Yêu con thì không tích lũy nhiều của cải cho con!

25/11/2011 12:54
Tường Vi
(GDVN) - Nhiều người đã nhầm lẫn khi tích lũy rất nhiều của cải mong để lại cho con cháu. Họ không hiểu rằng: Khi đã có sẵn của cải thì con cần gì phấn đấu?
Không dùng roi vọt dạy con cái, tạo cho con tính tự lập từ nhỏ, và đặt biệt, khắc ghi trong đầu con: “nói dối là tội lớn nhất”… là những cách dạy con mà GS Nguyễn Lân Dũng và PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền – mẹ GS Ngô Bảo Châu chia sẻ trong cuộc Giao lưu với độc giả Báo Giáo dục Việt Nam.

Với GS Châu, nói dối là tội lớn nhất!

Nguyễn Bùi Phương Hà (Thanh Xuân, Hà Nội)

- Cháu chào PGS Trần Lưu Vân Hiền. Cháu hiện đang là một bà mẹ trẻ. Cháu rất hâm mộ cô vì cô đã cho đất nước Việt Nam một niềm tự hào lớn là Ngô Bảo Châu. Cháu rất mong cô chia sẻ cho cháu cách dạy con thế nào cho hợp lý?


PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi như thế này. Tôi cũng nuôi dạy con như nhiều gia đình khác. Tôi luôn nghĩ rằng con cái lớn lên với cách sống, cách suy nghĩ thường ngày của bố mẹ. Tôi có may mắn là Châu rất thích học, vì vậy chúng tôi thường tìm kiếm những điều kiện tốt nhất về tài liệu và sự giúp đỡ của các thầy để Châu học được càng nhiều càng tốt. Có điều giúp con cách sống để trở thành người tử tế là điều rất quan trọng.
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền
PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền
Gần đây, Châu có nhắc đến một câu chuyện là “Hồi nhỏ mẹ tôi bảo tôi nói dối là tội lớn nhất trên đời. Lúc đấy tôi cũng không hiểu tại sao tội nói dối lại to như thế, nhưng vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh thôi. Sau này tôi càng hiểu điều đó quan trọng với những người làm nghiên cứu khoa học như thế nào.”

Bùi Hải Hoa (Thái Bình)

- Thưa cô Hiền, cô có thể tiết lộ nho nhỏ với độc giả về cách giáo dục của nhà giáo Trần Lưu Hân - người cha đẻ của mình - với những người con của mình, cũng như với người cháu ngoại Ngô Bảo Châu được học không ạ?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi nghĩ truyền thống của gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách của mỗi người. Gia đình tôi là một gia đình Hà Nội gốc, với cuộc sống thường ngày rất giản dị và sự học ấy cũng là một điều giản dị.

Cụ Trần Lưu Hân là cựu học sinh của trường Bưởi, trong những năm Kháng chiến chống Pháp Cụ đã rời bỏ trường Tư thục đầu tiên do Cụ xây dựng. Nhưng trong suốt thời gian đó Cụ vẫn tiếp tục con đường học tập và sau khi Hòa Bình lập lại Cụ đã vào học khóa đầu tiên của ĐH Bách Khoa và Cụ đã viết và dịch rất nhiều sách kỹ thuật.

Bản thân chúng tôi cũng sống và làm theo những điều mà cha mình đã làm. Chúng tôi từ nhỏ đã quen với việc học, yêu thích việc học, không chỉ học văn hóa mà còn học âm nhạc, hội họa. Thời ấy nhiều gia đình ở Hà Nội cũng làm như vậy. Sau này Châu lớn lên trong gia đình ông bà ngoại, bản thân Châu cũng từng nói là: “Châu rất yêu ông ngoại, rất thân ông ngoại”.

