Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng: “ChatGPT ra đời, dạy và học ngoại ngữ phải thay đổi"

22/03/2023 06:29
Mạnh Đoàn
GDVN- Tiến sĩ, giảng viên Nguyễn Ngọc Hùng nhận định, với ChatGPT ra đời, việc dạy và học ngoại ngữ cần phải có sự thay đổi để thích ứng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng (nguyên Trưởng bộ phận thường trực Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020"), giảng viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đại học, đã có những chia sẻ về tác động của ChatGPT đối với yêu cầu cần thay đổi trong dạy và học ngoại ngữ hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phải thay đổi phương pháp giảng dạy

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta luôn cho rằng giáo dục là để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh nhưng một người cụ thể không bao giờ có đủ kiến thức như ChatGPT - một sản phẩm với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ mang tên trí tuệ nhân tạo.

ChatGPT là sự tổng hợp tất cả những tài liệu số đã in và xuất bản, ChatGPT đã đọc, học, lưu nhớ và có thể vận dụng những dữ liệu này bằng hầu hết các ngôn ngữ.

Đối với người học tiếng Anh, ChatGPT có thể dịch khá chính xác các tài liệu đúng ngữ pháp, cách hành văn tự nhiên và sáng tạo về tất cả các ngành.

Đúc kết từ nhiều năm giảng dạy tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đại học, thầy Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, nếu như trước đây giảng viên giao tiểu luận, bài tập (ngoại ngữ) cho sinh viên, người thầy có thể dễ dàng phát hiện tiểu luận đó có phải do sinh viên tự viết hay không. Bởi thông thường người học sẽ hay mắc lỗi ngữ pháp, cách sử dụng từ, cách diễn đạt. Tuy nhiên, ChatGPT ra đời là một thách thức đối với người dạy, bởi vì bài viết, tiểu luận thậm chí khóa luận do ChatGPT tạo ra đến thời điểm này đã được chỉ ra là có trường hợp rất chuẩn chỉnh.

Với công cụ ChatGPT ra đời, người học có thể học tạo cho mình giáo viên ảo để tự sửa lỗi về phát âm, ngữ pháp, cách dùng từ theo thời gian 24/24 không mệt mỏi.

“Hiện nay, việc sử dụng ChatGPT tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến rộng rãi, khi nó phổ biến, nhiều nơi sẽ có phản ứng khác nhau. Vì vậy, giờ đây người thầy phải thay đổi phương pháp giảng dạy, cũng như giúp người học đổi mới cách học, cách sử dụng công cụ này để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo hơn, nhanh hơn đáp ứng nhu cầu của thế giới việc làm”, thầy Hùng cho hay.

Cần sớm cho sinh viên làm quen với ChatGPT

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng nhận định, hiện nay tại các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành ngoại ngữ có môn dịch thuật. Giảng viên giao bài tập dịch tài liệu tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại, bài tập này là dạng khá truyền thống nhưng không giúp ích nhiều cho người học khi ra trường.

Cần sớm giới thiệu cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để sinh viên có thể đáp ứng ngay được yêu cầu phiên, biên dịch của cơ quan, doanh nghiệp khi ra trường.

Để khai thác tốt ChatGPT và đưa nó vào thực tiễn, các nhà khoa học đang tìm biện pháp dạy cho sinh viên cách đặt câu hỏi, lập trình tư duy cho ChatGPT để nó tạo ra sản phẩm như mong muốn cho người sử dụng.

“Trên thế giới cũng có người lo lắng, thậm chí có nơi cấm dùng ChatGPT, có người còn đưa ra phần mềm để nhận biết được nội dung bài viết có phải do ChatGPT thực hiện hay không, từ đó, giáo viên có cơ sở để cho điểm hoặc không cho điểm.

Tuy nhiên, đấy không phải là cách làm hay, cũng như hiện nay, khi khoa học phát triển, máy móc được đưa vào sản xuất thì người nông dân không dùng trâu và cái cày như xưa nữa”, thầy Hùng chia sẻ.

Sớm định hình việc dạy và học trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” triển khai đến năm 2017 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ bổ sung cho đề án giai đoạn tiếp theo và đã được Chính phủ thông qua đề án chỉnh sửa bổ sung và ban hành quyết định mới cho đề án giai đoạn 2017-2025.

Từng là Trưởng bộ phận thường trực đề án, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng cho hay: Đề án là kế hoạch, mong muốn của Chính phủ nhằm tăng cường năng lực ngoại ngữ cho nguồn nhân lực Việt Nam để hội nhập quốc tế, trước tiên là hội nhập ASEAN.

Muốn làm được điều này thì phải dạy tiếng Anh sớm cho trẻ, với mục tiêu học sinh học hết tiếng Anh từ năm lớp 3 đến năm lớp 12 đạt được trình độ B1. [1]

“Điều đầu tiên để đổi mới và nâng chuẩn tiếng Anh cho học sinh, sinh viên toàn quốc thì đề án phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên, vì vậy việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để giáo viên ý thức được sứ mệnh của mình và đồng hành với đề án là rất quan trọng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, hiện nay trình độ tiếng Anh của đội ngũ giáo viên/giảng viên đã có tiến bộ rất khả quan và điều này đồng nghĩa chất lượng đào tạo học sinh/sinh viên cũng được nâng lên. Việt Nam từ một nước nói tiếng Anh yếu đến nay chúng ta đã đạt mức trung bình khá, vượt qua nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga...[2]

Hiện nay, nhiều học sinh khi tốt nghiệp phổ thông đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để có thể xét tuyển vào đại học hoặc đi du học. Các em đã biết sử dụng công nghệ để phục vụ cho việc học thông qua internet và hiện giờ là ChatGPT.

Thầy Hùng đánh giá, những năm tới đây vai trò của người thầy không còn nặng là việc truyền thụ kiến thức, chúng ta cần phải sớm trao đổi, định hình hoạt động dạy và học trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo này sẽ như thế nào và sản phẩm giáo dục, chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ mới sẽ là gì để bắt kịp tiến bộ của khoa học công nghệ trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dieu-chinh-de-an-ngoai-ngu-2020-va-keo-dai-den-2025-20171229155520734.htm

[2] https://giaoduc.net.vn/nguoi-viet-nam-gioi-tieng-anh-thu-7-tai-chau-a-post172910.gd

Mạnh Đoàn