SV tốt nghiệp xuất sắc chưa mặn mà với môi trường nhà nước, nguyên nhân do đâu?

16/03/2023 06:44
Anh Trang
GDVN-Hiện nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc có mong muốn làm việc tại cơ quan nhà nước thấp vì các em muốn có thêm nhiều cơ hội va chạm, tích lũy kinh nghiệm.

Tại Hội thảo quốc gia chủ đề "Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tri thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới" diễn ra vào cuối tháng 2/2023, Phó giáo sư Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiến hành một cuộc khảo sát với quy mô gần 20.000 sinh viên của đại học này, trong số các sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, chỉ có 10,21% muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước.

Tỷ lệ trên được nhiều người đánh giá là thấp và có ý kiến băn khoăn, tại sao sinh viên giỏi, xuất sắc ít lựa chọn môi trường nhà nước để gắn bó sau khi ra trường?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, chỉ tiêu tuyển dụng biên chế nhà nước hàng năm còn “eo hẹp” nên sinh viên tốt nghiệp nói chung muốn vào môi trường này làm việc là rất khó.

Ngoài ra, môi trường nhà nước trả lương theo bậc, ngạch được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều khi, với mức lương khởi điểm trong môi trường này, người học tốt nghiệp xuất sắc, giỏi mới ra trường dù có cơ chế ưu tiên tuyển dụng thì vẫn khó có thể đáp ứng được nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống, đặc biệt là những người sống ở thành phố vốn có mức chi tiêu sinh hoạt lớn hơn các địa phương khác.

Hơn nữa, cơ hội thăng tiến trong môi trường nhà nước, ngoài năng lực còn xét theo quy trình, thời gian nên dù là người học tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc thì cũng phải cần giai đoạn dài mới có cơ hội để thăng tiến.

Trong khi đó, nhìn vào thực tế có thể thấy, mức thu nhập ở các doanh nghiệp tư nhân thường cao hơn cơ quan nhà nước. Thậm chí, một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc còn có cơ hội để thoả thuận với bên tuyển dụng về mức lương mong muốn, khi cả hai bên đồng ý thì mới bắt đầu làm việc.

Hiện nay, người trẻ mới ra trường thường có tâm lý muốn "thử sức" tại nhiều môi trường khác nhau để trải nghiệm. Chưa kể, một số người học giỏi, xuất sắc có ý tưởng khởi nghiệp, mong muốn trải qua nhiều môi trường công việc để có cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Làm việc ở môi trường tư nhân sẽ đáp ứng được các yêu cầu này một cách thuận lợi hơn.

Đó là một trong những lý do dẫn tới tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc muốn làm việc cho cơ quan nhà nước thấp. Theo Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp nhận định, đây là tình trạng “chảy máu chất xám nội bộ”.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

“Tùy vào mục tiêu theo đuổi của từng cá nhân để lựa chọn những môi trường làm việc phù hợp.

Tuy nhiên, muốn nâng cao năng suất làm việc trong cơ quan nhà nước thì nhân tố quyết định là con người. Con người phải giỏi thì mới có thể tạo ra năng suất lao động cao và sự phát triển bền vững.

Vì vậy, tôi hy vọng, các bộ, ban, ngành sẽ tạo ra bước ngoặt lớn, thay đổi, cải tiến những chính sách, đãi ngộ để thu hút nhiều người tốt nghiệp giỏi, xuất sắc vào làm việc tại cơ quan nhà nước hơn. Cụ thể, cần cân đối chính sách tiền lương để họ an tâm sống bằng nghề của mình; tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển, thăng tiến dựa trên yếu tố cống hiến”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một nói.

Cũng theo Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, trong mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp hàng năm của Trường Đại học Thủ Dầu Một có khoảng 20-25% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Trường đã thành lập Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và Khởi nghiệp, tạo ra các ngày hội việc làm để kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên trong vấn đề tìm được các công việc và môi trường phù hợp sau khi ra trường.

Từng là một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 2022, em Hoàng Thái Hà (23 tuổi) cho hay, hiện tại em đang làm giáo viên, giảng dạy Ngữ văn ở một trung tâm giáo dục tư nhân.

Nói về dự định tương lai, Hà cho biết, trước mắt, môi trường nhà nước chưa nằm trong kế hoạch làm việc của em, nhưng về định hướng lâu dài thì đó là một lựa chọn mà em sẽ quan tâm do tính chất nghề nghiệp.

