trí giáo viên, sau quá trình công tác, thể hiện năng lực họ mới được tin tưởng bổ nhiệm vị trí quản lý nên việc nắm bắt được chương trình đào tạo với họ - không phải chuyện khó.

"Ban giám hiệu là những người chỉ đạo chuyên môn, và chỉ đạo chuyên môn thì khác với thực hiện chuyên môn. Miễn sao họ là người điều phối, phân công được nguồn lực của nhà trường một cách phù hợp để đảm bảo được chất lượng đào tạo cho người học mới là quan trọng", ông Minh nói thêm.

Khánh An