TP.HCM: Nhiều trường có tới 90 lớp, cao gấp 3 lần so với quy định tiêu chuẩn

27/03/2023 13:59
Việt Dũng
GDVN- Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị lùi thời gian lựa chọn danh mục sách giáo khoa từ 5 tháng xuống còn 3 tháng.

Sáng ngày 27/3, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đã dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017QH17 của Quốc hội.

Kiến nghị lùi thời gian lựa chọn danh mục sách giáo khoa

Qua thực tế thực hiện giám sát tại một số cơ sở giáo dục, một số quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao việc nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thế nhưng, việc triển khai chương trình này trong thực tế còn nhiều bất cập như công tác đấu thầu, tập trung mua sắm trang thiết bị, giáo viên còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu, một số cơ sở giáo dục lúng túng trong việc bố trí giáo viên môn tích hợp, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh còn gặp khó khăn đối với một bộ phận giáo viên lớn tuổi, hạn chế trình độ tin học.

Việc lựa chọn sách giáo khoa, hoạt động nghiên cứu và việc lựa chọn sách diễn ra trong thời gian gấp rút, số bản mẫu nhiều, thực hiện trong thời gian năm học khiến giáo viên gặp khó khăn, ảnh hưởng đến độ chuẩn xác của kết quả lựa chọn.

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Mai Hoa còn cho rằng, việc biên soạn và in ấn tài liệu giáo dục địa phương chậm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả việc triển khai chương trình. Hiện các cơ sở giáo dục đang sử dụng tài liệu điện tử, do vướng về cơ chế in ấn, nên cũng cần giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L)

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: P.L)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thời điểm sau dịch Covid-19, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tự chủ của các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục, y tế vô cùng khó khăn, do không có nguồn thu.

Nếu xét theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục, thì thành phố còn thiếu khoảng 3.000 phòng học, nhưng nếu xét theo tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, thì thành phố vẫn còn thiếu khoảng 8.000 phòng học.

Ông Phan Văn Mãi đưa ra ví dụ, tại huyện Bình Chánh, có những trường học lên đến 90 lớp/trường, cao hơn rất nhiều so với quy định tiêu chuẩn là 30 lớp/trường, sĩ số trên 50 học sinh/lớp.

Về kinh phí dành riêng để mua sắm thiết bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố không có kinh phí dành riêng cho việc mua sắm trang thiết bị dạng này, mà thực hiện việc rà soát trang thiết bị hiện có.

Từ đó, thành phố sẽ thực hiện việc mua sắm bổ sung từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị kết hợp với bổ sung từ nguồn của ngân sách.

Tới đây, toàn ngành giáo dục thành phố sẽ tiếp tục thực hiện việc tăng cường tuyển dụng giáo viên các bộ môn như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật song song với việc tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố cơ chế, chính sách thu hút giáo viên đặc thù.

Về việc lựa chọn sách giáo khoa, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, quy định phải đưa ra danh mục lựa chọn sách giáo khoa trước 5 tháng so với ngày khai giảng đang tạo áp lực lớn cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

Sở này kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh quy định thời gian đưa ra danh mục lựa chọn sách giáo khoa trước ngày khai giảng 3 tháng, để các nhà xuất bản có đủ thời gian in ấn và phát hành sách giáo khoa.

Trong đó, tinh thần chọn sách không xác định một bộ sách chủ lực, các bộ sách còn lại tham khảo, mà trao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị.

Rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện việc rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn, để xem xét, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của người học.

Thành phố cần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, thực hiện việc đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 27/3 (ảnh: P.L)

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 27/3 (ảnh: P.L)

Ngoài ra, thành phố cũng cần tăng cường mở rộng hợp tác đối với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập” gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng với yêu cầu đổi mới.

Việt Dũng