Trước khi đi Pháp học, Châu chỉ có một thời gian rất ngắn để kiểm tra tiếng Pháp ở Sứ quán Pháp và chính ông ngoại là người thầy duy nhất dạy Châu tiếng Pháp.
Ngô Bảo Châu và bố mẹ tại nhà riêng
Ngô Bảo Châu và bố mẹ tại nhà riêng
Lan Hoa (25 tuổi – Hà Nội)

- Như cô từng chia sẻ, do bận bịu công tác và làm nghiên cứu sinh, nên GS.TSKH. Ngô Huy Cẩn – bố GS Ngô Bảo Châu thường vắng nhà và ít có thời gian gần gũi con. Như vậy, gánh nặng gia đình như dồn hết lên vai cô. Có bao giờ GS Châu khiến cô phải mệt mỏi và cáu gắt không?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền:
Trong thời gian Châu học Tiểu học thì bố Châu đi làm Tiến sĩ ở nước ngoài chúng tôi vẫn sống trong gia đình ông bà ngoại. Nói chung trong thời gian đất nước đang chiến tranh các gia đình đều gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ chúng tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn đặc biệt về mặt kinh tế cũng dễ dàng vì truyền thống sống giản dị của gia đình.

Chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất để Châu học văn hóa, học nhạc, học vẽ. Những năm tháng ấy khác nhiều so với bây giờ, gia đình và bạn bè chúng tôi dễ chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau. Có lẽ tôi hiền (nhiều người bảo thế) nên không bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống quá mệt mỏi.

Tôi thích cách dạy con của Ngô Bảo Châu: Để trẻ tự lập!

Bùi Quyết Chiến (Kim Hoa, Hà Nội)

- Mỗi thế hệ có một cách sống và suy nghĩ khác nhau. Vậy làm thế nào để bà vẫn có hiểu, thông cảm với người con trai, con dâu, và những cháu nội đang sống ở một phương trời khác? Có bao giờ bà không hài lòng với cách dạy con của GS Ngô Bảo Châu không?


PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Châu sống ở nước ngoài lâu năm nhưng Châu cũng không thay đổi nhiều về cách sống cách nghĩ. Tôi nghĩ gia đình chúng tôi cũng may mắn là có Châu. Châu làm toán nhưng cũng sống nặng về tình cảm. Nhiều năm ở xa nhưng Châu luôn nhớ về ông bà, bố mẹ.

Về cách Châu và Thanh nuôi dạy con cái  tôi thấy cũng là một kinh nghiệm muốn trao đổi với gia đình các bạn trẻ. Các cháu sống rất tự lập, không được chiều chuộng nhiều như các cháu bé ở Việt Nam. Các cháu cũng ham học, tự hoàn thành việc học của mình, nhiều khi còn ngại tìm kiếm sự trợ giúp của bố mẹ vì sợ làm phiền bố mẹ. Châu cũng dạy con biết quý công sức lao động của bố mẹ và bản thân mình.

Vào những lúc rảnh, cháu lớn của Châu thường tìm những công việc làm thêm. Hai cháu bé tìm những việc làm giúp bố mẹ tại nhà để được nhận những khoản tiền nhỏ đóng góp vào các quỹ giúp đỡ các bạn nghèo tại trường học của mình.
GS Ngô Bảo Châu và con gái lớn của mình
GS Ngô Bảo Châu và con gái lớn của mình
3 cô con gái của GS Ngô Bảo Châu:rong ảnh (từ trái sang): Ngô Thanh Nguyên, Ngô Hiền An và Ngô Thanh Hiên
3 cô con gái của GS Ngô Bảo Châu:rong ảnh (từ trái sang): Ngô Thanh Nguyên, Ngô Hiền An và Ngô Thanh Hiên
Dùng roi vọt với con cái là hạ sách!

Phan Lưu Ly (HS THPT Lam Sơn – Thanh Hóa)

- Thưa GS NGND Nguyễn Lân Dũng, ông đã từng chia sẻ với bạn đọc rằng: “Trong suốt cuộc đời bố tôi – cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân) không bao giờ đánh chúng tôi một cái tát bao giờ. Đánh mắng không giải quyết được vấn đề mà phải làm cho con cái nhận ra điều sai sót và có quyết tâm sửa chữa". Vậy khi có những điều không hài lòng về các con, cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân đã dạy bảo thế nào?

