Trường ĐH đa dạng hoạt động đánh giá điểm rèn luyện SV phù hợp với thời đại 4.0

23/11/2024 06:34
Hà Giang

GDVN - Lãnh đạo phòng công tác sinh viên nhiều trường đại học chỉ ra các biện pháp để điểm rèn luyện phát huy đúng vai trò trong việc đánh giá sinh viên toàn diện.

Điểm rèn luyện là một yếu tố rất quan trọng để đánh giá ý thức của sinh viên trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động tập thể ở trường đại học. Bên cạnh điểm học tập, điểm rèn luyện cũng là căn cứ để các trường đại học xét học bổng hay các danh hiệu cho sinh viên. Tuy nhiên, làm sao để điểm rèn luyện phát huy được vai trò trong việc đánh giá sinh viên một cách toàn diện vẫn là câu hỏi trăn trở của lãnh đạo phòng công tác sinh viên nhiều trường đại học.

Áp dụng quy định cộng/trừ điểm rèn luyện phù hợp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Nhất Trang – Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Tiền Giang cho biết, hiện tại, nhà trường đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên căn cứ theo Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT ban hành quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của người học được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy.

Cụ thể, điểm rèn luyện của sinh viên tại trường được đánh giá bằng thang điểm 100 bao gồm nhiều tiêu chí đánh giá. Nếu sinh viên đạt các tiêu chí đánh giá cơ bản về ý thức tham gia học tập, chấp hành nội quy, quy chế, quy định trong nhà trường, ý thức công dân trong quan hệ xã hội có thể đạt tối đa 70 điểm, tương đương với kết quả rèn luyện loại khá. Để đạt mức điểm rèn luyện loại giỏi hoặc loại xuất sắc, sinh viên cần thêm các tiêu chí đánh giá về ý thức tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, nhà trường khuyến khích cộng điểm đối với những sinh viên tham gia công tác cán bộ lớp, cán bộ đoàn thể trong nhà trường hoặc sinh viên đạt thành tích đặc biệt trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Thực tế, hầu hết sinh viên đều phấn đấu với mong muốn đạt mức điểm rèn luyện loại giỏi hoặc xuất sắc, bởi mức điểm rèn luyện sẽ quyết định một phần chế độ học bổng, khen thưởng mỗi kỳ của các em. Nếu kết quả học tập đạt loại giỏi, xuất sắc, nhưng xếp loại điểm rèn luyện khá hoặc tốt thì sinh viên đó cũng không được nhận học bổng hoặc khen thưởng loại giỏi hoặc xuất sắc.

cô Trang.jpg
Cô Nguyễn Nhất Trang – Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: website nhà trường)

“Tại Trường Đại học Tiền Giang, do điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn, một số sinh viên phải di chuyển 10-15 km tới trường mỗi ngày. Vì vậy dù rất muốn nhưng nhiều em khó sắp xếp tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị do nhà trường tổ chức, nhất là khi những chương trình này diễn ra vào buổi tối, sau giờ học.

Đối với những trường hợp này, nhà trường chỉ không cộng điểm chứ không tiến hành trừ điểm. Nhà trường chỉ áp dụng trừ điểm những trường hợp sinh viên vi phạm quy chế nhà trường theo quy định bởi điểm rèn luyện là hạng mục dùng để phản ánh ý thức, thái độ của sinh viên nói chung trong quá trình học đại học. Vì vậy, khi sinh viên vi phạm những quy định này, nhà trường mới trừ điểm rèn luyện”, cô Trang cho biết thêm.

Hiện nay, nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên trong việc đăng ký thủ tục, giấy tờ liên quan đến sinh viên, nhiều trường đại học tổ chức cho sinh viên đăng ký các thủ tục trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều sinh viên đăng ký thủ tục trực tuyến và đã được xử lý nhưng sau một tháng kể từ ngày xử lý không đến nhận hồ sơ đăng ký. Việc này gây thất thoát, lãng phí về giấy mực, thời gian và nhân công nhà trường. Vì vậy, một số trường đại học đã tiến hành trừ điểm rèn luyện đối với những sinh viên này. Tuy nhiên, quy định này không phải trường nào cũng áp dụng.

Tại Trường Đại học Vinh, quy định về điểm rèn luyện sẽ được thông báo đến sinh viên vào đầu mỗi kỳ học để sinh viên nắm rõ và thực hiện.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên, Trường Đại học Vinh cho biết, nhà trường đã và đang thực hiện mô hình “một cửa” để hỗ trợ sinh viên hoàn thành các thủ tục hành chính. Thực tế, tại Trường Đại học Vinh số lượng sinh viên cần hoàn thành các thủ tục này không quá nhiều. Mô hình “một cửa” này do sinh viên và giảng viên nhà trường cùng phụ trách. Đối với những sinh viên tham gia hỗ trợ, nhà trường có cộng thêm điểm rèn luyện.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Soa cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay, kết quả học tập và kết quả rèn luyện là hai tiêu chí đánh giá sinh viên không thể tách rời. Ngoài ra, kết quả rèn luyện cũng được ghi chung vào bảng điểm kết quả học tập và lưu trong hồ sơ của người học khi tốt nghiệp.

