Dù có sổ điểm, học bạ điện tử, nhà trường vẫn lưu bản giấy để phục vụ kiểm định

25/03/2023 06:50
Nguyên Phương
GDVN- Ở một số địa phương vùng cao, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ phục vụ cho công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, hồ sơ là mục tiêu hướng đến của ngành giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Đặc biệt, việc triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử đang là vấn đề được quan tâm hiện nay bởi lẽ một số địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như thực hiện học bạ điện tử còn nhiều vấn đề nan giải.

Một số điểm trường chưa có mạng internet

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Ngọc Toàn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cho biết, về kết quả triển khai sổ điểm và học bạ điện tử, địa phương đã liên hệ một số đơn vị viễn thông mở lớp tập huấn phần mềm, thống nhất danh mục cần thực hiện để thống nhất trong triển khai cho các trường học.

Tất cả các đơn vị trường học (cấp tiểu học và trung học cơ sở) hiện đã triển khai thực hiện sổ điểm điện tử, học bạ điện tử.

Việc thực hiện quản lý nhập liệu điểm thực hiện theo đúng quy định. Các nhà trường thành lập ban quản trị, xây dựng quy chế sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, đảm bảo việc quản trị, mở hệ thống...

Ảnh minh hoạ: Ngân Chi

Ảnh minh hoạ: Ngân Chi

Huyện Mộc Châu đã triển khai học bạ điện tử, thực hiện nhập điểm kiểm tra định kỳ trên phần mềm, thực hiện in ấn cuối năm thành hồ sơ học sinh. Hiện các đơn vị trường học đang sử dụng phần mềm Vnedu, Smas trong quản lý hồ sơ giảng dạy, học bạ điện tử, bảng điểm.

Ngoài ra, đối với các hồ sơ khác, 100% giáo viên đã thực hiện nghiêm túc việc sử dụng hồ sơ điện tử trong việc lưu trữ kế hoạch giảng dạy, kế hoạch báo giảng và các loại hồ sơ khác của các khối lớp, của tổ chuyên môn.

Các đơn vị trường học đã triển khai tới các tổ nhóm chuyên môn, các giáo viên thực hiện soạn bài và nhập vào hệ thống quản lý hồ sơ điện tử của nhà trường, các đồng chí tổ trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng các đơn vị thực hiện kiểm duyệt giáo án của giáo viên.

Các nhà trường đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để trong giảng dạy như sử dụng giáo án điện tử, khai thác các tài liệu giáo dục trên học liệu số …đã sử dụng các phần mềm quản lý học sinh.

Dù vậy, việc triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử tại địa phương này vẫn gặp phải một số khó khăn do đặc thù vùng cao.

“Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ phục vụ cho công tác chuyển đổi số của các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Mạng internet ở một số điểm trường không có nên buộc giáo viên phải di chuyển đến điểm có mạng để cập nhật hồ sơ lên hệ thống.

Thậm chí, một số đơn vị vẫn đang sử dụng đồng thời dịch vụ của cả 2 nhà mạng.

Thêm một vấn đề khó khăn ở huyện Mộc Châu là đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu ở các cấp học, đặc biệt là giáo viên môn Tin học, Ngoại ngữ. Một số giáo viên lớn tuổi, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, năng lực sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin còn yếu. Đây cũng chính là những trở ngại đối với quá trình thực hiện chuyển đổi số tại địa phương”, ông Toàn trăn trở.

Về việc cập nhật dữ liệu căn cước công dân của giáo viên và học sinh theo đề án 06 của Chính phủ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu cho biết, căn cứ vào công văn số 121/CAH-QLHC về việc thực hiện cấp căn cước công dân cho công dân từ 14 tuổi trở lên, Phòng giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp với công an các xã, thị trấn thực hiện cấp căn cước công dân cho các em học sinh từ 14 tuổi trở lên.

100% học sinh đã có mã căn cước công dân. Đã có 2576/2904 = 88,7% (học sinh từ từ 14 tuổi trở lên) được cấp căn cước công dân. Số học sinh còn lại (đã có mã) đang tiếp tục phối hợp với công an các xã, thị trấn triển khai thực hiện.

Các nhà trường đã thu thập và tích hợp được dữ liệu 100% căn cước công dân của giáo viên trên phần mềm.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn mong muốn, các nhà mạng sẽ phủ sóng internet, nâng cấp đường truyền, đảm bảo kết nối ổn định tại các tất cả các điểm trường trên địa bàn huyện để công tác chuyển đổi số, thực hiện học bạ điện tử, hồ sơ điện tử được thực hiện đồng bộ.

Đồng thời, ông Toàn cũng kiến nghị, uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số của các đơn vị trường học để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của ngành giáo dục.

Vẫn phải lưu trữ hồ sơ giấy vì yêu cầu kiểm định

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo Vân Hồ có 16 đơn vị có cấp tiểu học và trung học cơ sở trực thuộc, với 86 điểm trường lẻ (cấp tiểu học). Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại một số đơn vị, đặc biệt là các điểm trường lẻ còn gặp khó khăn do chưa có mạng internet.

Bên cạnh đó, việc cập nhật hồ sơ điện tử của giáo viên cũng chưa kịp thời (1 lần/tuần).

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ đề xuất cần có chính sách hỗ trợ kinh phí mua các thiết bị internet (không dây) đến các điểm trường xa trung tâm để đẩy nhanh và đồng bộ việc thực hiện chuyển đổi số.

Về vấn đề triển khai học bạ điện tử, thầy Đặng Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xuân Giang (tỉnh Hà Giang) cho biết, hệ thống hồ sơ điện tử của nhà trường được áp dụng trên vnedu là chủ yếu. Sổ điểm điện tử được nhà trường áp dụng cách đây 2 năm,sau khi vào hệ thống điểm xong thì cuối năm nhà trường xuất và in để lưu trữ.

Một điểm quan trọng trong việc triển khai học bạ điện tử là thực hiện chữ ký số cho thầy cô.

Năm nay, nhà trường đang cố gắng phấn đấu để có được chữ ký số trên học bạ điện tử, cấp khóa chữ ký số cho các thầy cô. Hiện phòng giáo dục và đào tạo đang tổng hợp mã định danh để gửi đăng ký chữ ký số cho giáo viên.

Thầy Sơn cho hay, việc thực hiện sổ điểm điện tử và học bạ điện tử tại trường không gặp khó khăn quá lớn. Tuy nhiên, vì phải sử dụng đồng thời học bạ điện tử và học bạ giấy, nên cuối năm vẫn phải in tờ rời của học bạ, sau thời gian lưu trữ, vì phải in vào mặt sau của hồ sơ năm trước nên có thể giấy không được đảm bảo chất lượng, in ấn không được đẹp.

“Hiện chưa có quy định được sử dụng và lưu trữ hoàn toàn trên hệ thống điện tử nên nhà trường vẫn in, đóng dấu, trả học bạ cho các em cuối khoá.

Học bạ hay sổ điểm điện tử đều phải in ra vì hoạt động kiểm định chất lượng vẫn yêu cầu như vậy. Khi đoàn kiểm định đến thì các trường học vẫn phải có những văn bản, hồ sơ giấy đó, không in thì thiếu, không đảm bảo theo yêu cầu, dù đã có bản điện tử”, thầy Sơn cho biết thêm.

Nguyên Phương