Nhật ký Lớp học Hy vọng:

"Quản ca đặc biệt" của Lớp học Hy vọng

25/11/2011 06:00
Kim Ngân
(GDVN) -" Ở lớp con hay giơ tay phát biểu, giọng con lại to rõ ràng nên thầy cô bảo con là phát thanh viên của lớp. Năm nào, con cũng được học sinh giỏi cô ạ!"

Mặc dù vừa đến lớp vừa truyền, chân không đứng vững, phải có mẹ dìu đến, nhưng “quản ca của lớp” bé Nguyễn Thị Thủy (13 tuổi) mắc căn bệnh Bạch cầu não luôn đến lớp đúng giờ và đầy đủ.

"Quản ca đặc biệt" của Lớp học Hy vọng ảnh 1

Phát thanh viên của lớp

Ngày nào cũng vậy, chưa đến giờ học nhưng cô bé người nhỏ nhắn, dong dỏng cao đã có mặt tại lớp. Tay trái bị kim tiêm đâm truyền nước, đi lại rất khó khăn. Đã hơn một năm nay, Thủy phải nghỉ học vào viện để chữa trị bệnh Bạch cầu não.

Căn bệnh hiểm nghèo này đã “cướp đi” giọng nói của em, những ngày tháng đến trường cùng bạn bè trang lứa. Giọng em run run, khàn khàn cố gắng để bật ra từng chữ tên em và quê em. “Con đang học lớp 7 trường THCS Khánh Sơn 2, Nghệ An. Con học được 2 tuần thì nghỉ học để lên viện chữa trị. Nếu con không bị bệnh thì bây giờ con đã học lớp 8 rồi”.

Nghe đến đây, lòng tôi thắt lại. Em nhìn tôi cười, cười thật tươi như hơn một năm nay em chữa trị căn bệnh này ở bệnh viện Nhi Trung ương. Có lúc ở viện hơn một tháng trời mới về nhà, nhưng Thủy không buồn, không khóc, mà chỉ cố gắng làm mẹ vui.

Mặc dù, cô bé mới vào lớp, gặp thầy cô, bạn bè hoàn toàn xa lạ, nhưng ngay từ buổi đầu, Thủy đã đứng dậy hát và tập đọc tiếng Anh cho cả lớp. Đó là người “học trò đặc biệt” mà các thầy, các bạn ai cũng biết.

Nói chuyện với ai, em cũng cười, Thủy kể lại những ngày tháng đến trường Khánh Sơn 2 của mình: “Ở lớp con hay giơ tay phát biểu, giọng con lại to rõ ràng nên thầy cô bảo con là phát thanh viên của lớp. Năm nào, con cũng được học sinh giỏi cô ạ!”.

Thủy khoe tiếp: “Còn hồi học mẫu giáo, tiểu học con được làm quản ca của lớp vì con hay hát”.

Nhưng đã hơn một năm nay, cô học trò “phát thanh viên” đã không thể giơ tay phát biểu, không còn là “quản ca” của lớp nữa. Đi còn khó, nói phải gắng gượng từng từ một. Mỗi lần đứng dậy phát biểu, người em run run như chực ngã xuống.

Trong lớp học Hy vọng, Thủy là người giơ tay phát biểu nhiều nhất nên cô giáo và các bạn đều biết tên và yêu quý. Về đến phòng em nhờ mẹ treo cặp giúp, tối thỉnh thoảng bỏ ra ôn lại bài hôm nay cô giảng trên lớp, rồi đố mẹ cách chào bằng tiếng Anh rồi dạy mẹ hát bài hát “one and one is two”.

Mẹ của Thủy chia sẻ: “Cháu chăm học lắm cô ạ! Hôm nào không phải truyền, cháu mở sách đọc lại rồi đố mẹ. Lần nào đi học về, cháu cũng kể chuyện trên lớp cho tôi nghe về cô giáo dạy tiếng Anh tên gì, hôm nay học cái gì…”.

Nụ cười khao khát được sống

"Quản ca đặc biệt" của Lớp học Hy vọng ảnh 2

Trên tay trái của em chằng chịt những vết kim tiêm lấy ven sưng lên và tím gần hết bàn tay. Nhiều khi mẹ phải lấy khăn buộc lại cho em đỡ va chạm để đến lớp. Nhưng lần nào hỏi: “Con có đau lắm không? Hôm nay học có mệt không?”, em đều tươi cười, lắc đầu trả lời:

-Không con không mệt cô ạ! Truyền hóa chất không đau, mà chỉ mỏi hết cả người thôi ạ. Con vẫn đến lớp được.

Em chỉ có một ước muốn nhanh khỏi bệnh cho bố mẹ đỡ vất vả, về quê được cắp sách đến trường. “Con thích học môn tiếng Anh vì thấy nhiều từ hay hay. Bị bệnh nên con nói cũng không rõ. Giờ cháu chẳng nhớ gì, nghĩ được gì về những gì cháu được học mấy năm trước nữa”.

Trong lớp mặc dù bằng tuổi vài bạn, nhưng cô bé có vẻ như là người chững chạc nhất. Những lời nói tự nhiên, già dặn khiến tôi không nghĩ em mới có 13 tuổi. “Con thấy vui, các cô giảng rất hay, đến lớp thấy các bạn vui nên con đỡ được phần nào”.

Nói về ước mong lớn nhất của con lúc này, “phát thanh viên” nhỏ bé nhoẻn miệng cười: “Mẹ con mất hơn 100 triệu cho con chữa bệnh rồi. Điều con mong muốn nhất là về nhà con cố gắng học giỏi, ăn uống để mẹ khỏi lo. Con không sợ đau, con chỉ sợ mẹ con khóc và buồn nhiều”.

Ước muốn của em tưởng chừng là nhỏ, nhưng đấy là điều lớn lao nhất đối với em, với hầu hết các hoàn cảnh của các em mắc các bệnh về máu đang hàng ngày hàng giờ giành giật lại sự sống tại bệnh viện Nhi Trung ương.

“Mai con tiếp tục đi học nhé!”, cô bé ấp úng một lúc mới thỏ thẻ: “Con sợ mai con phải truyền không đi được. Nếu xong sớm, con sẽ xuống!”. Nhìn nụ cười, ánh mắt của Thủy, của các em ở đây khiến chúng tôi khó cầm được được mắt. 

Kim Ngân