Nhật ký Lớp học Hy vọng:

5 tuổi có thâm niên 2 năm ở bệnh viện

30/11/2011 06:00
Trần Mai
(GDVN) - Gần 2 năm điều trị tại BV Nhi TW, cậu bé Tô Đình Thủy (5 tuổi) đã sống trọn trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của người ông nội đã ở cái tuổi gần 70.

May mắn đã không mỉm cười với em

Sức khỏe là vốn quý, nhưng không phải ai, lúc nào cũng được hưởng trọn vẹn vốn quý ấy. Ngay từ khi sinh ra, Thủy đã không được may mắn như các bé khác, bố mẹ em đều bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam từ thế hệ trước.

Ông nội và ông ngoại trở về từ chiến trường đều là thương bình với thương tật 41%. Di chứng về chất độc da cam đã khiến bố em bị liệt nửa người, mẹ cũng bị ảnh hưởng về não nên tâm thần không ổn định.

Di chứng về chất độc da cam đã khiến bố em – anh Tô Mạnh Hùng bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, chân tay và các cơ bị tiêu giảm, đi lại khó khăn. Mẹ em – chị Trần Thị Nga bị ảnh hưởng về não nên tâm thần không ổn định.

Người anh trai 7 tuổi của em cũng mắc chứng bệnh cơ nhẽo. Còn em, may mắn hơn sinh ra lành lặn, khỏe mạnh.

Những tưởng hạnh phúc ấy sẽ là niềm vui trọn vẹn của cả gia đình. Nhưng lên 3 tuổi, em mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu và viêm đa khớp.

Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đức (Hải Phòng) không thể điều trị được nên phải chuyển tuyến trên. Nhà neo người, ông nội đã gần 70 tuổi  một mình “cõng” đứa cháu ra viện Nhi chữa trị.

Đã gần hai năm điều trị, bệnh tình cũng chưa thuyên giảm nhiều nhưng ước mơ được đến lớp như các bạn là niềm vui lớn nhất với em: “Em thích được đến lớp để học và chơi giống các bạn”.

“ Em thích được đến lớp để học và chơi với các bạn”

Sẵn sàng “ sống chung với lũ” vì đứa cháu nội

Ông của bé Thủy đã không thể giấu được sự xúc động khi đứa cháu nội khoe với ông bức tranh vẽ hình con cá ngộ nghĩnh của mình sau khi vừa trên lớp học Hy vọng về. Niềm vui xen lẫn cả nỗi buồn, sự lo lắng dường như hằn sâu hơn trên gương mặt người ông đã quá nhiều nếp nhăn. “Hai năm rồi, ông cháu vẫn ngày ngày bên giường bệnh, vừa lo lại vừa thương đứa cháu tội nghiệp này”, ông tâm sự.

Thủy đang được điều trị ở phòng 403, khoa Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương

Thủy và các bạn trong phòng bệnh cùng nhau vẽ

Ông nội xúc động khi xem tập vở của bé Thủy trên lớp học Hy vọng về

Trong câu chuyện của mấy ông cháu tôi, ông kể về Thủy rất nhiều. Thủy rất ngoan và nghe lời, chỉ có những lúc phải tiêm thì hay khóc thét lên, ông dỗ thế nào cũng không nín. Vì đau, vì sợ nữa.

“Ngày hai lần tiêm, các ven đã thâm tím cả 2 cổ tay và bắp tay, rồi lại lấy máu xét nghiệm hàng tuần, thằng bé sợ cũng phải thôi cháu à”, ông thở dài.

May mắn khi vừa lúc tôi đến thăm phòng bệnh của bé Thủy thì mẹ em cũng mới bắt xe khách từ Hải Phòng ra. Không được khôn ngoan và lanh lẹ như người bình thường, mẹ của em chỉ ậm ừ vài câu khi tôi có ý muốn hỏi chuyện.

Ông nội của bé lắc đầu: “Mẹ nó không biết gì đâu, đầu óc không ổn định, cứ ú ớ vậy thôi. Bắt xe khách lên Mỹ Đình từ sáng mà đi đâu không biết, ông phải gọi điện thoại mấy lần bảo bắt xe ôm đến viện”. Nhìn Thủy trong vòng tay của mẹ, tôi cảm thấy chạnh lòng. Có lẽ tình mẫu tử với em không bao giờ được trọn vẹn.

Bé Thủy trong vòng tay của mẹ

Hỏi ông  việc điều trị cho bé Thủy ra sao, ông tâm sự: “Dù phải điều trị lâu dài, phải “sống chung với lũ” thì ông vẫn mong đứa cháu của ông được sống những ngày tháng vui vẻ”.

Số tiền điều trị hàng tháng cho bé không phải là nhỏ, con số ấy lên đến chục triệu. Với hơn hai sào tư ruộng ở quê cộng với 2.600.000 đồng tiền trợ cấp thương binh và chất độc da cam của ông, 760.000 đồng trợ cấp chất độc hóa học thế hệ 2 của bố em và 1.800.000 đồng tiền lương hưu của bà nội (trước bà là công nhân của công ty vận tải biển Hải Phòng), tổng cộng là hơn 5 triệu để chi tiêu cho cả nhà 7 khẩu ăn cũng đã là khó khăn. 

Ngoài số tiền ấy, số tiền ít ỏi hằng ngày đi chợ của bà nội (65 tuổi) cũng đều dồn lại để chữa chạy cho hai đứa cháu bệnh tật.

Để có thể điều trị cho bé Thủy ngoài này khi mà hoàn cảnh gia đình như vậy là sự cố gắng từng ngày xin hỗ trợ từ các cấp của ông, cũng như sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm trong, ngoài nước và của y bác sĩ trong bệnh viện.

Ông tâm sự: “Các bác sĩ trong viện vẫn đến thăm hỏi và giúp đỡ ông cháu trong những ngày nằm viện, ông thật sự rất cảm động trước tình cảm của mọi người dành cho gia đình.”


Trần Mai