Đào tạo online 'bát nháo': Cần 'lấp' khoảng trống quản lý, bảo vệ người học

26/09/2024 06:38
Nguyễn Phương

GDVN - GV tự xưng mở lớp học online như trường hợp của bà Ngọc Anh (Ruby Ms Ngọc Anh) đặt ra vấn đề quản lý liên quan đến mở, dạy học trên không gian mạng.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải các bài viết:

Xuống tiền vì tin GV tiktok, người học 'ngã ngửa' với lớp online của bà Ngọc Anh

Chất lượng đào tạo biên, phiên dịch của bà Ngọc Anh được "phơi bày" ra sao?

Sau khi những bài viết nêu trên được đăng tải, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được những phản hồi của những người từng đăng ký tham gia khóa học online của bà Ngọc Anh, trong đó có trường hợp chưa từng học buổi nào nhưng vẫn chưa nhận được bồi hoàn.

Qua vụ việc nêu trên, nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề quản lý những lớp dạy được tổ chức cá nhân mở mà không hề đăng ký đào tạo như thế nào? Ai quản lý chất lượng, ai quản lý nội dung chương trình giảng dạy và thuế có thu được không và quyền lợi của người học được đảm bảo ra sao khi phát sinh tranh chấp?

Đại biểu Quốc hội: Cần sự vào cuộc liên ngành

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho hay, phụ huynh luôn có tâm lý mong con bằng bạn bằng bè, nên họ muốn đầu tư cho con học hành, trong đó là về việc học ngoại ngữ. Họ biết đến những đơn vị tổ chức giảng dạy ngoại ngữ online với quảng bá như, một tuần học miễn phí trải nghiệm... và cuối cùng là mua trọn các khóa học với chi phí cao.

Tiếp đó, khi người học cảm thấy không theo được chương trình giảng dạy hoặc chương trình giảng dạy không đảm bảo chất lượng, lúc này người học khó có thể đòi bồi hoàn học phí.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cũng thành thật chia sẻ, bà cũng từng cho con học tập tiếng Anh qua online nhưng cả phụ huynh, học sinh đều thất vọng, không được bồi hoàn học phí. Sau đó, bà đã tự dạy cho con học và đăng ký bồi dưỡng từ nhà trường.

"Phụ huynh chi trả nhiều kinh phí cho con em học ngoại ngữ online, tuy nhiên hiệu quả không đem lại như mong muốn", Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh chia sẻ.

201806061530361483_ho-thi-minh---quang-tri.jpg
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Ảnh: Quochoi)

Theo vị này, hiện nay các cá nhân, tổ chức mở lớp giảng dạy online, bán hàng online... nhưng giám sát, quản lý còn chưa có cơ chế. Điều này khiến nhà nước thất thu thuế, và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.

Việc quản lý, giám sát kinh doanh online cần có sự liên quan đến nhiều cơ quan bộ, ngành. Giả dụ như cần có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo...

"Những đối tượng giảng dạy online cần có giấy phép kinh doanh, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng là rất lớn", bà Hồ Thị Minh nói.

Trước câu hỏi về việc người học có thể xác minh năng lực người giảng dạy qua bằng cấp, chứng chỉ hay không, bà Hồ Thị Minh nhận định, người đứng lớp sẽ không bao giờ cho người học xem bằng cấp, chứng chỉ.

"Nhiều khi, người ta có thể bỏ tiền để mua lượng tương tác trên mạng xã hội nhằm đánh bóng tên tuổi của bản thân, thu hút sự quan tâm của người học", bà Minh chia sẻ.

Dạy online "chui" khó quản lý

Theo Luật sư Phùng Thị Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay, việc dạy tiếng Anh thông qua các khóa học tự phát diễn ra rất phổ biến, được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok với thông tin, hình ảnh về “đội ngũ giáo viên” có điểm IELTS cao, mức học phí rẻ để nhằm thu hút học viên.

Thực tế, việc dạy tiếng Anh bao gồm cả offline và online của các trung tâm đều được điều chỉnh bởi Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP và Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT.

Do vậy, việc dạy tiếng Anh online và offline đều phải thành lập Trung tâm ngoại ngữ, có Quyết định thành lập của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và phải đảm bảo có địa điểm, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên,…phù hợp theo quy định.

Riêng đối với đội ngũ giáo viên, theo Điều 18 của Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học quy định:

Giáo viên là người Việt Nam đủ Điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau: "Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm".

Giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể): "Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp".

Giáo viên là người nước ngoài đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau: "Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp; Có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp".

Giả dụ, giáo viên có bằng cao đẳng Sư phạm tiếng Anh sẽ đủ tiêu chuẩn, nhưng nếu chỉ có bằng cao đẳng Ngôn ngữ Anh sẽ phải có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Lưu ý rằng chứng chỉ Tesol, IELTS hay chứng chỉ tương tự sẽ không có giá trị thay thế.

"Tuy nhiên, việc kiểm soát các cá nhân, tổ chức dạy tiếng Anh offline, online “chui”, còn nhiều khó khăn, chủ yếu phát hiện và xử lý thông qua phản ánh của người học.

