Chủ quyền đối với Hoàng Sa: Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ

01/12/2011 13:35
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) -Ý chí của dân tộc đối với Hoàng Sa luôn luôn được duy trì. Như vậy, về mặt pháp lý Việt Nam vẫn duy trì chủ quyền, không bao giờ chịu tử bỏ.
Đòi lại quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình là vấn đề quốc gia đại sự mang tính lâu dài và phải có sự góp sức của toàn thể người Việt Nam bất kỳ đang sinh sống ở đâu. Do vậy, bước đầu tiên trong sự nghiệp lớn lao này là phải làm cho toàn dân nhìn thấy rõ sự thật lịch sử và tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội như nhau, đều có thể tham gia đóng góp hết khả năng của mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ quyền Hoàng Sa: Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ

"Chúng ta phải thu thập, đưa ra bằng chứng có giá trị pháp lý cao nhất và tìm đến cơ quan tài phán quốc tế để đòi chủ quyền Hoàng Sa", nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục bày tỏ quan điểm với VnExpress.
Về luật pháp quốc tế có 2 yếu tố cấu thành quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vật chất và tinh thần.
Yếu tố vật chất nghĩa là có sự chiếm đóng, quản lý trên thực tế, nhưng yếu tố đó hiện nay không còn, dù trên thực tế ta đã thực thi từ thế kỷ 17.
Tuy nhiên, yếu tố về mặt tinh thần thì Nhà nước Việt Nam, người Việt Nam không bao giờ để mất. Giai đoạn gay go nhất khi Trung Quốc đánh vào phía đông quần đảo Hoàng Sa năm 1956 thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối, sau này nhiều lần phản đối, đề nghị lên Liên Hiệp Quốc. Họ tổ chức ra các đơn vị hành chính, đưa quân ra giữ phía tây quần đảo.
Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm quần đảo thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đưa quân đội ra chiến đấu. Dù không giữ được họ vẫn lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao.
Bia chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa năm 1930. Ảnh tư liệu.
Bia chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa năm 1930. Ảnh tư liệu.
Từ khi thống nhất đất nước đến nay, Việt Nam không bao giờ bỏ qua bất kỳ hành động nào của Trung Quốc động chạm đến Hoàng Sa. Tất cả hành động như đưa ra bản đồ đề tên Tây Sa, thành lập đơn vị hành chính quần đảo này thuộc đảo Hải Nam, tổ chức tour du lịch, cấm đánh bắt cá hằng năm... chúng ta đều phản đối.
Ý chí của Nhà nước, dân tộc đối với Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam luôn luôn được duy trì. Như vậy, về mặt pháp lý Việt Nam vẫn duy trì chủ quyền, không bao giờ từ bỏ.
Nhiều người nhắc đến Công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chưa kể sự lợi dụng, thủ đoạn trong câu chữ của Trung Quốc về vấn đề này mà chỉ nói riêng về thẩm quyền thì chính quyền miền Bắc Việt Nam lúc đó không thể công nhận với Trung Quốc cái mà mình không quản lý. Theo Hiệp định Geneva thì chính quyền miền Nam Việt Nam mới là người quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Đơn vị lính bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh tư liệu.
Đơn vị lính bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh tư liệu.

Đưa sự kiện Hoàng Sa vào sách giáo khoa  

Ngày 29-11, tại hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và phân giới, cắm mốc năm 2011 do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức, nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trong và ngoài nước có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về chủ quyền biển đảo, từ đó có sự đồng thuận góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tờ Tuổi trẻ đưa tin.
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa phía Nam đã trở thành truyền thống và cũng là để giáo dục thế hệ mai sauvề chủ quyền biển đảo quê hương (ảnh Đại đoàn kết)
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa phía Nam
đã trở thành truyền thống và cũng là để giáo dục thế hệ mai sauvề chủ quyền biển đảo quê hương (ảnh Đại đoàn kết)
Theo chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật (phó chính ủy Quân chủng Hải quân) : tình hình liên quan biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường... Do vậy, để công tác tuyên truyền biển, đảo đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, trước hết cần phải làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và tư duy của các cấp các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo. 
Trong đó, chú ý khai thác, tuyên truyền những vấn đề có tính pháp lý để khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông, nhất là cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Bên cạnh đó, biên soạn nội dung về biển, đảo Việt Nam vào sách giáo khoa làm tài liệu học tập chính khóa trong các bậc học để tuyên tuyền rộng rãi trong học sinh, sinh viên.
Đề cập nhiệm vụ của thông tin đối ngoại, ông Lê Văn Nghiêm (cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin - truyền thông) cho rằng: “Cần đẩy mạnh công bố bằng chứng, lập luận, công trình nghiên cứu khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách có hệ thống, khoa học và bằng nhiều thứ tiếng, nhất là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Thông tin trên nhiều kênh, đặc biệt coi trọng thông tin trên mạng Internet”.

Bộ Ngoại giao thu thập bằng chứng lịch sử Hoàng Sa

Theo thông tin từ Đất Việt: Ngày 30/11, Đại diện Bộ Ngoại giao đã có buổi làm việc tại chùa Tiên Linh, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế để thu thập những dấu tích trên chuông đồng, bài vị đang thờ tại chùa này có liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho biết, theo thư tịch cổ, Đội Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn đến triều nhà Nguyễn đều tuyển dụng người xã An Vĩnh (trong đất liền cũng như ngoài đảo Lý Sơn), Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy có một vị Cai đội Đội Hoàng Sa là người Thừa Thiên Huế là Nguyễn Hữu Niên. Ông vốn là quan triều Tây Sơn, sau theo nhà nhà Nguyễn. Như vậy, thời Thái tổ Võ hoàng đế Nguyễn Văn Huệ bắt đầu tuyển dụng người ở Thừa Thiên Huế vào Đội Hoàng Sa, vì lúc bấy giờ Quảng Nghĩa trở vào thuộc quyền Nguyễn Văn Nhạc.
Như vậy từ thời các chúa Nguyễn tiếp đến thời Tây Sơn rồi đến hết triều nhà Nguyễn, nhà nước Việt Nam đều liên tục quan tâm đến biển Đông và từng bước xác định vững vàng chủ quyền vùng lãnh hải của đất nước. Những tư liệu trên sẽ củng cố thêm bằng chứng lịch sử  xác định chủ quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, những tư liệu này cho thấy người dân Thừa Thiên Huế đã tham gia vào quá trình xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và lãnh hải trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước.
Các tư liệu được lưu giữ tại chùa Tiên Linh là bài vị, các chữ Hán trên chuông đồng nặng 451kg đặt tại chùa Tiên Linh ghi chép về Cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đánh giá: “Căn cứ vào những dấu tích còn lưu lại tại bài vị và 4 mặt của chuông đồng tại chùa Tiên Linh ở Thừa Thiên - Huế là một chứng cứ rất quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo tổ quốc của Việt Nam”.
Hải Hà (tổng hợp)