Hôm nay, ngày lịch sử của bóng đá Việt Nam

28/11/2011 08:09
Theo NLĐ
Hôm nay, các ông bầu của làng bóng đá Việt Nam lại tề tựu để biến giấc mơ VPF - công ty điều hành V-League và Giải Hạng nhất - thành hiện thực.
Hôm nay, 28-11, sau khi giấy phép thành lập Công ty Cổ phần Quản lý V-League đã được phê duyệt, các ông bầu của làng bóng đá Việt Nam lại tề tựu để biến giấc mơ VPF - công ty điều hành V-League và Giải Hạng nhất - thành hiện thực.

Theo thông báo của VFF, đại hội cổ đông thành lập VPF sẽ diễn ra vào ngày 28-11. Trước khi tiến hành đại hội, cơ sở tiền đề cho việc ra đời công ty chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bóng đá Việt Nam này đã được cơ bản hoàn tất. Chức danh tổng giám đốc, người sẽ điều hành giải đấu, cũng đã được đề cử.

Vai trò VFF ngày càng nhạt

Hai lĩnh vực thể hiện vai trò của VFF với nền  bóng đá nước nhà chính là ở Giải Vô địch quốc gia và đội tuyển. Trước đây, VFF luôn tự cho mình đã làm tốt cả hai công việc chủ yếu này, tuy nhiên năm 2011 có thể đánh dấu một bước ngoặt khi VFF thất bại trên cả “hai sân” mà lẽ ra họ phải có vai trò và tiếng nói quyết định.

Thực ra, VFF cũng phải chấp nhận thực tế này bởi khả năng hoạch định và đề ra chiến lược với tầm nhìn xa hơn, rộng hơn cho bóng đá Việt Nam thì lần này VFF khá thụ động. Để đại hội cổ đông thành lập VPF có thể diễn ra, công sức chủ yếu thuộc về các ông bầu, trong đó bầu Nguyễn Đức Kiên (CLB Hà Nội) và bầu Đoàn Nguyên Đức (HAGL) giữ vai trò chủ chốt. Bầu Kiên nói: “Chúng tôi là những thành viên trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam. Thời điểm này VFF không tự tiến hành được các thủ tục thành lập VPF thì chúng tôi giúp họ một tay”.
Hy vọng sự ra đời của VPF sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Hy vọng sự ra đời của VPF sẽ giúp bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Lo sợ vai trò của các ông bầu sẽ quá lớn, lấn át luôn cả quyền hành của mình, VFF từng đưa ra đề xuất chỉ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn thay vì công ty cổ phần để điều hành V-League. Tuy nhiên, ý kiến này của VFF cuối cùng cũng không nhận được sự ủng hộ từ các CLB. Trước khi đại hội thành lập VPF diễn ra, bầu Kiên nói: “Vai trò của VFF ở VPF vẫn là rất lớn. Họ sẽ thể hiện vai trò ấy thế nào cũng cho thấy trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà”.


Cũng theo ông Kiên, từ bước đệm VPF, không thể không nhắc đến việc nâng tầm bóng đá nước nhà, cải thiện hình ảnh của các đội tuyển quốc gia ở các đấu trường quốc tế. Đặc biệt, sau thất bại của tuyển U23 ở SEA Games 26, VPF sẽ càng có vai trò quan trọng bởi V-League, Giải Hạng nhất sẽ là nền tảng phát triển nguồn lực cho nền bóng đá nước nhà.

Ông Viễn làm CEO - giải pháp “hai trong một”

Các ông bầu đều đã lên tiếng đề cử Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn vào vị trí giám đốc điều hành (CEO) Công ty Cổ phần Quản lý V-League. Đây là một lựa chọn “lợi cả đôi đường”. Ông Viễn với kinh nghiệm quản trị bóng đá của mình sẽ làm yên lòng các ông bầu và cũng sẽ là cầu nối giữa HĐQT của VPF với bộ máy VFF.

Đứng sau ông Viễn sẽ là một bộ máy các phòng, ban chức năng của VPF đang dần được hình thành. Ông Viễn không thể không dựa vào đội ngũ nhân sự hiện nay của VFF. Điều này gây ra lo ngại, người đứng đầu và cả người thực thi ở VPF đều là người cũ của VFF thì VPF khó có đột phá về cách điều hành. Tuy nhiên, bầu Kiên lý giải: “Cơ chế quản lý của VPF được thông qua HĐQT. Có vấn đề phát sinh thì HĐQT của công ty sẽ có ý kiến điều chỉnh ngay. Bản thân CEO cũng sẽ có thể bị thay thế nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ông Phạm Ngọc Viễn nói: “Tiếng nói của người đứng đầu VPF không thể vì lợi ích các ông bầu, cũng không thể vì lợi ích VFF mà phải vì lợi ích chung của bóng đá Việt Nam”.
Theo NLĐ