“Nếu một sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, nhưng điểm rèn luyện chỉ trung bình, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi lớn về ý thức của sinh viên đó trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Theo quan điểm của nhà trường, hành vi nào ảnh hưởng tới phẩm chất đạo đức, tư cách của sinh viên thì nhà trường sẽ tiến hành trừ vào điểm rèn luyện.

Ví dụ, sinh viên không tham gia sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt đảng sẽ bị trừ điểm rèn luyện, vì đây là nhiệm vụ của sinh viên cần hoàn thành trong năm học. Những trường hợp sinh viên đã đăng ký tham gia các hoạt động do nhà trường điều động nhưng không có mặt cũng bị trừ điểm vì như vậy các em đã làm ảnh hưởng tới hoạt động chung của tập thể, mất cơ hội tham gia của các bạn khác”, thầy Soa chia sẻ thêm.

Một số ý kiến cho rằng điểm rèn luyện đang tạo cho sinh viên không ít áp lực. Theo thầy Soa, để giải quyết vấn đề trên, sinh viên cần biết cách cân bằng, kết hợp giữa học tập và các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, làm thêm.

“Các em có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, vừa bổ trợ kiến thức cho việc học, vừa là tiêu chí cộng điểm rèn luyện. Ngoài ra, sinh viên có thể lựa chọn các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa và có giấy chứng nhận đã tham gia, nhà trường sẽ lấy đó làm căn cứ để cộng điểm rèn luyện. Nhà trường khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa phù hợp với quá trình học tập của sinh viên”, Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên, Trường Đại học Vinh cho biết.

unnamed-18-2162.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên, Trường Đại học Vinh. (Ảnh: website nhà trường)

Đối với các hoạt động có sự tham gia của doanh nghiệp như kêu gọi sinh viên mở thẻ ngân hàng, tải các phần mềm đánh giá, liên kết với trung tâm tiếng Anh mở hội thảo tại trường… thầy Soa khẳng định việc tham gia là quyền tự do và nhu cầu của sinh viên. Nhà trường không ép buộc và cũng không đưa việc này vào tiêu chí cộng/trừ điểm rèn luyện.

Tương tự như Trường Đại học Vinh, Trường Đại học An Giang cũng không tính điểm rèn luyện đối với các sự kiện/hoạt động có yếu tố tài trợ như các hoạt động tình nguyện được hỗ trợ kinh phí hay các hội thảo du học. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan –Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học An Giang cho biết:

“Chúng tôi xem xét kỹ lưỡng và chọn lọc các chương trình hợp tác với các ngân hàng và trung tâm tiếng Anh. Những chương trình này được giới thiệu trên tinh thần tự nguyện, nhằm đảm bảo sinh viên có quyền lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Hiện tại, căn cứ Quyết định số 964/QĐ-ĐHQG của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành quy chế đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học An Giang ban hành khung đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên hình thức chính quy với nội dung đánh giá bao gồm 5 tiêu chí chính trên thang điểm 100.

Nhằm nhắc nhở và nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên, Trường Đại học An Giang thực hiện không cộng điểm rèn luyện đối với các trường hợp vi phạm nội quy, quy chế học tập và sinh hoạt; thiếu trách nhiệm trong các hoạt động ngoại khoá bắt buộc; hoặc ban cán sự lớp không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về cơ bản, biện pháp này đem lại hiệu quả trong việc giảm thiểu các hành vi vi phạm, góp phần duy trì môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh”.

Bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá phù hợp với sinh viên trong thời đại công nghệ 4.0

Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên, Trường Đại học Vinh cho biết, dựa theo Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ ban hành quy định đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên phù hợp với tình hình thực tế tại trường.

Ngoài việc công khai quy định đánh giá điểm rèn luyện sinh viên, kết quả tính điểm rèn luyện sinh viên cũng được Trường Đại học Vinh công khai đến toàn thể sinh viên, tránh tình trạng thiếu công bằng.

“Ngoài những cách đánh giá điểm rèn luyện đã áp dụng nhiều năm nay, nhà trường có triển khai thêm một số hình thức cộng điểm rèn luyện mới phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 để khuyến khích sinh viên tham gia.

Ví dụ, nhà trường sẽ cộng điểm rèn luyện cho những sinh viên thực hiện tương tác, lan tỏa các bài viết quan trọng trên website, fanpage nhà trường. Việc làm của sinh viên sẽ góp phần truyền thông, xây dựng thương hiệu và nâng cao uy tín của nhà trường. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm bắt buộc sinh viên tham gia mà nhà trường cộng điểm rèn luyện để khuyến khích sinh viên quan tâm, có trách nhiệm trong việc xây dựng, giữ gìn hình ảnh của nhà trường”, thầy Soa chia sẻ.

Ngoài ra, để nâng cao tinh thần phấn đấu rèn luyện trong sinh viên, hiện nay sinh viên ở Trường Đại học Vinh nếu đủ điều kiện đều được xếp loại điểm rèn luyện xuất sắc mà không bị giới hạn số lượng, thay vì không quá 5% tổng số sinh viên chính quy của trường như quy định trước đây.

Với mục đích làm đúng, đánh giá đúng, tạo điều kiện hết sức cho sinh viên, thầy Soa cho biết phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên đã phân công cán bộ chuyên nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí đánh giá điểm rèn luyện trong sinh viên. Dự kiến thời gian tới, phòng sẽ đề xuất thêm các tiêu chí cộng điểm cho sinh viên tham gia các hoạt động trên mạng xã hội đem lại hiệu quả tác động tích cực tới sinh viên và nhà trường.

sv trường đh vinh tham gia Ngày hội hiến máu tình nguyện.jpg
Sinh viên Trường Đại học Vinh tham gia "Ngày hội hiến máu tình nguyện". (Ảnh: website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, cô Loan cho biết nhằm hỗ trợ sinh viên tích lũy điểm rèn luyện, nhà trường tổ chức đa dạng các sự kiện, từ hội thảo, hội nghị, workshop, talkshow đến các buổi cổ vũ cuộc thi, chia sẻ và rèn luyện kỹ năng,… Những hoạt động này được tổ chức bài bản, phù hợp lịch học của sinh viên. Thông tin chi tiết sự kiện được cập nhật công khai trên website trường. Nhờ đó, sinh viên dễ dàng tra cứu và chủ động đăng ký tham gia.

Để đảm bảo tính nghiêm túc và giá trị của mỗi hoạt động, nhà trường đã áp dụng nhiều cách thức quản lý. Về hình thức điểm danh, nhà trường tiến hành điểm danh linh hoạt tại nhiều thời điểm khác nhau, kết hợp với bài kiểm tra ngắn hoặc viết thu hoạch sau sự kiện đối với một số hoạt động đặc thù. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính tương tác của sinh viên, nhà trường có tiến hành khảo sát ý kiến sinh viên hoặc yêu cầu sinh viên đóng góp ý tưởng vào sự kiện.

loan.png
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan –Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học An Giang. (Ảnh: website nhà trường)

Cô Loan cũng cho biết nhà trường thường xuyên truyền thông nâng cao nhận thức cho sinh viên về ý nghĩa thực sự của điểm rèn luyện thông qua tuần sinh hoạt công dân - sinh viên. Qua đó, sinh viên hiểu rằng việc tham gia các hoạt động không chỉ giúp tích lũy điểm mà còn là cơ hội để rèn luyện kỹ năng mềm và mở rộng kiến thức.

“Nhìn chung, những biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng tham gia đối phó của sinh viên mà còn góp phần duy trì sự công bằng, đảm bảo mỗi hoạt động ngoại khóa được triển khai đều mang lại trải nghiệm và giá trị học tập thực chất cho sinh viên, đúng với tính chất và mục tiêu ban đầu của điểm rèn luyện”, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học An Giang cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nhận thấy nhiều sinh viên gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa việc học và các hoạt động rèn luyện, nhà trường đã và đang hướng đến một số giải pháp nhằm giảm nhẹ áp lực cho sinh viên nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả trong đánh giá điểm rèn luyện, cụ thể như: xây dựng các hoạt động ngoại khóa linh hoạt về thời gian (tổ chức nhiều khung thời gian khác nhau) cũng như đa dạng hơn về hình thức tổ chức (trực tuyến lẫn trực tiếp) nhằm giúp sinh viên có thể dễ dàng chọn lựa tham gia mà không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập; chú trọng các hoạt động trải nghiệm, xử lý tình huống, rèn luyện kỹ năng,… để giúp sinh viên dễ dàng thích ứng trong thời đại VUCA (Volatility - Biến động; Uncertainty - Không chắc chắn; Complexity - Phức tạp; Ambiguity - Mơ hồ).

Đặc biệt, nhà trường cũng tổ chức buổi chia sẻ tâm lý học ứng dụng hoặc các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên với quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ (thông thường chỉ dao động ở mức 10 – 12 sinh viên/hoạt động) để sinh viên có nhiều cơ hội được tương tác, trải lòng, xây dựng nội lực, giải tỏa những căng thẳng từ cuộc sống.

“Phần lớn sinh viên ban đầu tham gia những hoạt động trên vì điểm rèn luyện, nhưng sau khi tham gia, sinh viên cảm thấy thích và tiếp tục chủ động đăng ký tham gia vào những lần tiếp theo.

Nhà trường xem xét áp dụng hình thức điểm thưởng (điểm cộng khuyến khích) cho đối tượng sinh viên có thành tích nổi trội, có đóng góp tích cực hoặc có nghị lực phấn đấu vươn lên trong học tập,… nhằm giúp sinh viên tập trung vào chất lượng tham gia thay vì chỉ chạy theo số lượng. Với cách tiếp cận này, điểm rèn luyện không chỉ là thước đo đánh giá mà còn trở thành công cụ hỗ trợ cho sinh viên phát triển theo đúng năng lực và sở thích của bản thân, giảm thiểu tối đa tình trạng tham gia đối phó”, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học An Giang thông tin thêm.

Hà Giang