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Trẻ em thường hiếu động và thiếu gì lúc có những lầm lạc trong hành xử, trong những trường hợp đó, bố tôi rất nghiêm khắc nhưng không có nghĩa là đánh mắng mà chỉ là nhắc nhở và phân tích điều hay, lẽ phải.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
Bố tôi thường lấy những gương tốt của các trẻ em khác để giáo dục chúng tôi, chính vì cuộc sống và sự làm việc nghiêm túc của cả bố và mẹ đã làm chúng tôi tự giác nghe theo những lời khuyên bảo của bố mẹ. Nhất là trong những thời gian kinh tế gia đình rất eo hẹp. Sau ngày hòa bình lặp lại, mặc dù bố tôi là chủ nhiệm khoa ở ĐH Sư Phạm nhưng để nuôi cả một đàn con, mẹ tôi đã phải nhận bán đường cho mậu dịch.

Ngoài giờ học, anh em chúng tôi xúm vào cân đường và gói đường giúp mẹ, ngoài thời gian giúp mẹ, chúng tôi phải cố tranh thủ thời gian để học tập. Tôi tốt nghiệp ĐH sớm, khi mới 18 tuổi. Lương sau khi ra trường rất ít nhưng tôi đã cố gắng gửi về giúp mẹ nuôi 2 em Lân Việt và Lân Trung. Tôi không nhớ chuyện này nhưng 2 em tôi thường hay nhắc đến. Sự thương yêu và gương mẫu của bố mẹ có hiệu quả giáo dục tốt hơn rất nhiều so với sự đánh mắng nặng nề.
NGND Nguyễn Lân và 7 người con trai
NGND Nguyễn Lân và 7 người con trai
Lê Phan Anh (SV trường ĐH KHXH - NV)

- GS Nguyễn Lân Dũng từng kể: "Từ lúc con rất nhỏ, tôi khá chịu khó đi đón con từ Nhà trẻ 20 tháng 10. Nhưng đó là ngày xưa, còn nếu ở thời điểm này đường phố HN giờ tan tầm không đường nào là không tắc? Để vượt hết đoạn đường từ trường về nhà là cả một gian nan với cả bố và con rồi, thì lấy đâu ra thời gian đi dạo Bờ Hồ, lấy đâu ra thời gian trò chuyện với con khi đi trên đường?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Từ lúc con rất nhỏ, tôi khá chịu khó đi đón con từ Nhà trẻ 20 tháng 10. Khi đó Hà Nội không như bây giờ, yên tĩnh hơn và ít xe cộ hơn. Từ nhà trẻ, trên đường về tôi hay đưa con ra Bờ Hồ, cho con ăn kem và nói chuyện với con. Còn bây giờ đón được con và về được nhà một cách an toàn đã là tốt lắm rồi!

Tôi rất lo nếu đổi giờ làm việc thì nhiều khi đưa con xong, bố mẹ phải lang thang hàng tiếng mới đến giờ làm việc. Hoặc khi con đã tan trường rồi mà bố mẹ vẫn chưa hết giờ làm việc. Đổi giờ là cần thiết để giảm sự quá tải giao thông nhưng đổi như thế nào để phù hợp với việc đưa và đón con, nhất là với nhi đồng sẽ là chuyện cần nghiên cứu kỹ để sao cho thích hợp.

Tuy nhiên, thời gian bố mẹ gần gũi, trò chuyện, hỏi han, động viên con cái thì thời nào cũng cần thiết. Không nên vì chạy theo sự làm ăn mà quên mất tài sản quý nhất của mình đâu phải là nhà cửa, ruộng đất, vàng bạc mà chính là 1 – 2 đứa con yêu quý của mình.

Tôi rất thích một phương châm: Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc. Nhiều người đã nhầm lẫn khi tích lũy rất nhiều của cải mong để lại cho con cháu. Họ không hiểu rằng: Khi đã có sẵn của cải thì con cái cần gì phấn đấu học hành.

Hãy noi gương tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates. Vợ chồng ông có tài sản lên đến 53 tỷ USD nhưng trong di chúc viết sẵn chỉ dành cho mỗi con 10 triệu USD, phần còn lại ông bà dành cho công tác từ thiện đối với toàn nhân loại. Chắc chắn con cái ông bà sẽ noi gương và trở thành những người có ích cho xã hội.
Tường Vi