Điều này đòi hỏi sự trách nhiệm từ cơ quan quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm và sự phối hợp, phản ánh từ phía người dân khi phát hiện có trung tâm tiếng Anh hoạt động không phép", Luật sư Phùng Thị Huyền chia sẻ.

lop-hoc.png
Một lớp giảng dạy của bà Ngọc Anh. (Ảnh: cắt màn hình)

Luật sư Phùng Thị Huyền nhận định, người học cần kiểm tra kỹ thông tin của các Trung tâm như tên, quyết định thành lập của cơ quan quản lý, địa chỉ trụ sở để xem xét Trung tâm này hoạt động hợp pháp hay không.

Giả dụ như ở TP. Hồ Chí Minh, người học có thể truy cập vào website: https://dichvugiaoduc.hcm.edu.vn/ngoaingutinhoc để kiểm tra Trung tâm dự định học có nằm trong danh sách được cấp phép không.

Tiếp đó, người học cần tìm hiểu kỹ về bằng cấp, chuyên môn, kinh nghiệm làm việc thực tế của người dạy được công khai, tham khảo ý kiến của học viên cũ, để đánh giá sơ bộ năng lực của người dạy xem có phù hợp với mong muốn của bản thân hay không.

"Cuối cùng, người học cần cẩn trọng, tránh mắc tâm lý “sợ bỏ lỡ” để đăng ký ngay khi chưa tìm hiểu đầy đủ về các trung tâm, các khóa học. Họ nên tham khảo kỹ nội dung khóa học, giáo trình, hợp đồng (nếu có), chính sách hoàn tiền, bảo mật thông tin để đảm bảo quyền lợi cho bản thân", Luật sư Phùng Thị Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Không ít người dạy tiếng Anh online "treo đầu dê, bán thịt chó"

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng (nguyên Trưởng bộ phận thường trực Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020") cho hay, hiện nay có nhiều khóa học online do các đại học hàng đầu thế giới tổ chức hoàn toàn miễn phí, nhưng học viên Việt Nam không mấy người tham gia (có lẽ vì rào cản ngôn ngữ).

Về nguyên tắc, riêng với các khóa học online có cấp chứng chỉ, đều phải do các trường đại học tổ chức dạy, duyệt chương trình, quy định giảng viên, công bố công khai nội dung, lịch trình, đề cương chi tiết, chuẩn đầu ra và quy định kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận.

Tuy nhiên, trong vụ việc giảng dạy biên, phiên dịch online của bà Ngọc Anh, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, các khóa học online hiện nay mọc lên như "nấm sau cơn mưa" và chưa có ai kiểm chứng về nội dung, chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên và giá trị của chứng chỉ đào tạo (nếu có).

"Hiện nay chưa có văn bản nào quy định về các lớp giảng dạy online tiếng Anh", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), việc chuyển đổi số trong thời đại công nghệ hiện nay là rất cần thiết, nhưng việc quản lý có thể chưa theo kịp với sự phát triển.

"Thực tế, việc giảng dạy offline tức trực tiếp cũng có thể không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, giảng dạy bằng hình thức nào cũng phải đảm bảo chất lượng, thầy ra thầy, trò ra trò", ông Chức chia sẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cho rằng, giữa người giảng dạy với người học phải có sự cam kết về chất lượng giảng dạy. Nếu không, cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn.

"Mục tiêu kết quả của đào tạo là phải làm cho người học được nâng cao trình độ nhận thức, năng lực trình độ.

Tôi ủng hộ việc giảng dạy theo các phương pháp mới nhưng phải có hành lang pháp lý quản lý được. Điều này đòi hỏi năng lực của cơ quan quản lý cũng phải được nâng cao, bắt kịp thực tế", Tiến sỹ Lê Viết Chức nhận định.

Thạc sĩ Ngô Tùng Anh (Phó trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện Ngân hàng) cho biết, theo thầy tìm hiểu, hiện nay việc quản lý hoạt động giảng dạy online chưa có hành lang quản lý mà chỉ là sự thỏa thuận giữa học viên với người học.

"Nếu người học bị ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, trung tâm giảng dạy online phải có trách nhiệm bồi thường. Đó là lương tâm của người giảng dạy", thầy Tùng Anh chia sẻ.

Theo thầy Tùng Anh, thực tế hiện nay, có những cá nhân, tổ chức quảng bá về chất lượng giảng dạy tiếng Anh nhưng trong thực tế là "treo đầu dê, bán thịt chó". Theo đó, khi họ nhận được tiền học phí của học viên, họ không đảm bảo các cam kết với học viên.

Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện ngân hàng cho rằng, để đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập, người có nhu cầu học ngoại ngữ nên đến cơ sở đào tạo được nhà nước công nhận. Bởi chỉ có những đơn vị được nhà nước cấp phép, sẽ đảm bảo về trình độ, năng lực của giáo viên, chương trình giảng dạy...

"Theo tôi, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn liên ngành để quản lý hình thức giảng dạy online tự phát, không đăng ký tổ chức đào tạo", thầy Tùng Anh đề xuất.

Nguyễn Phương