Tính pháp lý của học bạ điện tử chưa rõ, GVCN phải "ba đầu sáu tay"

07/03/2023 06:47
Ánh Dương
(GDVN)-Đến thời điểm này, hầu hết giáo viên các nhà trường phổ thông vẫn phải ghi chép học bạ thủ công khiến công việc thầy cô quá tải.

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định như sau:

"Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học." [1]

Hiện tại, chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính gồm: 1) ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy: lớp học thông minh, lập trình… vào giảng dạy; 2) ứng dụng công nghệ trong quản lý: công cụ vận hành, quản lý; 3) ứng dụng công nghệ trong lớp học: công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất.

Thực tế, thời gian qua ngành giáo dục đã nâng cao năng lực chuyển đổi số và đạt được một số thành tựu như: hầu hết các cơ quan quản lí giáo dục đã triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho giáo dục; các nhà trường phổ thông đã sử dụng phần mềm để quản lý trường học; việc giảng dạy được lồng ghép công nghệ STEAM...

Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Điều này xuất phát từ việc, tính pháp lý của học bạ điện tử chưa có nên hầu hết các nhà trường phải sử dụng học bạ giấy bên cạnh học bạ điện tử.

Đến thời điểm này, hầu hết giáo viên ở các nhà trường phổ thông vẫn phải ghi chép học bạ thủ công khiến công việc thầy cô quá tải. Người viết xin có đôi điều bàn về thực trạng sử dụng học bạ giấy ở các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay.

Mẫu học bạ giấy bậc trung học phổ thông - Chương trình 2006. (Ảnh: Ánh Dương)

Mẫu học bạ giấy bậc trung học phổ thông - Chương trình 2006. (Ảnh: Ánh Dương)

Ví dụ bậc trung học phổ thông, vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 phải ghi thông tin học sinh vào trang bìa 1, bìa 2 và trang ruột học bạ. Ở trang bìa 2 ghi sơ yếu lí lịch học sinh kèm nhiều thông tin; trang ruột tiếp tục ghi họ và tên học sinh, lớp, năm học, ban, các môn học nâng cao.

Sau kì kiểm tra định kì (học kì 1, học kì 2) và kiểm tra lại (trong hè), giáo viên bộ môn bắt đầu ghi học bạ với nhiều công đoạn khác nhau: vào điểm học kì 1; học kì 2; cả năm; vào điểm hoặc xếp loại sau kiểm tra lại (nếu có), kí tên.

Nếu giáo viên bộ môn vào điểm nhầm hoặc sai sót thì phải sửa bằng mực đỏ, có kí xác nhận, đóng dấu vào chỗ sửa chữa. Có khi trang học bạ có đến mấy lỗi sai, giáo viên sửa chữa nhiều gây mất thẩm mỹ và mất cả độ tin cậy.

Nếu trang học bạ sai sót nhiều, bẩn, đương nhiên giáo viên phải thay bằng cuốn mới cho học sinh. Tất cả giáo viên lại ghi chép từ đầu rất mất thời gian, tốn công sức, tâm lí mệt mỏi.

Sau khi hàng chục giáo viên bộ môn vào điểm xong là đến công việc của giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm ghi vào học bạ sửa chữa bao nhiêu chỗ, thuộc môn học nào và là kí xác nhận rõ ràng.

Tiếp theo, giáo viên chủ nhiệm phải ghi các thông tin: xếp loại hạnh kiểm; học lực; chứng chỉ nghề phổ thông đạt loại (nếu có); khen thưởng đặc biệt khác; được lên lớp thẳng hay kiểm tra lại và ghi nhận xét (thường gọi là phê học bạ).

Nếu học sinh bị kiểm tra lại, cho dù kết quả có đạt hay không thì giáo viên chủ nhiệm cũng phải ghi học bạ lần hai. Công việc này giáo viên chủ nhiệm phải hoàn thành sau khi học sinh kiểm tra lại có kết quả trong hè để các em có thể rút học bạ chuyển trường, học nghề...

Tiếp đến, các giáo viên chủ nhiệm tiến hành kiểm tra chéo học bạ các lớp xem có sai sót gì hay không. Thầy cô phải đối chiếu từ sơ yếu lí lịch học sinh (bản khai sinh và học bạ) cho đến điểm số từng môn học, điểm tổng kết, xếp loại học lực, hạnh kiểm... (trong học bạ so với bản chính tổng hợp) rất mất thời gian.

Kiểm tra chéo học bạ xong, giáo viên ghi biên bản để giáo viên bộ môn sửa chữa (nếu có sai sót). Giáo viên nào ghi học bạ sai nhiều lỗi sẽ bị phê bình trong cuộc họp hội đồng sư phạm, thậm chí bị lãnh đạo hạ thi đua cuối năm.

Và công đoạn cuối cùng là hiệu trưởng phê duyệt, kí tên, đóng dấu học bạ. Việc phê duyệt của lãnh đạo cũng rất hình thức, đó là dùng con dấu đóng sẵn dòng chữ "Đồng ý với nhận xét của giáo viên chủ nhiệm".

Nhiều giáo viên, kể cả thầy cô giáo trẻ mới ra trường cũng rất ngại làm công tác chủ nhiệm cũng vì một phần việc số hóa hồ sơ sổ sách chưa được thực hiện đồng bộ. Giáo viên bị hành chính hóa hồ sơ sổ sách vừa mất thời gian vừa gây tâm lí căng thẳng, ảnh hưởng nhiều đến việc dạy học.

Có thể khẳng định, việc triển khai học bạ điện tử đem lại rất nhiều lợi ích, đó là góp phần đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho giáo viên và nâng cao hiệu quả quản lý cho lãnh đạo đơn vị trường học và ngành giáo dục.

Tuy vậy, hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được học bạ điện tử, kể cả một số cơ sở giáo dục phải sử dụng song song cả học bạ điện tử và học bạ giấy gây chồng chéo trong công việc lưu trữ, quản lí, mất nhiều thời gian của đội ngũ thầy cô.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm quy định hành lang pháp lý của học bạ điện tử để các nhà trường phổ thông triển khai đồng bộ trên cả nước trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-749-QD-TTg-2020-phe-duyet-Chuong-trinh-Chuyen-doi-so-quoc-gia-444136.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương