Ẩn ức của nữ phạm nhân ma túy lỳ lợm bị nhiều lần biệt giam

26/11/2011 06:35
Theo Đời sống và Pháp luật
Giữa hàng nghìn khuôn mặt chai sạn, nặng trĩu âu lo sau một thời lầm lỡ, tôi nhận ra đôi mắt rất lạ của một cô gái trẻ tên Hải...
Bài 1: 8 tuổi đã trở thành… đàn bà
Trại giam Ninh Khánh( Ninh Bình) có tới gần 700 trăm nữ phạm nhân. Giữa hàng nghìn khuôn mặt chai sạn, nặng trĩu âu lo sau một thời lầm lỡ, tôi nhận ra đôi mắt rất lạ của một cô gái trẻ tên Hải. Đôi mắt ấy lúc hằn lên những tia phẫn uất, lúc ngân ngấn trào dâng nỗi niềm nhưng cũng chất chứa khát vọng vươn lên. Hải đang quyết tâm tìm lại chính mình, bắt đầu là dũng cảm kể về quãng đời vô cùng chìm nổi đã trải qua để mọi người cùng suy ngẫm, nhất là đối với những người coi nhẹ hai chữ: ly hôn.


Khởi đầu bất hạnh

Phạm nhân Nguyễn Thị Hải trước mặt tôi hôm nay là một cô gái già hơn nhiều so với cái tuổi ngoài hai mươi. Dáng người cao ráo, khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt to tròn và đặc biệt là giọng nói nhẹ nhàn, hiểu biết, khiến lần đầu tiếp xúc, người ta sẽ lầm tưởng Hải từng bước chân vào giảng đường đại học.
Gặp Hải, tôi hơi bất ngờ, bởi theo hồ sơ lưu tại trại giam Ninh Khánh thì Nguyễn Thị Hải là đối tượng xã hội lỳ lợm, có mức án 12 năm về tội mua bán ma túy. “ Thành tích” mà Hải lặp được sau 4 năm thì hành án tại vùng núi đá Ninh Bình là 4 lần bị kỷ luật, thậm chí từng bị biệt giam.

Nhưng có lẽ cảm nhận được sự cảm thông, chia sẻ nơi tôi trong cuộc trò truyện chiều cuối tháng 11 này, Hải đã ôm mặt khóc tức tưởi và bộc bạch nỗi bất hạnh đời mình: “Năm nay tôi 25 tuổi, 25 mùa xuân trôi qua mà tôi vẫn không cảm nhận hay hiểu được thế nào là tổ ấm gia đình. Sinh tôi được 11 tháng, mẹ đã bỏ bố con tôi đi tìm cuộc sống mới.

Vì miếng cơm manh áo, bố tôi phải đi xa bươn chải kiếm việc làm. Tôi sống và lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà nội. Tôi tự nhận thấy mình lớn hơn những đứa trẻ cùng lứa vì suy nghĩ và cách ăn nói mà ông bà tôi vân đùa “bà cụ non”.

Tuy ông bà nội yêu chiều tôi hết mực, cho tôi học hành, nhưng vẫn không làm cho tôi xua đi được cảm giác tủi hờn của một đứa con thiếu cha mẹ. Tôi ít nói, âm thầm sống, âm thầm lớn lên. Trong mắt của thầy cô, gia đình, bạn bè, hàng xóm, tôi là một con bé khá ngoan và học giỏi. Tuổi thơ của tôi cứ lặng lẽ trôi đi như vậy cho đến một ngày.

Tôi còn nhớ rõ năm đó tôi 6 tuổi. Vào một đêm cuối năm, khi tôi đang ngủ, ông nội đánh thức tôi dậy và nói: “Dậy đi cháu. Mẹ cháu về kìa”. Tôi giật mình ngơ ngác. Tôi nhìn quanh và dừng lại ở một người đàn bà xinh xắn, sắc sảo, nhưng xa lạ. Đây là mẹ sao? Người mà tôi thắc mắc, người đã phũ phàng bỏ mặc đứa con gái đang khát sữa của mình là đây sao? Mẹ chỉ về thăm tôi và lần đầu tiên trong đời, tôi tập làm quen với danh từ mẹ.

Khi tôi học xong lớp 2, mẹ muốn tôi về sống cùng. Tôi đâu ngờ đó là bước ngoặt đen tối trong đời. Tôi bắt đầu một cuộc sống mới, môi trường mới. Mẹ rất thương tôi, đó là điều tôi không thể nào phủ nhận. Nhưng có lẽ cách thể hiện tình yêu thương của mẹ không đúng cách.

Tôi nhớ lúc đó mẹ vẫn nghèo lắm. Ông bà ngoại cũng nghèo. Mẹ tôi phải thuê một căn nhà chật hẹp, chỉ kê vừa một chiếc giường đơn và vài bộ bàn ghế sơ sài để bán bánh cuốn. Mặc dù vậy, mẹ không để tôi phải thiếu thốn thứ gì, không để tôi thua kém ai. Tôi vẫn thấy mình lạc long, cô đơn. Mẹ tìm đủ cách kiếm tiền lo cho tôi đầy đủ về vật chất nhưng lại không nghĩ tới điều tôi thiếu nhất, cần nhất, đó là sự quan tâm của mẹ.

Tôi chỉ cần một, một lần thôi mẹ ôm tôi vào lòng và nói “mẹ yêu con”, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra”.
Tưởng gặp bụt hóa ra yêu râu xanh

Đang miên man hồi tưởng về thời thơ ấu ảm đạm cùng người mẹ ham tiền, Hải kéo ống tay áo quệt những giọt nước mắt bỗng trào ra tức tưởi. Đôi bàn tay có các ngón thon dài của cô gái từng được phạm nhân phân trại số 3 gắn mệnh danh “đầu gấu” run bần bật:

“Một sự thật cũng là nỗi đau khủng khiếp xé toang tuổi thơ tôi mà cho đến bây giờ mẹ tôi vẫn không hề biết. Khi ấy tôi 8 tuổi, đang học lớp 3. Mẹ tôi vẫn mải miết kiếm tiền. Tôi vẫn cứ sống lặng lẽ và cô đơn như thế. Hàng ngày, ngoài lúc đến trường, tôi thường sang nhà ông hàng xóm và cũng là chủ nhà của mẹ con tôi. Ông thương tôi lắm (lúc đó tôi nghĩ như vậy).

Ông thường mua búp bê và làm cả đu quay cho tôi chơi nữa. Tôi cũng rất quý ông. Rồi một buổi chiều mau gió, người đàn ông tôi gọi bằng ông đã đổ sập lên thân thể bé nhỏ của tôi. Lúc đó tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi chỉ thấy vùng kín bỏng tát và đau đớn. Tôi khóc. 

Ông ta dặn tôi không được nói với mẹ, nếu không, mẹ con tôi sẽ bị đuổi khỏi nhà”. Tôi im lặng và chịu đựng nhưng sau mỗi lần bị ông chủ nhà lặp lại hành động cũ, tôi không giấu nổi sự sợ hãi. Mẹ vẫn vô tâm không nhận thấy nỗi sợ ấy trong tôi.

Tôi không được ai nói cho tôi hiểu, không được ai bảo vệ và cũng không có ai dạy cho tôi cách tự bảo vệ chính mình. Tôi vẫn chịu đựng vì sợ mẹ con tôi không có nhà để ở. Chuyện đó kéo dài đến khi tôi học lớp 5. Bố tôi lên thăm tôi và cũng để làm thủ tục ly hôn với mẹ.

Vì quá sợ lão già đó, tôi xin được về sống với bố. Tôi rùng mình khi nghĩ đến cảm giác đau đớn mỗi lần phải gần ông ta. Bố tôi được nuôi tôi. Vậy là sau 2 năm tôi lại được trở về bên bố và ông bà nội. Hành trang tôi mang theo là nỗi đau đớn về thể xác nhưng bình yên trong tâm hồn. Tôi chưa nghĩ được sâu xa. Tôi chỉ biết tôi đã thoát khỏi lão già ghê sợ đó. Tôi thấy vui sướng.

Thời gian trôi qua, tôi lớn dần và đã hiểu biết ít nhiều về cuộc sống. Sự thay đổi cuộc sống làm tư tưởng, tâm hồn non nớt nhưng đã bị vấy bẩn của tôi luôn chống chuếnh. Và, vết thương tưởng đã chìm sâu kia nay bỗng ngoi dậy làm tôi nhức nhối.

Tôi tự trách mình rằng tại sao tôi lại có thể chịu đựng được điều đó. Tại sao tôi lại im lặng? Rồi tôi trách bố mẹ tôi. Tại sao hai người lại quên mất sự có mặt của đứa con này và không cố gắng vì tôi? Từ khi hiểu được những gì đã xảy đến với mình, tôi không còn là tôi nữa. Cố gắng học xong lớp 6, tôi nằng nặc đòi bố tôi cho về với mẹ. Tôi muốn được đối diện với lão chủ nhà đó. Tôi muốn gào thét và băm bổ vào mặt lão ta. Tôi muốn lão ta phải trả giá…”
Giọt nước tràn ly

Với ý định trả thù lão hàng xóm, Hải xin được chấp nhận, Nhưng khi Hải về bên mẹ thì yêu râu xanh đã chết mang theo xuống đất những tội lỗi đã gây ra cho Hải. Hải trách ông trời tại sao loại người như lão ta lại có thể dễ dàng chết như thế? Hải muốn lão phải trả giá cho hành động mất nhân tính của mình. Lúc đó Hải cảm thấy bất lực. Hải cười nhạo bản thân và oán trách số phận. Hải buông thả từ đó.

Hải kể: “Vì không ai bận tâm tới, nên tôi hoàn toàn tự do. 12, 13 tuổi đời, tôi đã có bề dày thành tích yêu đương. Đang là một học sinh đứng trong tốp đầu của lớp, lực học của tôi sút đi từng ngày. Mẹ tôi không hề biết những thay đổi trong tôi. Mẹ có quan điểm khác, đó là người chồng mới. Và dường như để chứng tỏ cho người ta thấy rằng không phải người mẹ kế nào cũng xấu, mẹ tôi chăm sóc, lo lắng chi đứa con riêng của chồng mới từng li từng tí. 

Những thứ gì mà tôi chưa bao giờ có thì mẹ lại dành cho một thằng bé xa lạ. Tôi ghen tị và cảm thấy bị tổn thương. Càng ngày mẹ tôi càng kiếm được nhiều tiền và điều đó tỉ lệ nghịch đến sự quan tâm đến tôi.

Tôi nhớ năm đó tôi 15 tuổi, vừa học xong lớp 10, nhân kỳ nghỉ hè, tôi về thăm bố. Bố tôi cũng đã có gia đình riêng cùng 2 đứa con, một trai và một gái. Tôi cảm thấy như bị bỏ rơi, hay mồ côi dù tôi có cả bố lẫn mẹ. Phải chăng do thiếu thốn tình cảm từ bé nên tôi trở nên ích kỷ? Tôi cũng không biết nữa.

Chỉ biết rằng tôi buồn lắm. Tôi lại trở về với mẹ. Mẹ vẫn không quan tâm, không để ý đến những điều tôi nghĩ. Mẹ không hiểu được rằng tôi đang ở cái tuổi nhạy cảm nhất. Mẹ hay đánh tôi mỗi khi không vừa ý về tôi. 

Trước mặt bạn bè hay ngoài đường, đâu đâu mẹ cũng đánh. Những điều đó khiến tôi giận mẹ ghê gớm. Tôi trở nên ngang bướng và lì lợm. Tôi không khóc khi bị mẹ đánh. Rồi đến một ngày, thằng con riêng của cha dượng xỉa ngón tay vào mặt tôi “mày là đứa không có bố”.

Tôi đã thẳng tay tát nó. Và hậu quả của cái tát đó là một trận đòn thừa sống thiếu chết của mẹ tôi. Tôi trốn trong phòng. Mẹ tìm mọi cách phá cửa lao vào tôi đánh đập. Tôi không hiểu sao vì một đứa trẻ khát máu bất trị mà mẹ lại có thể tàn nhẫn với tôi như vậy? Trận đòn tàn nhẫn của mẹ dội xuống như giọt nước tràn ly, tôi bỏ nhà ra đi.
Theo Đời sống và Pháp luật