BÁO ĐÔNG PHƯƠNG:

Trung Quốc đối mặt với mạng lưới chống tàu ngầm khu vực

08/12/2011 19:56
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - "Động thái bành trướng trên biển của Trung Quốc đã làm cho Mỹ và đồng minh gia tăng đầu tư cho trang bị tác chiến chống tàu ngầm".

Tờ “Phương Đông” Trung Quốc đưa tin, Hải quân Trung Quốc tiến ra Tây Thái Bình Dương tập trận đã gây căng thẳng cho phương Tây. Ngày 24/11/2011, nhà cung cấp thiết bị dò sóng siêu âm (sonar) lớn nhất thế giới, Công ty TNHH Cổ phần khống chế Điện tử Siêu cấp (ULE) có trụ sở tại Anh cho biết, căn cứ vào tình hình nắm được, động thái bành trướng trên biển của Trung Quốc đã làm cho Mỹ và đồng minh gia tăng đầu tư cho trang bị tác chiến chống tàu ngầm.

Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh trên đại dương
Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh trên đại dương

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, không chỉ các nước châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ và Nga, thực sự đều đang ra sức phát triển lực lượng hải, không quân, nhưng coi Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự là nhân tố kích động thì không có lý.

Ông cho rằng, từ khi bước vào thế kỷ 21, vai trò và ảnh hưởng của quyền lợi biển và tài nguyên biển ngày càng lớn, mức độ coi trọng lợi ích biển của các nước được nâng lên rất cao, cạnh tranh cũng ngày càng kịch liệt, đây mới là nhân tố then chốt kích động và thúc đẩy các nước tiếp tục phát triển sức mạnh trên biển.

Ngày 24/11, Bloomberg Mỹ cho biết, Giám đốc điều hành ULE Rakesh Sharma cho biết, cùng với việc Trung Quốc phát triển sức mạnh hải quân làm trầm trọng hơn quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Lầu Năm Góc và đồng minh đều đang tập trung mua các thiết bị cần thiết, để tăng cường mức độ phát hiện hoạt động tàu ngầm trên các tuyến đường hàng hải, bảo vệ an ninh vận tải thương mại đường biển.

Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên của Hải quân Trung Quốc

Rakesh Sharma cho biết: “Mặc dù trong tình hình chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu giảm bớt, hoạt động buôn bán trang bị sóng siêu âm vẫn đang mở rộng”, “giống với quặng sắt, hàng hoá chủ lực đều cần phải được vận chuyển trên biển, vì vậy bảo vệ an ninh các tuyến đường thương mại trên biển ngày càng cần thiết. Trong bối cảnh mối đe doạ tiềm tàng từ Trung Quốc gia tăng, Australia, Singapore, Malaysia, Philippinese đều sẽ gia tăng đầu tư cho sẵn sàng chiến đấu chống tàu ngầm, Mỹ cũng như vậy”.

Sharma cho biết thêm, tại bang Indiana - Mỹ, ULE đang phát triển trang bị sóng siêu âm phù hợp với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tín hiệu mạch xung của trang bị mới “mạnh hơn”, “cho dù là ở eo biển Malacca có tiếng ồn rất phức tạp (nơi kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) hay biển Đông (nơi tranh chấp quyền khai thác dầu mỏ giữa một số nước), thiết bị sóng siêu âm mới cũng có thể dò được tín hiệu tàu ngầm”.

Khả năng chống tàu ngầm của Nhật Bản đứng đầu thế giới
Khả năng chống tàu ngầm của Nhật Bản đứng đầu thế giới

Simon Weitzman, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch gia tăng cường đầu tư cho hệ thống chống tàu ngầm. Tờ “Jane'sDefenceWeekly” phân tích, trong 10 năm tới, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ mua khoảng 100 máy bay tuần tra trên biển và 100 máy bay trực thăng làm nhiệm vụ trên biển, hầu hết trong số đó đều được trang bị thiết bị phát hiện sóng siêu âm.

Bloomberg cho biết, hiện nay, Malaysia và Việt Nam đã đặt mua tàu ngầm mới, Indonesia đang đàm phán với Hàn Quốc để mua 3 tàu chiến có trọng tải 1.400 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD. ULE đã cung cấp hệ thống sóng siêu âm cho tàu khu trục chống tàu ngầm của Australia.

Công ty này còn cung cấp thiết bị sóng siêu âm cho máy bay tuần tra chống tàu ngầm Peseidon của Công ty Boeing, máy bay này dự kiến sẽ trang bị cho Hải quân Mỹ vào năm 2013, và sẽ trang bị ngư lôi, bom nổ dưới nước và tên lửa chống hạm.

Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8I Poseidon do Mỹ sản xuất
Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8I Poseidon do Mỹ sản xuất

Bài viết cho biết, là một biện pháp kiểm soát Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân, vừa qua Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố đóng 2.500 binh sĩ lính thủy đánh bộ tại Australia nhằm tăng cường an ninh vận tải đường biển.

Cuối tháng 11, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận trên Tây Thái Bình Dương. Theo “Jane'sDefence”, đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc có kế hoạch tăng mới 30 tàu ngầm, trong khi đó, số lượng tàu ngầm mới của cả khu vực Thái Bình Dương chỉ không hơn 86 chiếc.

Bài báo phân tích, Mỹ lo ngại về sức mạnh hải quân của Trung Quốc bắt đầu tăng lên từ năm 2006. Tháng 10 năm đó, 1 chiếc tàu ngầm Trung Quốc đã nổi lên mặt nước và không bị phát hiện ở gần tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ, khoảng cách giữa hai tàu đã nằm trong phạm vi tấn công của ngư lôi.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London, Trung Quốc đã sở hữu 60 tàu ngầm. Một bản báo cáo dự thảo được Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung công bố tháng 10/2011 cho biết, Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự đã làm giảm khả năng giải quyết hòa bình tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 3 lớp 091 của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 3 lớp 091 của Hải quân Trung Quốc

Lý Kiệt cho rằng, báo chí nước ngoài và một số nhà cung cấp vũ khí phương Tây đã nói quá sự thật về sự bành trướng của Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc cơ bản không hề nói tới cái gọi là “bành trướng”.

Trong quá trình Trung Quốc từ nước lớn khu vực trở thành cường quốc thế giới, lợi ích và quyền lợi biển chắc chắn sẽ tăng lên và mở rộng.

Theo Lý Kiệt thì các nước láng giềng Trung Quốc đã tới tấp “cướp đi tài nguyên (dầu khí), xâm chiếm các hòn đảo, chia cắt các vùng biển”, cộng với sự xúi giục của Mỹ và các nước khác, khiến cho tình hình biển xung quanh Trung Quốc ngày càng phức tạp, do đó Trung Quốc đương nhiên cần coi trọng phát triển sức mạnh hải quân.

Lý Kiệt nhấn mạnh, phát triển sức mạnh hải quân chắc chắn phải có vũ khí trang bị đồng bộ tương ứng, đặc biệt là một nước lớn cần phát triển cân bằng, cần có hệ thống tương đối hoàn bị. Trung Quốc tiến hành khảo sát biển, tập trận theo thường lệ là một hoạt động rất bình thường, không có ý đồ đe dọa nước khác.

Đông Bình (Theo báo Phương Đông)