Chưa thể chuyển học bạ điện tử từ hệ thống của Quảng Nam sang Đà Nẵng, vì sao?

11/03/2023 06:40
Kim Ngọc
GDVN- Vì còn thiếu căn cứ pháp lý nên các trường, các tỉnh, hay trường đại học khi tuyển sinh vẫn chưa chấp nhận học bạ điện tử.

Hiện nay, việc triển khai học bạ điện tử chưa được thực hiện đồng bộ nên nhiều trường đại học tuyển sinh vẫn yêu cầu thí sinh nộp bản sao học bạ công chứng khi xét tuyển.

Chưa kể, việc học sinh khi chuyển trường bậc phổ thông giữa các địa phương vẫn bắt buộc phải có học bạ giấy vì chưa thể kết nối học bạ điện tử với nhau. Điều này cũng gây ít nhiều bất tiện trong việc xử lý hồ sơ, thủ tục.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Quang Khôi – Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai hồ sơ điện tử nói chung và học bạ điện tử nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định.

Chưa thể bỏ hoàn toàn học bạ giấy vì còn thiếu căn cứ pháp lý đối với học bạ điện tử. Ảnh minh hoạ: Thuận Phương

Chưa thể bỏ hoàn toàn học bạ giấy vì còn thiếu căn cứ pháp lý đối với học bạ điện tử. Ảnh minh hoạ: Thuận Phương

Tất cả các trường học đều đã có phần mềm quản trị trường học có chức năng quản lý, cập nhật hồ sơ, kết quả học tập của học sinh. Học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, sổ điểm điện tử đều được tích hợp trên phần mềm này.

Việc triển khai hồ sơ điện tử trong trường học được thể hiện qua một số văn bản như Quyết định 131 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030"

Hay trong Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào cũng đề cập đến việc sử dụng hệ thống quản trị trường học cũng như sử dụng hồ sơ, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về quản lý hồ sơ điện tử trong trường học, căn cứ pháp lý ra sao,…

“Các địa phương đều đang triển khai học bạ điện tử, thế nhưng chưa kết nối được toàn hệ thống trên cả nước, cũng chưa có căn cứ pháp lý nên dường như các đơn vị chưa dám chấp nhận học bạ điện tử.

Khi học sinh chuyển trường từ địa phương này đến địa phương kia vẫn phải sử dụng học bạ giấy, ví dụ như chuyển học bạ điện tử từ hệ thống của Quảng Nam sang Đà Nẵng là không thể thực hiện. Trừ khi có hành lang pháp lý quy định thống nhất liên thông hồ sơ điện tử với nhau thì các tỉnh mới có thể thực hiện.

Các cơ sở giáo dục đại học khi tuyển sinh cũng cần học bạ bản sao công chứng là vì lẽ đó”, ông Khôi cho hay.

Cũng theo ông Đỗ Quang Khôi, việc mỗi tỉnh/thành phố sử dụng một phần mềm quản lý khác nhau không phải là vấn đề lớn, vì hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về mặt kỹ thuật, các địa phương đều có thể kết nối với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ.

Vướng mắc lớn nhất cần giải quyết hiện nay là cần có hành lang pháp lý cụ thể áp dụng chung cho toàn quốc, đây sẽ là cơ sở pháp lý để các đơn vị cùng thống nhất trong việc sử dụng học bạ điện tử trong các hoạt động quản lý, tuyển sinh,…

Hiện tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện hồ sơ điện tử (dưới dạng công văn), nhưng chưa khẳng định được tính pháp lý của hồ sơ, học bạ điện tử.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành cơ sở, hành lang pháp lý cho việc sử dụng học bạ điện tử, khi đó mới thể hiện được rõ vai trò của học bạ điện tử trong các hoạt động giáo dục và khi ấy các địa phương sẽ sẵn sàng bỏ học bạ giấy.

“Để học bạ điện tử có tính pháp lý cao thì phải áp dụng được chứng thư số, nghĩa là chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho các cơ sở giáo dục và thủ trưởng các cơ sở giáo dục.

Theo kế hoạch của tỉnh Quảng Nam, trong quý III năm nay sẽ hoàn thành việc cấp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ cho các cơ sở giáo dục và thủ trưởng các cơ sở giáo dục, trước mắt là cho các trường trung học phổ thông. Việc này sẽ thực hiện tuần tự từng bước một, sau đó triển khai trên toàn tỉnh.

Học bạ điện tử được chứng thực bởi chứng thư số - chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và nếu có quy định thống nhất trên toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý, sử dụng hồ sơ điện tử thì mới đảm bảo tính pháp lý cao, khi đó mới được các trường đại học, các đơn vị chấp nhận sử dụng”, ông Đỗ Quang Khôi khẳng định.

Chia sẻ về việc sử dụng học bạ điện tử, một giáo viên dạy học tại một trường trung học cơ sở ở tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trường đã triển khai học bạ điện tử ở khối lớp 6 và khối lớp 7 (hai khối lớp đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018). Đối với khối lớp 8 và khối lớp 9 thì vẫn dùng học bạ giấy.

Với khối lớp 6, 7, cuối kì và cuối năm, giáo viên chỉ cần in kết quả dữ liệu từ máy tính nên rất tiện lợi.

Nếu thực hiện song song học bạ giấy và học bạ điện tử với mỗi khối lớp thì sẽ thêm việc cho giáo viên, vì vừa làm trên hệ thống sau đó lại ghi chép vào sổ học bạ nữa, công việc tăng lên, còn tốn kém về chi phí.

Khi khi sử dụng học bạ điện tử, thầy cô sẽ có thể tiết kiệm được thời gian vì thao tác nhanh hơn so với làm học bạ giấy, cũng không lo phải thay cuốn mới viết lại từ đầu nếu vào nhầm điểm cho học sinh.

Còn với học sinh, dùng học bạ được in ra từ dữ liệu online, điểm số rõ ràng, trình bày “đẹp mắt” hơn so với kiểu học bạ giấy viết tay, học sinh, phụ huynh có thể vào xem điểm, nhận xét của giáo viên rất tiện lợi.

“Tôi kỳ vọng toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ học bạ điện tử và cắt học bạ giấy để giảm tải công việc cho giáo viên. Trên thực tế, được biết đồng nghiệp ở nhiều nơi vẫn dùng song song học bạ giấy và học bạ điện tử, giáo rất vất vả vào cuối năm học”, giáo viên này cho biết thêm.

Kim Ngọc