Theo Hà, những lý do dẫn tới việc có những sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi, xuất sắc như em ít lựa chọn môi trường cơ quan nhà nước để gắn bó ngay sau khi ra trường chủ yếu là vấn đề tiền lương và môi trường làm việc.

“Hiện tại, tiền lương cho những công chức, viên chức nhà nước theo bậc, ngạch,...nên đối với người mới ra trường, mức lương như vậy khá thấp, khó đáp ứng được nhu cầu chi tiêu nếu không làm thêm công việc khác.

Khi có sự so sánh với các doanh nghiệp tư nhân thì tâm lý của một số người học tốt nghiệp có năng lực giỏi, xuất sắc sẽ ít chọn môi trường nhà nước”, Hà nói.

Từ thực tế từng là một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), em Đặng Văn Kiên (23 tuổi) cho biết, em đã bỏ lỡ một đợt xét tuyển công chức/viên chức đối với trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc với lý do không chuẩn bị kịp hồ sơ vì thủ tục cần nhiều giấy tờ. Vì vậy, hiện Kiên đang làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân.

Với chuyên ngành Báo chí và Truyền thông của mình, Kiên cho biết, tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc thôi là chưa đủ, quan trọng là phải tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn và môi trường tư nhân có thể tạo điều kiện giúp em rất nhiều trong việc này.

Một người học giỏi, xuất sắc vừa tốt nghiệp thường mang tâm lý chưa muốn “bó hẹp” mình trong môi trường nhà nước mà muốn làm những công việc năng động, va chạm thực tế nhiều ở các cơ quan, doanh nghiệp tư nhân.

Em Đặng Văn Kiên (23 tuổi). Ảnh: NVCC

Em Đặng Văn Kiên (23 tuổi). Ảnh: NVCC

Ngoài ra, hoàn thiện hồ sơ để vào ứng tuyển vào cơ quan nhà nước làm việc khá mất thời gian, nhiều giấy tờ, đây cũng là lý do khiến một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc “ngại” chuẩn bị.

“Mặc dù hiện nay có chính sách thu hút, ưu tiên tuyển dụng cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc như em, tuy nhiên, để hoàn thiện một bộ hồ sơ mất khá nhiều thời gian mà không phải ai cũng có điều kiện để chuẩn bị kịp trong thời hạn quy định.

Chưa kể, qua vòng nộp hồ sơ, tùy từng công việc, ứng viên có thể sẽ phải làm thêm một bài thi chuyên ngành cũng như phải ôn thi nhiều…Trong khi đó, nếu ứng tuyển vào môi trường tư nhân, sinh viên mới tốt nghiệp đó chỉ cần gửi một bản sơ yếu lý lịch và đi phỏng vấn”, Kiên cho hay.

Vì vậy, Kiên bày tỏ mong muốn, cơ quan nhà nước cần đưa ra những chính sách như tăng hệ số lương, phụ cấp đãi ngộ, cải thiện môi trường công việc,...để thu hút được các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc vào cống hiến.

Hiện nay, việc cập nhật thông tin về những chính sách xét tuyển sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc còn gặp nhiều khó khăn; tài liệu ôn tập để tham gia bài thi chuyên ngành cũng khó để tìm kiếm.

Do vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc dù có mong muốn nhưng lại chưa hiểu rõ về chính sách thu hút, quy trình xét tuyển, nội dung bài thi (nếu có). Kiên hi vọng rằng, các cơ quan nhà nước trong mỗi đợt tuyển dụng sẽ cung cấp nhiều thông tin công khai và phổ biến rộng rãi hơn qua các kênh thông tin đại chúng để người học mới tốt nghiệp có nhu cầu sẽ nắm được.

“Về mặt chuẩn bị hồ sơ vẫn còn nhiều khó khăn, như có trường hợp yêu cầu phải có giải quốc gia ở cấp trung học phổ thông mới đủ điều kiện để làm hồ sơ. Trong khi đó, một số ứng viên đã không còn giữ giấy tờ thời trung học phổ thông mà thủ tục xin cấp lại thì mất nhiều thời gian và công sức.

Vì vậy, em hi vọng rằng có thể xem xét giảm bớt thủ tục, để tạo thuận lợi nhiều hơn cho các sinh viên tốt nghiệp đủ năng lực, có mong muốn làm việc trong cơ quan nhà nước”, Kiên bày tỏ.

Anh Trang