Vietnam Airlines thâu tóm thị trường, NTD hoàn toàn bất lợi?

28/11/2011 14:07
Tiểu Phương
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế, nếu thị trường hàng không nội địa rơi vào thế độc quyền người tiêu dùng hoàn toàn bất lợi...

“Cơ chế độc quyền, người ta kêu nhiều lắm!”


Mặc dù Luật Hàng không mới ban hành năm 2006 đã mở ra cơ hội cho nhiều thành phần kinh tế tham gia vận chuyển hàng không, song, theo một nguồn tin chưa chính thức mới đây nhất, Tổng Công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) sẽ chính thức nhận quyền quản lý gần 70% cổ phần trong hãng hàng không Jetstar Pacific. Nếu việc chuyển giao này diễn ra, VNA càng củng cố thêm vị thế thống lĩnh thị trường hàng không nội địa với thị phần lên đến trên 90%.

Trước đó, sự chênh lệch khá lớn giữa Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác về vốn, thương hiệu, chuỗi dịch vụ, hệ thống kinh doanh... khiến sự xuất hiện của Jetstar Pacific, Indochina Airlines, Vietjet hay Air Mekong chỉ làm mất đi vị thế một mình một chợ của Vietnam Airlines chứ chưa đem lại một thị trường hàng không thực sự cạnh tranh. Với việc sở hữu số cổ phần này, VNA thêm một lần nữa khẳng định vai trò thống lĩnh, độc quyền không dễ gì xóa bỏ của mình.
“Tôi chưa dám khẳng định việc chuyển giao cổ phần như vậy bắt nguồn từ đâu và vì lý do gì nhưng rõ ràng, việc giảm dần tỷ trọng của ngoài nhà nước, tăng tỷ trọng phần Nhà nước, tất yếu dẫn tới yếu tố độc quyền tăng lên. Đây là xu hướng đi ngược lại điều mà chúng ta mong muốn” - TS.Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Kinh tế Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho biết.

Theo nguồn tin từ báo Sài Gòn tiếp thị, việc chuyển giao này, mặc dù chưa hoàn tất thủ tục tại Việt Nam, nhưng đã được cổ đông của Jetstar là Qantas thông báo trên thị trường chứng khoán tại Úc, cho thấy Qantas cũng không phản đối điều này.

Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: “Nếu trong suốt quá trình bay mà bị lỗ, Jetstar quyết định chuyển giao lại cho nhà nước thì đây cũng là điều bình thường, hoàn toàn không vi phạm luật cạnh tranh”. Tuy vậy, TS. Nguyễn Minh Phong cũng tỏ ra lo lắng: Với cơ chế độc quyền, thực tế đã chứng minh mấy chục năm nay, người thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng.

Còn TS. Lê Đăng Doanh cũng đưa ra ý kiến: “Tôi chưa có số liệu để kiểm tra kỹ lưỡng Jetstar lỗ hay như thế nào nhưng nếu việc như trên thì chứng tỏ Jetstar đã không thể trụ lại được trên thị trường. Đây là tín hiệu không tốt, dẫn tới sự độc quyền hoàn toàn, gây bất lợi cho người tiêu dùng cả về giá và chất lượng dịch vụ mà bao nhiêu năm qua, người ta kêu nhiều lắm!”.

Cục quản lý cạnh tranh và Hội bảo vệ NTD nên vào cuộc

Thời gian vừa qua, trong một chừng mực nhất định nào đó, khi Jetstar Pacific Airlines áp dụng mức giá vé máy bay thấp hơn so với giá trần trong nước và giá vé của VNA đối với cùng một tuyến bay trong nước đã tạo cho khách hàng những ưu đãi nhất định. Điều đó khuyến khích sự cạnh tranh trên thị trường hàng không và kết quả là người tiêu dùng có nhiều quyền lựa chọn hơn dịch vụ cho mình.

Nhưng với việc có thể thâu tóm thị trường lần này, VNA tiếp cục củng vố vị thế, vai trò của mình là đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực hàng không nội địa.

“Hiện nay, có thông tin rằng: Hàng không Việt Nam đã nâng giá vé, tôi nghĩ về mặt nào đó, việc nâng giá có sự hợp lý nhất định nhưng VNA nên cân nhắc nâng ở mức độ nào, chứ không sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng, đóng góp vào việc lạm phát của nền kinh tế” - TS. Lê Đăng Doanh nhận xét.  

Tuy vậy, để cạnh tranh thế nào cho lành mạnh, minh bạch và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, “tôi đề nghị  Hội bảo vệ NTD và Cục quản lý cạnh tranh nên xem xét và có ý kiến về vấn đề này” - TS. Doanh nhấn mạnh.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc VNA có khả năng sở hữu đến 90%. thị phần thị trường hàng không VN là tín hiệu không tốt, dẫn tới sự độc quyền hoàn toàn, gây bất lợi cho người tiêu dùng...
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc VNA có khả năng sở hữu đến 90%. thị phần thị trường hàng không VN là tín hiệu không tốt, dẫn tới sự độc quyền hoàn toàn, gây bất lợi cho người tiêu dùng...
Trong 3 năm qua, các hãng hàng không “chật vật” để cạnh tranh với VNA. Jetstar Pacific có cổ đông mới là nhà đầu tư nước ngoài nhưng lỗ vẫn âm vào vốn chủ sở hữu. Indochina Airlines bay hơn 1 năm rồi dừng hoạt động trong nợ nần, Vietjet Air loay hoay mãi để có thể cất cánh, Trãi Thiên chưa bay nhân viên đã giải tán hết vì không được trả lương, Air Mekong lặng lẽ hoàn thiện các yêu cầu về chứng chỉ nhà khai thác và từng bước triển khai các đường bay nhánh để tránh “đối đầu trực tiếp” với Vietnam Airlines.

Để các hãng thương hiệu hàng không còn lại như Vietjet hay Air Mekong để có thể tiếp tục “sống" được chung cùng một bầu trời với VNA, theo TS. Lê Đăng Doanh, mỗi hãng nên tìm cho mình một điểm nhấn riêng, một đặc điểm khác biệt.

“Cho tới nay, Air Mekong có chiến thuật tương đối tốt như mở các đường bay mà VNA chưa làm được như Hà Nội – Phú Quốc – đây là đường bay rất có ích và bổ sung rất nhiều cho thị trường nội địa và đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Tiểu Phương