So sánh bác sĩ được mở phòng khám riêng với GV mở lớp dạy thêm là khập khiễng

27/09/2024 06:50
NGUYÊN KHANG

GDVN - Không có bệnh nhân nào chữa bệnh trong bệnh viện ở giờ hành chính rồi tối sẽ đến phòng khám riêng của bác sĩ điều trị tiếp và cũng chỉ uống 1 loại thuốc đó.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến kiến góp ý đến hết ngày 22/10/2024 đang nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng với những “điểm mở” như dự thảo mà được chính thức ban hành sẽ khiến cho việc dạy thêm, học thêm ở trong nhà trường, ngoài nhà trường những năm tới đây rất khó kiểm soát hơn với nhiều lý do khác nhau và những lo lắng này hoàn toàn có căn cứ.

Điều đáng nói, nhiều ý kiến so sánh rằng bác sĩ có thể mở phòng khám riêng để khám chữa bệnh ngoài giờ thì giáo viên công lập cũng có thể mở lớp dạy thêm. Nhưng, rõ ràng những so sánh này đang quá khập khiễng vì 2 phạm trù khám bệnh ngoài giờ làm việc và dạy thêm ngoài giờ lên lớp hoàn toàn khác nhau.

17-683-2436.png
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Bác sĩ khám bệnh ngoài giờ khác giáo viên dạy ngoài giờ

Nhiều năm nay, vẫn có những ý kiến cho rằng bác sĩ khám bệnh ngoài giờ sao không nói mà giáo viên dạy ngoài giờ thì dư luận lên tiếng, phản đối. Nhưng, rõ ràng so sánh này không phù hợp.

Bác sĩ khám bệnh ngoài giờ là họ chủ yếu khám bệnh cho khách vãng lai, những bệnh nhân khám đột xuất và thường là những bệnh thông thường, dễ chữa. Hoặc, những bệnh chuyên khoa, bệnh nhân cần sự riêng tư, họ tìm đến bác sĩ khám bệnh ngoài giờ để thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh và giữ những thông tin cần thiết (nếu có).

Những bệnh nhân điều trị trong bệnh viện thông thường họ sẽ điều trị bệnh cho bệnh nhân đến khi xuất viện. Bác sĩ không “để dành bệnh” để lôi kéo bệnh nhân đến phòng khám riêng của mình. Và, tất nhiên cũng không có bệnh nhân nào chữa bệnh trong bệnh viện ở giờ hành chính rồi đến tối sẽ đến phòng khám riêng của bác sĩ điều trị tiếp và cũng chỉ uống 1 loại thuốc đó.

Về cơ bản, bệnh nhân đi chữa bệnh không có ai chữa 1 bệnh 2 lần trong 1 thời điểm kề nhau và chữa quanh năm, suốt tháng; chữa cả khi đã khỏi bệnh.

Trong khi đó, học sinh hiện nay đang phải học chính khóa, học thêm triền miên từ ngày này sang ngày khác. Cũng 1 đơn vị kiến thức nhưng học thêm ở nhà thầy cô, học chính khóa ở trường học với 1 thầy cô trong một thời điểm kề cận với nhau.

Vì thế, nếu giáo viên dạy thêm kĩ, dễ hiểu thì phần học sinh chính khóa sẽ sơ sài, hời hợt. Nếu học sinh học chính khóa hiểu bài thì học sinh đi học thêm để làm gì?

Người viết bài không dám đánh đồng tất cả những giáo viên đang dạy thêm nhưng không hiếm trường hợp giáo viên dạy qua loa trên lớp nên những học sinh không đi học thêm sẽ khó nắm được kiến thức bài học. Không nắm được kiến thức trên lớp thì ắt tìm đến nhà thầy cô để học thêm.

Học thêm một số môn học (chủ yếu là những môn liên quan đến thi cử) bây giờ không phải chuyện lạ, càng học sinh giỏi càng đi học thêm nhiều.

Bởi thế, nếu so sánh với bác sĩ khám bệnh ở nhà với giáo viên dạy thêm ở nhà nhà sẽ khác nhau một trời, một vực. Bệnh nhân khỏi bệnh thì khỏi khám nhưng học sinh càng giỏi càng học thêm nhiều và học thêm liên tục.

Những lí do dạy thêm, học thêm ngày càng khó kiểm soát

Bên cạnh một số mặt tích cực từ việc dạy thêm cho học sinh phổ thông những năm qua, chúng ta thấy việc dạy thêm, học thêm cũng bộc lộ và tiềm ẩn nhiều hạn chế khi không được kiểm soát chặt chẽ.

Đa phần những giáo viên dạy thêm tại nhà hiện nay là đang dạy thêm đại trà cho học sinh chính khóa của mình nên dẫn đến việc dễ dãi trong việc quản lý nền nếp và đánh giá, cho điểm trên lớp.

Đặc biệt, khi dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì mỗi môn học có ít nhất 3 bộ sách giáo khoa và kiến thức bố trí của các bộ sách không đồng nhất với nhau trong từng học kỳ. Vì thế, theo tìm hiểu của người viết, một số địa phương không còn ra đề kiểm tra chung như trước đây nữa.

Đề kiểm tra định kỳ bây giờ chủ yếu là giao cho nhà trường tự chủ. Vì thế, những học sinh đi học thêm có nhiều cái lợi. Đề trường ra thì tổ chuyên môn thống nhất sẽ ra vào chỗ nào, giới hạn chỗ nào nên giáo viên dạy thêm rất tường tận.

Hơn nữa, mỗi khối có vài người dạy/ môn nên đa phần giáo viên vừa ra đề kiểm tra, vừa dạy chính, dạy thêm, chấm bài kiểm tra cho học trò của mình. Nói một cách đơn giản điểm số trong tầm tay của giáo viên dạy thêm. Muốn điểm cao sẽ có điểm cao.

Bên cạnh đó, một trong những thay đổi đáng chú ý mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố về thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, đó là dự kiến xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông theo hướng: “Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố”.

Điểm mới này cũng gây băn khoăn phải quản lý, giám sát tốt để tránh việc "làm đẹp học bạ". Bởi nếu điểm số trong tầm tay của giáo viên, có thể nó sẽ góp phần cho việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường trở nên khó kiểm soát hơn.

Trong khi đó, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm lại khá thoáng và có nhiều điểm mở so với trước đây. Dự thảo không còn cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa; cho phép hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng có thể dạy thêm học trò.

Điều này khiến không ít phụ huynh và dư luận xã hội lo ngại. Những giáo viên dạy thêm lâu nay có muôn vàn lý do để dạy thêm và khi dự thảo này được công bố sẽ khiến họ thở phào nhẹ nhõm vì mọi trở ngại gần như đã không còn nữa. Dù là một giáo viên nhưng viết cũng không khỏi lo lắng, băn khoăn tới đây với dự thảo này, việc quản lý dạy thêm, học thêm sẽ như thế nào?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG