Cảnh giác chiêu lừa “con bị tai nạn”, Đà Nẵng siết an ninh trường học

16/03/2023 06:30
AN NGUYÊN
GDVN- Trước đó đã xuất hiện một số đối tượng giả dạng nhân viên các trung tâm ngoại ngữ để tiếp xúc với phụ huynh, học sinh ngay trước cổng trường học với ý đồ xấu.

Ngày 15/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, trước các thông tin liên quan đến việc “lừa đảo gọi điện thoại thông báo học sinh bị tai nạn để yêu cầu phụ huynh chuyển tiền”, Sở đã tăng cường các giải pháp phòng, tránh đối tượng xấu lừa đảo, đảm bảo an toàn trường học.

Hoang mang khi nhận cuộc gọi “con đang cấp cứu”

Theo phản ánh của anh NĐS. (phụ huynh đang có con đang theo học tại Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng), vào ngày 14/3, anh bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ số: 0769.782.944.

Số điện thoại lạ gọi điện cho phụ huynh để dựng lên màn kịch "con bị tai nạn đi cấp cứu bệnh viện, chuyển tiền gấp". Ảnh: AN

Số điện thoại lạ gọi điện cho phụ huynh để dựng lên màn kịch "con bị tai nạn đi cấp cứu bệnh viện, chuyển tiền gấp". Ảnh: AN

Qua trao đổi, người này báo con của anh S. bị tai nạn té cầu thang, đang đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, người này gửi tin nhắn yêu cầu chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản 0410…, ngân hàng MSB của người tên Nguyen Trung Kien.

Do lo lắng, nên anh S. đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để biết tình hình của con. “Khi gọi điện đến cô giáo thì được biết con tôi vẫn đang học bình thường tại trường, không có vấn đề gì cả. Dù qua báo đài, tôi cũng biết được đang có tình trạng gọi điện thoại lừa đảo nhưng khi họ nhắc đến con mình cũng khiến gia đình lo lắng, bất an”.

Không chỉ anh S. mà nhiều phụ huynh khác có con đang theo học tại Trường tiểu học Phan Đăng Lưu cũng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0769.782.944 thông báo với nội dung như trên. Nhiều phụ huynh lo lắng, hốt hoảng nên lập tức chạy tới trường để tìm con em mình.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho hay, trong hai ngày qua (14 và 15/3) nhà trường đã tiếp nhận phản ánh của hơn nhiều phụ huynh về việc nhận được cuộc gọi lừa báo "con đang đi cấp cứu tại bệnh viện, phải chuyền tiền gấp".

“Các đối tượng này gọi điện cho phụ huynh vào thời điểm buổi trưa, khi các em đang ngủ và chỉ có cô quản sinh bên cạnh, không có mặt giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, nhờ được cảnh báo trước nên không có phụ huynh nào của nhà trường bị lừa đảo”, cô Nguyệt cho hay.

Không để người lạ tự ý vào trường

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phụ huynh các trường học ở thành phố Hồ Chí Minh bị đối tượng xấu giả danh lãnh đạo, giáo viên nhà trường gọi điện thoại báo con bị tai nạn cấp cứu tại bệnh viện và đề nghị chuyển tiền để thực hiện phẫu thuật…

Công văn ngày 15/3 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng yêu cầu các trường học tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh. Ảnh: AN

Công văn ngày 15/3 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng yêu cầu các trường học tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh. Ảnh: AN

Sở đã kịp thời yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương vận dụng các kênh thông tin (SMS, nhóm zalo…) tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh nâng cao cảnh giác để phòng, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo.

“Trong ngày 14 và 15/3/2023, một số trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng đối tượng xấu giả danh lãnh đạo, giáo viên nhà trường gọi điện thoại báo con bị tai nạn cấp cứu tại bệnh viện và đề nghị chuyển tiền để thực hiện phẫu thuật.

Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhiều phụ huynh nhận cuộc gọi của đối tượng xấu đã đề cao cảnh giác, không để bị lừa đảo và kịp thời thông báo số điện thoại gọi lừa đảo đến nhà trường và các cơ quan chức năng”, vị này cho hay.

Trong ngày 15/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng đã ban hành văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học quán triệt thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn trường học, tránh bị lừa đảo.

Cụ thể, Sở yêu cầu các trường vận dụng các kênh thông tin (tin nhắn SMS, nhóm zalo, website nhà trường…) tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh: bình tĩnh, đề cao cảnh giác trong trường hợp nhận được cuộc gọi thông báo về các vấn đề sức khỏe, tình hình học tập… của con em;

Liên hệ ngay cho giáo viên chủ nhiệm hoặc các số điện thoại công khai trên website của nhà trường để xác định tình hình.

Không thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ cuộc gọi chưa xác định được người gọi; thông báo kịp thời số điện thoại gọi lừa đảo cho giáo viên chủ nhiệm, công an, các cơ quan chức năng để phối hợp xử lí.

Lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh để kịp thời tiếp nhận, phối hợp xử lí; tránh trường hợp phụ huynh không liên hệ được nhà trường, giáo viên dễ hoảng loạn và chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ.

Trước tình hình một số đối tượng giả danh nhân viên các trung tâm ngoại ngữ đứng trước cổng trường phát tờ rơi, lấy số điện thoại của phụ huynh với ý đồ xấu, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kì ai khi chưa có yêu cầu của nhà trường và cơ quan chức năng.

Mục đích là để đề phòng đối tượng xấu giả danh lấy thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh để thực hiện các ý đồ xấu (có thể gọi điện báo con bị tai nạn giao thông để yêu cầu chuyển tiền...).

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Sở về việc thường xuyên theo dõi, tăng cường công tác giám sát, quản lí đối với người ra vào nhà trường nhất là thời điểm đầu giờ và giờ tan học;

Không để người ngoài nhà trường tự ý ra vào khuôn viên trường học để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học.

Tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, công an địa phương trong việc đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trước cổng và xung quanh trường học.

AN NGUYÊN