Vụ đổ keo 502: Độc giả phẫn nộ hành vi của viên chủ quản TQ

30/11/2011 01:00
Thành Chung (Tổng hợp)
(GDVN) - 'Dù công nhân có sai nhưng xử lý như vậy không thể được. Đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm chủ quản A Vương theo đúng pháp luật Việt Nam'.
Ngay sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các bài viết liên quan đến vụ việc chị Lê Thị Phương công nhân phân xưởng C (Công ty giày Hong Fu Việt Nam, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bị viên chủ quản A Vương quát tháo, dùng keo 502 đổ lên tay, sau đó bắt phải ép hai bàn tay lại với nhau khiến chị này bị ngất, phải đi cấp cứu đồng thời dẫn đến tình trạng đình công của hàng trăm công nhân tại công ty này vào ngày 26/11. Tòa soạn đã nhận được rất nhiều những chia sẻ, phản hồi, bày tỏ sự "phẫn nộ" của các độc giả trên cả nước trước thông tin này.

Chị Lê Thị Phương đang nằm điều trị tại bệnh viện sau khi bị viên chủ quản A Vương đổ keo 502 dính tay.
Chị Lê Thị Phương đang nằm điều trị tại bệnh viện sau khi bị viên chủ quản A Vương đổ keo 502 dính tay.
Một hành động coi thường con người. Đa phần ý kiến của các độc giả đều cho rằng, dù nguyên nhân được xác định là từ hai phía, công nhân vẫn cố tình sử dụng loại keo 502 để dán giày, mặc dù công ty đã cấm nhưng vẫn có nhiều cách xử lý khác như cảnh cáo, trừ lương... còn hành động của viên chủ quản A Vương ở đây không phải là kỷ luật mà đã mang tính chất tra tấn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể và tâm lý của công nhân. "Người lao động dù có vi phạm quy định đi nữa, chủ quản lý lao động thiếu gì cách kỷ luật người lao động, trừ lương, đuổi việc. v...v..Đây không phải là hình thức kỷ luật người lao động mà viên chủ quản A Vương này đã tra tấn người lao động, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe (nếu không được cấp cứu kịp thời hậu quả sẽ vô cùng tai hại) và tinh thần người lao động. Vụ này cần phải xử lý thật nghiêm để những người xử dụng lao động không dám coi thường người lao động trong nước, coi thường pháp luật Việt nam.", độc giả An Nam chia sẻ. Đồng quan điểm đó, độc giả tên Lộc cũng cho rằng: "Mặc dù là lỗi ở công nhân đã vi phạm luật của công ty. Nhưng cách cư xử có tính khinh khi như vậy là không được. Viên chủ quản  A Vương này cần phải bị xử thật nặng để làm gương cho những quản đốc khác có tính coi thường người lao động Việt Nam".

Công ty giày Hong Fu Việt Nam, nơi xảy ra vụ việc ngày 26.11
Công ty giày Hong Fu Việt Nam, nơi xảy ra vụ việc ngày 26.11
Không những vậy, nhiều độc giả còn cho rằng, hành động đổ keo 502 vào tay công nhân  Lê Thị Phương  không khác gì các hành động vô nhân tính thời trung cổ và nếu đặt trường hợp ngược lại khi công nhân đổ keo 502 vào tay viên chủ quản A Vương, liệu rằng ông ta sẽ nghĩ sao? "Bây giờ  đâu còn là thời trung cổ nữa đâu mà hành động vô nhân tính như vậy?. Giả sử nếu  công nhân dùng keo 502 đổ ngược lại thì liệu viên chủ quản A Vương có chịu đựng không?", độc giả ở email nhantranbt@yahoo.com đặt câu hỏi. Với đó là ý kiến của độc giả Việt Khoa nhận đính: " Đây là một hành động dã man và coi thường con người . Hành động đó như tra tấn cực hình với chị Phương vậy, không thể chấp nhận được. Việc làm này đáng bị truy tố trước pháp luật".A Vương phải chịu phán xét của pháp luật Việt Nam trước khi bị trục xuất Nhiều độc giả đồng tình với đề nghị trục xuất về nước đối với viên chủ quản A Vương của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa nhưng cho rằng việc trục xuất chỉ được tiến hành sau khi đã điều tra làm rõ những hành động "tàn nhẫn" đối với công nhân và viên chủ quản này phải chịu sự phán xét của pháp luật Việt Nam. "Nếu không xử lý được về mặt hình sự thì về mặt dân sự phải được giải quyết thỏa đáng rõ ràng rồi mới trục xuất và nên cấm viên chủ quản A Vương này nhập cảnh vào Việt Nam trong một thời gian ít nhất là 5 năm. Hành vi này rất phổ biến ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam rồi chứ không phải mới xảy ra đâu", độc giả Nguyễn Văn Trực chia sẻ. Còn độc giả Hưng Bình thì khẳng định: "Trước khi trục xuất về nước thì phải cho viên chủ quản A Vương này chịu phán xét theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam". Thông qua vụ việc này, nhiều độc giả cũng mong muốn, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến  việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các lao động Việt Nam đang làm việc trong các công ty nước ngoài và  quan tâm đến việc quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. "Qua vụ việc này, đề nghị các cơ quan chức năng nên quan tâm hơn nữa việc quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, tổ chức công đoàn cần phải có hành động quyết liệt hơn để bảo vệ  quyền lợi hợp pháp của công nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài đóng ở các địa phương", độc giả Lương Trung Phong bày tỏ.
Thành Chung (Tổng hợp)